| Hotline: 0983.970.780

“Thông qua Báo NNVN, tôi kiến nghị Quốc hội sửa Luật Thanh tra!”

Thứ Sáu 02/07/2010 , 09:56 (GMT+7)

Các tiêu cực về SX, mua bán thuốc BVTV tại phía Nam đang gia tăng báo động. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chánh Thanh tra Cục BVTV đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

Các tiêu cực về SX, mua bán thuốc BVTV tại phía Nam đang gia tăng báo động, tỷ lệ vi phạm tại các hộ kinh doanh năm 2009 là 8,8% nhưng chỉ 6 tháng đầu năm nay đã lên tới 9,4%. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chánh Thanh tra Cục BVTV đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện có nhiều hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai qui trình không?

Năm 2009, 22 Chi cục BVTV các tỉnh, thành phía Nam kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV của 2,2 vạn nông dân, phát hiện 114 trường hợp vi phạm, trong đó 77 trường hợp sử dụng thuốc không đúng nồng độ, liều lượng, 21 sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly...Còn 6 tháng đầu năm nay, kiểm tra 1,4 vạn nông dân, phát hiện 70 trường hợp vi phạm trong đó 1 sử dụng thuốc cấm, 5 sử dụng thuốc ngoài danh mục. Nhìn chung, số nông dân vi phạm không lỗi lớn thì lỗi nhỏ, chiếm khoảng 15-20%.

Đây là con số khá cao?

Chúng tôi đang cố gắng hạn chế bằng việc nâng cao nhận thức cho bà con trong việc sử dụng thuốc an toàn hiệu quả, cùng với việc các Chi cục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV. Một số liệu đáng mừng là năm 2005 chúng tôi chỉ tổ chức được 800 lớp với 3 vạn lượt nông dân tham dự thì năm 2009 tăng lên 1.800 lớp với gần 8 vạn lượt.

Nông dân thì có thể “sửa” được thông qua lớp tập huấn. Nhưng người buôn bán thuốc vi phạm thì khó mà “sửa” do họ đặt lợi nhuận trên hết. Chẳng lẽ Thanh tra Cục BVTV "đầu hàng" họ?

Theo thống kê, từ năm 2005 trở lại đây số cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh vẫn còn khoảng 20%, chủ yếu ở vùng nông thôn sâu, vùng xa, là những hộ mua bán nhỏ lẻ mang tính thời vụ. Những hộ này có vốn nhưng kiến thức về thuốc BVTV rất hạn chế, không nắm được đâu là thuốc hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, khi đi ra trung tâm huyện  thường mua thuốc về vừa để gia đình dùng vừa nhượng lại cho những hộ gần nhà, bị kiểm tra mới lộ ra không có chứng chỉ hành nghề, không có kho chứa thuốc riêng biệt xa nhà ở.

Ngoài ra, trên thị trường vẫn còn khá nhiều nhãn thuốc BVTV lưu hành chưa đúng quy định, lỗi phổ biến là in không đúng cỡ chữ, không đủ 10 nội dung cần thiết. Đặc biệt có những loại thuốc sang chai đóng gói khối lượng nhỏ cho vừa với 1 bình phun nên kích thước nhãn quá bé, nông dân rất khó đọc. Một số DN còn ghi thừa đối tượng phòng trừ, ghi sai liều lượng sử dụng, nồng độ pha chế.

Việc còn không ít nông dân sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục Thanh tra BVTV xử lý thế nào?

Xử lý cực kỳ khó do lực lượng thanh tra quá mỏng, 22 tỉnh phía Nam mà chỉ có 191 thanh tra chuyên ngành BVTV. Thế nên, một số địa phương khi đi kiểm tra đột xuất ngoài đồng thường phải kết hợp với đại diện chính quyền xã, phường. Khi phát hiện nông dân vi phạm do trình độ, nhận thức thấp chỉ biết nhắc nhở, cảnh cáo; đối với những vi phạm lớn như dùng thuốc cấm, thuốc có nhãn tiếng nước ngoài thì lập biên bản chuyển cho UBND xã, phường xử phạt hành chính. Nhưng trường hợp này là hãn hữu.

 Chúng ta đã có Luật Thanh tra từ năm 2004, nhưng vì sao hoạt động thanh tra các Chi cục cứ “rối tung”cả lên?

Do Luật chưa rõ dẫn đến hệ thống  thanh tra chuyên ngành ở các địa phương không nhất quán, hoạt động và phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý gặp nhiều hạn chế, chẳng hạn có Chi cục thành lập Phòng Thanh tra ( An Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng); có Chi cục là tổ Thanh tra ( Bến Tre, Cần Thơ, Ninh Thuận); có nơi chỉ bộ phận thanh tra ( Bạc Liêu, Bình Phước, Tây Ninh), thậm chí cũng có tỉnh không còn Thanh tra chuyên ngành nữa như Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang.

Về hoạt động có tỉnh giao cả chức năng thanh tra xử lý vi phạm về giống cây trồng, phân bón cho Chi cục BVTV (Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau). Về xử lý vi phạm có nơi giao cho Thanh tra Chi cục thực hiện (An Giang, Lâm Đồng...), có nơi phải chuyển hồ sơ về Thanh tra Sở NN-PTNT (Kiên Giang, Bình Dương), do đó hoạt động thanh tra chuyên ngành BVTV trong vùng còn nhiều bất cập, sơ hở. Cùng một vi phạm nhưng mỗi địa phương xử lý một kiểu. Có lẽ vì thế các tiêu cực về kinh doanh, mua bán thuốc BVTV có chiều hướng tăng.

Cứ như ông nói thì phải sửa Luật Thanh tra?

Đúng thế. Thông qua báo NNVN, chúng tôi kiến nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra trên cơ sở xác lập hệ thống Thanh tra chuyên ngành BVTV tại địa phương, giao trả thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Thanh tra chuyên ngành để việc xử lý nhanh, gọn mà hiệu quả hơn.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm