| Hotline: 0983.970.780

THPT Lưu Nhân Chú: Trường nghèo vượt khó

Thứ Sáu 12/12/2014 , 09:15 (GMT+7)

Cái hay ở Trường THPT Lưu Nhân Chú là Ban giám hiệu biết phát huy sức mạnh tập thể.

1.Tự hào

Lưu Nhân Chú là người xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Theo Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn/Nguyễn Khắc Thuần; Họ Lưu đã ba đời nối nhau làm quan ở Thái Nguyên, từng được nhà Trần phong tới tước Hầu. Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung đã hăng hái đến hưởng ứng.

Năm 1416, Lưu Nhân Chú là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, là thành viên đầu tiên của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Ông đã chỉ huy nhiều trận chiến, nhưng xuất sắc nhất là trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang (1427) đập tan đạo viện binh hùng hậu do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn).

Trong trận này, Lưu Nhân Chú được lệnh cùng với một số tướng lĩnh khác đem 1 vạn tinh binh và năm thớt voi chiến lên ải Chi Lăng. Tại đây, nhờ khéo kết hợp với lực lượng của Trần Lựu, Lưu Nhân Chú và các tướng đã dồn Liễu Thăng vào ổ mai phục ở núi Mã Yên và giết chết viên chủ tướng hung hăng này cùng với khoảng 1 vạn quân lính của hắn.

Sự kiện này diễn ra vào ngày 10/10/1427. Tuy bị tổn thất nặng nề, nhưng ỷ có quân số còn rất đông, các tướng cao cấp và dày dạn kinh nghiệm trận mạc của nhà Minh quyết hành quân và tiếp tục thực hiện kế hoạch đi cứu nguy cho Vương Thông.

Viên Phó Tổng binh Bảo Định Bá Lương Minh, thay thế cho Liễu Thăng, chỉ huy lực lượng quân Minh còn lại. Ngày 15/10/1427, ngót 9 vạn quân Minh đã lọt vào ổ mai phục thứ hai của Lam Sơn tại Cần Trạm (Lạng Sơn). Bấy giờ, Lưu Nhân Chú là một trong các tướng chỉ huy trận đánh thứ hai này. Các tướng Nguyễn Lý và Lê Văn An cũng được lệnh đem 3 vạn quân lên tiếp ứng.

Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, Lam Sơn đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh. Tướng cao cấp nhất của giặc là Lương Minh vừa mới lên nắm quyền đã bị chém đầu…

Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang là thắng lợi chung của Bộ chỉ huy và toàn thể nghĩa sĩ Lam Sơn, nhưng trong đó, có đóng góp quan trọng của Lưu Nhân Chú. 

Ông là một trong số không nhiều các tướng của Lam Sơn đã vinh dự tham gia chỉ huy hầu như tất cả các cuộc tập kích suốt từ Chi Lăng đến Xương Giang và trận nào ông cũng đều lập công xuất sắc…

Sau trận đại thắng ở Chi Lăng - Xương Giang, tư thế của Lam Sơn là tư thế hiên ngang ở trên đầu thù. Với tư thế đó, Lam Sơn hoàn toàn có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan nhanh chóng.

Nhưng Lam Sơn đã không làm như vậy. Trước sau như một, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và đa số các tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy Lam Sơn vẫn kiên trì thực hiện chủ trương “thương lượng” nhằm buộc quân Minh phải rút khỏi nước ta.

Để thuyết phục kẻ thù, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã đồng ý trao đổi con tin với Vương Thông. Giặc cho hai viên tướng khét tiếng của chúng là Sơn Thọ và Mã Kỳ sang đại bản doanh của Lê Lợi để làm con tin.

Ngược lại, Lê Lợi cũng cho tướng Lưu Nhân Chú cùng với con trai của Lê Lợi là Tư Tề (lúc này đang ở hàm Đại Tư đồ) vào Đông Quan để làm con tin. Vào Đông Quan tức là vào tận sào huyệt nguy hiểm nhất, giáp mặt với những viên tướng tàn bạo và xảo quyệt nhất của kẻ thù.

Vào Đông Quan, ngoài dũng khí của một vị tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc, điều mới mẻ mà Lưu Nhân Chú phải có là bản lĩnh và năng lực ứng đối với kẻ thù. Lúc này, một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới những tác hại khó lường. Và một lần nữa, Lưu Nhân chú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vì những công lao nói trên, năm 1428, Lưu Nhân Chú được phong là Suy Trung Tán Tri, Hiệp mưu Dương Vũ Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự. Tháng 5 năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị Khai quốc Công thần, tên của Lưu Nhân Chú đứng ở hàng thứ năm. Và đến năm 1431, ông được phong là Nhập nội Tư khấu.

2.Vượt khó

Sáu trăm năm sau, dưới chân Núi Duyên (xã Ký Phú) - nơi mà ngày xưa, Danh tướng Lưu Nhân Chú rèn luyện binh mã, vào mùa hạ 2006 đã ra đời Trường THPT Lưu Nhân Chú nhằm thu hút con em nông dân của 8 xã nghèo phía Nam huyện Đại Từ.


Giờ học công nghệ thông tin.

So với các trường THPT khác trong tỉnh, Trường THPT Lưu Nhân Chú là 1 trong 3 trường có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào lớp 10 thấp nhất tỉnh. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh (HS) cuối cấp là bài toán khó được Ban giám hiệu nhà trường luôn trăn trở tìm tòi.

ới sự đồng lòng từ cán bộ quản lý đến đội ngũ giáo viên, nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ đó, chất lượng giáo dục được nâng dần, 3 năm học gần đây tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đạt từ 99,3 đến 100%, tỷ lệ đỗ đại học nguyện vọng 1 từ trên 20% lên 35%.

Nhìn bảng kết quả khảo sát đầu năm học mới (2014 - 2015) đối với các môn học, chúng tôi ngỡ ngàng vì tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém quá cao.

Cụ thể ở môn Toán, có tới 7/9 lớp tỷ lệ học sinh được khảo sát điểm số từ 60% của lớp yếu kém, lớp cao nhất tỷ lệ này lên tới trên 87%. Các môn học khác tỷ lệ này tuy có thấp hơn song vẫn là rất cao so với các trường trong khu vực.

Liệu kết quả khảo sát trên có phản ánh đúng thực chất chất lượng học tập của các em ở THCS?

Thầy Vương Lâm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Kết quả trên là phản ánh đúng thực chất đầu vào HS khối 10 của Trường. Năm học này, Trường tuyển sinh 9 lớp 363 HS, số em có điểm thi tuyển sinh môn Toán trên 5 điểm chỉ có khoảng 10%, đối với môn Ngữ văn điểm này có 25%. Tóm lại những HS trong vùng tuyển sinh của Trường gồm 8 xã Lục Ba, Vạn Thọ, Ký Phú, Văn Yên, Cát Nê, Mỹ Yên, Quân Chu và Thị trấn Quân Chu chỉ cần không bị điểm liệt (0 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là nghiễm nhiên vào học.

Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục, đó là điều Ban giám hiệu nhà trường chúng tôi luôn trăn trở, lo toan.

Do chất lượng đầu vào thấp nên việc giáo dục ý thức học tập của HS nhà trường thực hiện theo phương châm “cần cù bù thông minh”. Nhiều năm qua, Nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục ý thức, đạo đức cho HS song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Đầu năm học, tất cả HS toàn trường được tìm hiểu về hoạt động của trường, học tập các văn bản về nội quy, quy chế thi đua khen thưởng, kỷ luật HS.

Nhà trường thống nhất với các bậc phụ huynh, quán triệt tư tưởng HS không sử dụng điện thoại trong nhà trường. Trường cũng chú trọng đến công tác chủ nhiệm, hoạt động đoàn.

Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng phát huy vai trò xung kích trong việc phát động các phong trào thi đua học tập; thành lập các câu lạc bộ học thuật; đội cờ đỏ, thanh niên xung kích theo dõi chéo giữa các lớp để ghi nhận đánh giá tuyên dương khen thưởng các lớp thực hiện tốt nội quy, quy chế, cũng như nhắc nhở hàng tuần ở các tiết sinh hoạt dưới cờ với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, nhà trường cũng rất quan tâm đến định hướng học tập cho các em HS. Thông qua việc mời các chuyên gia của Công ty Cổ phần Tâm Việt, các chương trình của TW Đoàn đã giúp các em HS có suy nghĩ, định hướng đúng đắn trong học tập, tự nghiên cứu và vận dụng kiến thức bộ môn rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập xã hội.

