| Hotline: 0983.970.780

Thời cơ để An Giang bứt phá

Thứ Sáu 23/03/2012 , 15:04 (GMT+7)

An Giang có 120 xã, đến nay có 3 xã đạt trên 15 tiêu chí, 6 xã đạt trên 13 tiêu chí, 21 xã đạt từ 11 - 12 tiêu chí, số xã còn lại đạt từ 7 - 10 tiêu chí NTM.

Ông Vũ Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục PTNT An Giang

An Giang có 120 xã, đến nay có 3 xã đạt trên 15 tiêu chí, 6 xã đạt trên 13 tiêu chí, 21 xã đạt từ 11 - 12 tiêu chí, số xã còn lại đạt từ 7 - 10 tiêu chí NTM. NNVN có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục PTNT An Giang, Chánh Văn phòng điều phối BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh An Giang, xung quanh việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

 

Thưa ông, trong quá trình xây dựng NTM, An Giang tập trung giải quyết vấn đề nào trước?

Chương trình xây dựng NTM là thời cơ tốt nhất giúp An Giang phát triển kinh tế, đưa tỉnh đi lên. Đến thời điểm này An Giang đã cơ bản hoàn thành 100% việc lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã, do chính lãnh đạo UBND xã trực tiếp làm, có sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn. Hiện nay các xã đang tổ chức công bố quy hoạch.

An Giang có thế mạnh về cá tra và lúa. Chính vì lẽ đó tỉnh đặt mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM là phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kế đến là phát triển mạng lưới giao thông. Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã chọn 30 xã điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015, có tối thiểu 25% số xã đạt tiêu chí NTM (30/120 xã). Và đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn (60/120 xã).

Hiện nay tỉnh có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, như thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất lúa, hình thành hệ thống sản xuất giống cộng đồng. Toàn tỉnh có trên 200 tổ hợp tác, HTX sản xuất giống lúa. Ngoài ra có 2 trang trại, 3 DN sản xuất và cung ứng giống, đáp ứng nhu cầu giống tốt, có chất lượng cho 75% diện tích canh tác. Nhờ đó diện tích trồng lúa chất lượng cao đều tăng, đến năm 2011 đạt trên 80%.

An Giang luôn kêu gọi xã hội hóa nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM, vậy kết quả ra sao, thưa ông?

Điều vô cùng thuận lợi là khi An Giang phát động phong trào xây dựng NTM thì nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Trước khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, An Giang đã thực hiện được 2 chương trình hết sức ý nghĩa là từ ấp đến huyện đều có xe cứu thương từ miễn phí. Đây là những xe do người dân tự bỏ tiền túi ra đóng góp phục vụ công tác xã hội. Hiện nay đội xe từ thiện đã có hàng trăm chiếc.

Kế tiếp là chương trình của nhân dân tự đóng góp tiền của và công sức để bắc hàng chục cây cầu dây văng và làm đường bê tông nông thôn dài cả hàng trăm cây số, giúp giao thông nông thôn thuận lợi. Đến khi Nhà nước phát động Chương trình xây dựng NTM thì nhân dân ủng hộ rất cao. Cụ thể ở từng địa phương trong xã, bà con sẵn sàng hiến đất hoặc góp sức để làm đường giao thông nông thôn.

Đưa điện lưới về nông thôn

Đến nay số xã có đường giao thông đến trung tâm đạt 80/136 xã (58,82%). Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Số xã sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện thường xuyên đạt 95%. Phổ cập giáo dục trung học có 132/136 xã đạt (97,1%); Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 85,2%. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia có 134/136 xã đạt (98,53%). Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt trên 45% (toàn tỉnh 54%), tăng 12,9% so năm 2009. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông (tăng 7 xã so 2009); 97% số ấp thuộc xã có Internet phủ kín địa bàn (tăng gấp 2 lần so 2009). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38,3% (tăng 8,02% so 2009), trong đó qua đào tạo nghề đạt 26,2% (tăng 5,87% so 2009). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hàng năm, đến năm 2011 đạt 16,61 triệu đồng/năm, tăng 4,11 triệu đồng so 2009.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, đến cuối năm 2011 còn 7,84% (giảm 1,44% so 2010). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 49,97% (tăng 5,63% so năm 2009); tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 52,52% (tăng 6,44%). 

Ông có thể rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở An Giang? 

Thật ra An Giang cũng như các tỉnh ở ĐBSCL bắt tay xây dựng NTM, để sớm đạt được chỉ tiêu đưa ra cũng nhờ vào yếu tố quan trọng nhất là con người, kế đến là sự ủng hộ của chính quyền rót vốn. Xây dựng NTM gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, không phải là chương trình đầu tư của Nhà nước mà là chương trình vận động toàn xã hội tham gia.

Kinh nghiệm của An Giang là đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết SX theo cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh (lúa, rau quả, cá nước ngọt).

Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục, vận động, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp và quần chúng nhân dân xây dựng NTM mới là chương trình vận động toàn xã hội tham gia. Để từ đó trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mọi hoạt động cụ thể do chính người dân trong xã bàn bạc và quyết định tổ chức thực hiện.

Vậy việc triển khai thực hiện và quản lý tốt quy hoạch, đề án xây dựng NTM đến đâu, thưa ông?

Tùy tình hình thực tế ở địa phương, xác định và triển khai thực hiện những tiêu chí có tính đột phá, tạo điều kiện thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng những hạng mục, danh mục công trình có tính tác động phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại ở nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân là mục tiêu của xã NTM. 

Trong quá trình xây dựng NTM, An Giang có kiến nghị gì không thưa ông?

An Giang có nhiều hệ thống sông ngòi nên có một số tiêu chí cần đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với An Giang. Như chỉ tiêu 2.1: Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải. Đề nghị điều chỉnh nội dung là: Tỷ lệ km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Còn chỉ Chỉ tiêu 2.2: Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Đề nghị điều chỉnh nội dung là: Tỷ lệ km đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã về đến ấp, đường liên ấp đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Đề nghị bỏ chỉ tiêu 2.3 (tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa), vì người dân Nam bộ thường sống dọc trục lộ, ven sông, kênh, rạch.

Về tiêu chí Thủy lợi: Chỉ tiêu 3.2: Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa. Đề nghị điều chỉnh nội dung là: Tỷ lệ km kênh mương đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, gắn với hệ thống đê kiểm soát lũ (do phần lớn kênh thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long là kênh chìm, hệ thống chằng chịt, không thể kiên cố hóa bằng bê tông hoặc đá xây; mặc khác phải chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo vệ sản xuất). Đồng thời bổ sung thêm 1 chỉ tiêu mới, tỷ lệ diện tích SXNN có hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh. 

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm