| Hotline: 0983.970.780

Thời bão giá, sinh viên ồ ạt ra ngoại thành

Thứ Năm 02/06/2011 , 10:27 (GMT+7)

Họ chấp nhận thuê trọ xa xôi, thậm chí tận các tỉnh lân cận Hà Nội, miễn sao nhà trọ rẻ, giá cả sinh hoạt mềm, có xe buýt vào nội thành, mặc dù từ nơi trọ tới trường vài chục km…

"Đắt đỏ quá, cái gì cũng đắt, giá tăng ầm ầm, từ nhà trọ, rau quả, thực phẩm… nên sinh viên tỉnh lẻ bọn em không chiụ nổi. Chính vì vậy mà em phải di chuyển ra ngoại thành để mong giảm bớt mức chi tiêu".

Đó là lời tâm sự của Hà, SV Đại học Sư phạm Hà Nội. Vâng! Chẳng riêng gì Hà, đây là ý tưởng chung của hầu hết các sinh viên nghèo các trường đại học, cao đẳng trong nội thành. Họ chấp nhận thuê trọ xa xôi, thậm chí tận các tỉnh lân cận Hà Nội, miễn sao nhà trọ rẻ, giá cả sinh hoạt mềm, có xe buýt vào nội thành, mặc dù từ nơi trọ tới trường vài chục km…

Nếu như cách đây khoảng 5 năm, ở những khu vực thuộc huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn (Hà Nội)…, hầu như không có SV tới thuê trọ, thì bây giờ có khá nhiều em tìm đến thuê phòng. Bởi lợi thế của những vùng ngoại thành là giá phòng trọ rất mềm, giá cả sinh hoạt thấp nên SV cảm thấy dễ thở! Qua tham khảo giá cả phòng trọ tại các xã Kim Chung, Hải Bối, Đại Mạch (huyện Đông Anh - Hà Nội), nơi chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục km, thì 1 căn phòng rộng hơn chục mét vuông giá chưa tới 500.000 đồng/tháng. Những phòng trọ hẹp hơn chút ít, giá chỉ trên dưới 400.000 đồng/tháng. Ở phạm vi xa hơn, đó là khu vực huyện Sóc Sơn, giá phòng còn rẻ nữa, chỉ từ 200- 300.000 đồng/phòng/tháng.

Giá phòng rẻ, giá sinh hoạt cũng cực rẻ, như rau quả và các loại thực phẩm, nông sản phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày của SV luôn chỉ bằng phân nửa so với mức giá ở nội thành. Chính vì lẽ đó mà SV, nhất là SV con nhà nghèo quê tỉnh lẻ ồ ạt di cư ra ngoại thành là điều dễ hiểu.

Lê Văn Tuấn, SV năm thứ 2 Đại học Giao thông kể: “Hiện em đang thuê trọ mãi tận thị trấn Sóc Sơn. Mặc dù cách trường tới hơn 30km, nhưng giá phòng cực rẻ, chỉ 300.000 đồng/phòng/tháng, trong khi đó xe buýt vào nội thành cũng chạy qua đây, rất tiện cho việc đi học. Trước kia em thuê trọ tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, giá phòng là 1,7 triệu đồng/tháng, cộng cả các khoản điện, nước, tiền vệ sinh, tiền an ninh… giá đội lên hơn 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù đã tận dụng ở tới 3 người, nhưng mỗi tháng chỉ tiền trọ thôi cũng đã mất gần 1 triệu bạc/người”.

Cũng như Tuấn, Nguyễn Thị Hoa là SV năm 3, Đại học KHXH&NV là người cũng khá thức thời trong việc đối phó với bão giá. Ngày trước Hoa thuê trọ tại Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm), với giá phòng luôn cao và chỉ vài tháng là chủ nhà lại tăng giá một lần. Không chịu nổi, Hoa rủ bạn ra tận huyện Thanh Trì để trọ, với mức giá 340.000 đồng/phòng/tháng. Hàng ngày, việc đi lại bằng xe buýt tới trường khá vất vả, song Hoa cùng bạn luôn biết cách chấp nhận, khắc phục về giờ giấc, thời gian đi học. Bởi nếu cứ sống ngay gần trường thì số tiền bố mẹ cho hàng tháng không đủ tiêu trong một tuần.

SV Lê Trần Anh, hiện đang thuê trọ tận Như Quỳnh (Văn Giang, Hưng Yên), hàng ngày em vẫn phải bắt xe buýt vào tận Đại học Công nghiệp để học. Chuyển qua mấy tuyến xe buýt, với nhiều lần chờ đợi rất mệt mỏi, mất thời gian, nhưng Trần Anh vẫn phải chấp nhận. Trần Anh tâm sự: “Thời gian chờ đợi, di chuyển trên xe buýt hàng ngày của em có khi còn nhiều hơn thời gian ngồi học tại giảng đường. Mới đầu thì quả là mệt mỏi, chán nản, nhưng dần thành quen. Năm đầu em cũng thuê trọ tại Mai Dịch cùng một người bạn với giá phòng 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước... Bão giá ập đến, rau xanh, thực phẩm các loại tăng chóng mặt nên nhiều ngày phải ăn mỳ tôm chay là chuyện bình thường”.

Giới SV luôn được coi là những người năng động, nhạy cảm với thời cuộc. Việc đối phó với bão giá bằng hình thức di cư ra trọ ở các vùng ngoại thành là cách sáng suốt. Các cấp chính quyền địa phương, cùng ngành giao thông thành phố cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho SV đi xa tránh bão giá.

Khảo sát cuộc sống của SV ở những vùng ngoại thành, chúng tôi nhận thấy, quả là giá cả ở đây thật dễ chịu. Phòng trọ thì rẻ bằng 1/3, ¼ so với khu vực nội thành. Giá điện, giá nước sinh hoạt cũng chỉ bằng một nửa, trong khi giá thực phẩm, nhất là rau xanh thì quá mềm. Lấy ví dụ, 1 kg cà chua thời điểm hiện tại ở nội thành là trên 10.000 đồng, trong khi ở các khu chợ quê ngoại thành chỉ là 4-5.000 đồng/kg. Rau muống, ở ngoại thành chỉ từ 1.000-1.500 đồng, tại nội thành là 3 - 4, thậm chí 6-7.000 đồng/bó. Chính vì lẽ đó, thời gian gần đây, SV ồ ạt kéo nhau ra các huyện ngoại thành thuê trọ. Điều đó khiến các tuyến xe buýt tới các vùng này luôn trong tình trạng quá tải.

Tại các đầu tuyến xe buýt 15: Long Biên- Phố Nỉ; tuyến 39: Bến xe nước Ngầm- Công viên Nghĩa Đô; tuyến 46: Mỹ Đình- Cổ Loa…, cảnh SV đứng đợi xe buýt đông nghìn nghịt, chỉ qua vài điểm đỗ xe buýt đã chật ních. Trong khi đó, các Cty kinh doanh vận tải của thành phố Hà Nội vẫn không tăng chuyến xe buýt đến đây. Vì thế cảnh SV "ăn trực nằm chờ" ở các bến xe buýt xảy ra nhan nhản ở các khu vực ngoại thành.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.