Cái hay ở Trường THPT Lưu Nhân Chú là Ban giám hiệu biết phát huy sức mạnh tập thể.

Từ đầu năm học, Nhà trường giao cho các tổ bộ môn chủ động xây dựng nội dung, chương trình, soạn giảng, đến phương pháp giảng dạy của giáo viên bộ môn. Ban giám hiệu phân công các phó hiệu trưởng theo dõi bám sát kế hoạch giảng dạy, kiểm tra chương trình, đổi mới đánh giá, kiểm tra, thi cử, tăng cường dự giờ thăm lớp trao đổi kinh nghiệm, thực hiện chuyên đề bộ môn, ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học, thí nghiệm của các tổ chuyên môn theo kế hoạch, đặc biệt chú ý các giải pháp tập trung cho khối 10 và khối 12.

Để khắc phục tình trạng HS ngồi nhầm lớp, giảm tỷ lệ HS yếu kém, tăng tỷ lệ khá, giỏi, ngay từ đầu năm học Nhà trường tiến hành phân loại HS.

Thông qua kết quả khảo sát đầu năm, nhà trường chọn mỗi khối 3 lớp nâng cao đối với những HS tương đối khá để đào tạo mũi nhọn, các lớp còn lại phân chia đồng đều số HS có học lực trung bình, yếu.

Nhà trường hướng dẫn, khuyến khích các em tự học, học trực tuyến qua mạng Internet.

Đối với khối 10 và khối 12 bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém ngay từ đầu năm. Trường tăng cường phối hợp giữa Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc quản lý nề nếp học tập và động viên nhắc nhở HS kịp thời trong suốt thời gian học tập, kể cả giờ phụ đạo tăng tiết luyện thi, ôn tập của khối cuối cấp.

Trường cũng khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, công tác chủ nhiệm lớp, phát huy vai trò của các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các tổ chuyên môn.

Thực hiện đổi mới công tác quản lý cũng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường thực hiện tốt việc phân cấp trong quản lý: Lãnh đạo nhà trường quản lý cán bộ, giáo viên qua tổ trưởng chuyên môn, qua kiểm tra hồ sơ hàng tháng, qua phản ánh của HS và các bậc phụ huynh. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn thông qua dự giờ, thăm lớp, kiểm tra toàn diện giáo viên. Năm học 2012-2013, Trường kiểm tra toàn diện 23 giáo viên, kiểm tra chuyên môn 44 giáo viên, dự giờ 1.852 tiết…

Với cách làm trên, cán bộ quản lý nhà trường đã kịp thời nắm bắt chất lượng chuyên môn, cũng như những tâm tư nguyện vọng, thuận lợi khó khăn của giáo viên, HS nhằm động viên chia sẻ, thống nhất giải pháp chung đưa vào thực hiện.

Từ những cố gắng trên, chất lượng giáo dục ở trường THPT Lưu Nhân Chú đã được nâng dần.

Nếu như năm học 2012-2013, tỷ lệ HS có học lực khá, giỏi chiếm 46%, trung bình 43,5%, yếu kém là 10,5% thì năm học 2013-2014 tỷ lệ khá giỏi nâng lên 47,3%; trung bình 39%, yếu, kém 13,7%. Trung bình 2 năm gần đây toàn trường có 130 HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt 3 năm học gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt từ 99,3-100%. Chất lượng tăng, HS thi đậu đại học cũng tăng lên, năm 2014 có 35% HS thi đỗ ĐH nguyện vọng 1.

Với một ngôi trường còn non trẻ (năm nay bước sang năm học thứ 9), thì kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của tập thể sư phạm. Đây là cơ sở để trường tiếp tục nỗ lực khẳng định thương hiệu và sớm phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2015-2016 theo lộ trình đã đề ra.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.