| Hotline: 0983.970.780

Thông đỏ trị ung thư

Thứ Sáu 10/06/2011 , 10:51 (GMT+7)

Thông đỏ được mệnh danh là “thảo dược vàng” vì cây thông đỏ là dược liệu gốc gác của thuốc chống ung thư nổi tiếng taxol.

Cây thông đỏ có tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc. thuộc họ Thanh tùng - Taxaceae, là loài cây bụi hay cây thân gỗ nhỏ nhiều cành, chiều cao trung bình 15m.

Vỏ cây màu nâu, mỏng. Lá cây có màu xanh đậm, hình thuôn dài khoảng 4cm, dẹt, giống như lá thông nên người ta gọi nó là cây họ nhà thông. Lá là một bộ phận chứa nhiều chất độc nhất của cây, vì nó có nhiều nhựa.

Điều đặc biệt của loại cây này là có hoa nở rất đẹp. Hoa nở chúm chím như một chiếc chén nhỏ, màu đỏ hồng sặc sỡ. Vì hoa có màu đỏ hồng mà người ta gọi loại cây này là cây thông đỏ. Vẻ đẹp đến mê hồn của loài cây mang hoa màu đỏ song lại chứa độc tố chết người.

Ở nước ta, cây thông đỏ phân bố tại các hẻm núi các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), ở độ cao từ 1.300 – 1.700m. Cây thông đỏ được coi là loại dược liệu quý, được dùng trị nhiều bệnh, đặc biệt lá và vỏ cây có thể điều chế các hoạt chất để chữa trị ung thư. 

Ngoài ra trong dân gian, lá thông đỏ được dùng để trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc, bệnh tiêu hoá; cành và vỏ dùng trị bệnh giun đũa; nước sắc của thân cây thông non dùng trị bệnh đau đầu. Đặc biệt, trong vỏ và lá cây thông đỏ, chứa chất paclitaxel với hàm lượng khoảng 0,045 – 0,13%, có tác dụng diệt một số loại tế bào ung thư. Thông thường 1kg lá thông đỏ chiết xuất được 20 mg paclitaxel. Giá mỗi mg paclitaxel trên thị trường khoảng 4,87 USD.

Tuy nhiên việc chiết xuất paclitaxel từ lá thông đỏ là không hề dễ dàng. Để có thể tạo ra một liều thuốc trị bệnh ung thư từ vỏ cây, người ta phải cần sử dụng khoảng 6 cây thông đỏ trưởng thành, trong khi số lượng thông đỏ lại không hề dồi dào. Thế nên để khắc phục tình trạng này, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh khối tế bào thực vật để sản xuất paclitaxel quy mô công nghiệp. Đây chính là kỹ thuật nuôi cấy, duy trì, tạo khối lượng lớn tế bào thực vật trong môi trường dinh dưỡng phù hợp.

Tuy nhiên, thông đỏ là loại thảo dược quý. Nó được nhiều nhà khoa học hay người dân kể cả phương tiện truyền thông gọi bằng một cái tên mỹ miều: “Thảo dược vàng”. Quả thực, loài thảo dược này đang có một vai trò rất lớn trong cuộc chiến đấu với ung thư. Nhưng không phải vì thế mà nó che lấp được những mặt trái của nó. Sự thật chết người đứng ngay sau vẻ đẹp mê mẩn của thiên nhiên, với loài cây có hoa đỏ đẹp tuyệt vời này.

Bằng những kiểm nghiệm khoa học, người ta thấy rằng, hầu như mọi thành phần của cây đều có chất độc ngoại trừ vỏ của hạt. Độc tố trong thông đỏ mạnh và có cường độ cao. Nó có sức bền tồn tại đến mức kể cả khi chúng ta phơi hay sấy khô để giảm độc thì nó vẫn có khả năng gây chết người.

Độc tố của thông đỏ được định danh là hơn 350 loại taxane khác nhau. Tất cả chúng đều có bản chất là các alkaloid. Taxane xuất hiện ở mọi bộ phận của cây, nhưng nhiều nhất là trong lá và vỏ cây. Taxane là một chất độc chết người. Cơ chế của chúng là gây độc cho hệ tim mạch và thần kinh. Trên hệ tim mạch, chúng ức chế sự hoạt động của hai bơm là bơm Na và bơm Ca nên làm giảm hoạt tính và hoạt động của hệ tự động, trung tâm phát nhịp và dẫn truyền cho trái tim.

Điều này dẫn đến hệ quả là huyết áp thấp, nhịp tim chậm, giảm sức co bóp cơ tim giống y hệt như nhiễm độc digitalis. Sự giảm huyết áp xuống mức thấp và sự giảm nhịp tim đến quá chậm làm thiếu máu ở tim, não và nhiều cơ quan trọng yếu. Trên hệ thần kinh, chúng gây ra hiện tượng run, co giật, bất tỉnh. Nạn nhân ngừng thở và tử vong.

Sau những vụ chết người đình đám, người ta tiến hành thử nghiệm với động vật thực nghiệm để ước lượng được liều gây chết. Kết quả thu được là chỉ cần một liều 200–400 mg/kg cho một con ngựa đã có thể gây chết con ngựa ngay tại chỗ. Tử vong xảy ra rất nhanh, trước cả khi xuất hiện các triệu chứng bên ngoài. Liều gây chết người là 50 – 100g lá cây thông đỏ. Khi ăn phải 5 lá hay 10 hạt thì một đứa trẻ 2 tuổi bắt đầu có biểu hiện. Ăn đến 150 lá thì có thể gây tử vong. Độc tính của thông đỏ mạnh đến mức (như đã nói ở trên) khi đã phơi khô nó nhằm loại trừ độc tính song trong nó vẫn tiềm ẩn một sức mạnh sát thủ cực kỳ mạnh mẽ.

Tuy vậy, nhưng thông đỏ được mệnh danh là “thảo dược vàng” vì cây thông đỏ là dược liệu gốc gác của thuốc chống ung thư nổi tiếng taxol. Taxol không phải là một tên thương mại độc quyền của một công ty nào mà đó chính là tên gọi hoạt chất được chiết xuất từ thông đỏ do Wall, một nhà nghiên cứu đặt tên. Vì ông thấy nó có những nhóm chức của rượu (-ol) lại tìm thấy trong họ nhà taxus nên ông gọi nó là taxol. Taxol đem lại thành công đầu tiên trong y học vào năm 1992, khi nó chính thức được đưa ra thị trường phân phối.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi thực sự vào năm 1979 khi Susan Howitz, một phó giáo sư ở Trường Y Albert Einstein đã khám phá thấy taxol có nhiều đặc tính quý. Ngoài tác dụng gây độc tế bào bằng cách liên kết với các vi ống tubulin trong tế bào làm cho tế bào mất khả năng phân chia thì nó còn có một đặc tính mới. Đó là ức chế sự phân bào và gây chết theo chu trình do nó gắn chặt với các vi ống (hay còn gọi là thoi phân bào). Đây là một dấu hiệu vô cùng khả quan coi như mở ra một cánh cửa trong ngành dược trị liệu ung thư.

Sau những sự kiện khoa học ấy, taxol đã bước vào làng thuốc chống ung thư như một công cụ đắc lực với các bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư Kaposi. Không những thế, taxol còn có khả năng chống bám dính và chống tái hẹp nên nó còn được che phủ bên ngoài của stent động mạch để chống tái hẹp động mạch vành...

Với những đặc tính quý như vậy, cây thông đỏ đang được ca ngợi hết mức và dù là đáng quý thật, nhưng trong nó cũng ẩn chứa hàng loạt những “tờ đơn khai tử”. Một lời khuyên hữu ích với chúng ta là đừng nên tự sử dụng chúng mà không có ý kiến của các chuyên gia để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.