| Hotline: 0983.970.780

Thu Hà Nội trong mắt người lữ hành phương Nam

Thứ Ba 24/10/2017 , 08:53 (GMT+7)

Thuở nhỏ đọc “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, tôi đã mê Hà Nội, thế rồi mãi đến ngoài 50 tuổi tôi mới được diện kiến Hà Nội như một kẻ lãng du phương Nam.

img-2341-114193163
Phố sách Đinh Lễ (Ảnh: Kế Toại)

Những lần đi tập thể, tôi không có cơ hội được cảm nhận hết những vẻ đẹp mà người nghệ sĩ nhìn thấy cảnh vật ở Thủ đô, phải những lần sau đi đơn lẻ để ngắm nhìn, tìm hiểu thì họa chăng biết được một phần nhỏ về Thủ đô ngàn năm văn vật.
 

Từ cà phê Hà Nội…

Biết tôi thích la cà các quán, mấy người bạn họa sĩ ở Hà Nội đưa tôi đi uống cà phê ở các quán gần khu Tuệ Tĩnh. Quán cà phê Hà Nội không có mặt bằng rộng, cà phê cũng không đặc sắc vì sở thích người Bắc thì trà, người Nam thì uống cà phê. Đó là những nhận xét lâu đời của những người lớn tuổi, còn bây giờ ở Hà Nội quán cà phê nhan nhản khắp chốn không thua gì ở các tỉnh thành phía Nam, có cái là giá không rẻ. Điều này có thể lý giải được vì mặt bằng ở Hà Nội giá cao và nếu đến trễ thì khách thiếu chỗ ngồi. Một buổi sáng, các bạn dẫn tôi đi hai quán theo phương thức “xa luân chiến” để còn về cơ quan làm việc. Tôi là kẻ đi du hí nên thời gian rất ư là nhàn rỗi, ai đưa đi đâu, tôi đi đó nhưng rồi không có cái gì hấp dẫn một người hiếu kỳ như tôi.

Trước khi đến Hà Nội, tôi cũng biết sơ sơ về cà phê Lâm với chủ nhân là nhà sưu tập tranh bất đắc dĩ. Ông chủ sưu tập tranh của các danh họa một thời ở Hà Nội như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng…

Tôi biết kiến thức về tranh là sở trường của họa sĩ nên người bạn mà tôi chọn làm “hướng dẫn viên” có đủ tiêu chuẩn như vậy. Bạn chở tôi đến đường Nguyễn Hữu Huân vào quán cà phê Lâm, nơi có đông đảo khách sành điệu đến thưởng thức. Từ ngoài vào trong, quán không có gì biểu hiện sự sang trọng, tường vách cũ kỹ, bàn ghế thấp lè tè dường như chủ nhân cố tình giữ những nét cổ xưa chứ tài sản của quán giá trị hơn nhiều so với những quán được xây dựng, trang trí theo lối mới. Bạn kêu cho tôi ly cà phê đen nóng, anh uống nâu nóng và nhâm nhi vừa thả khói vừa ngắm tranh.

Tôi nhìn quanh tường, các bức danh họa khá nhiều nhưng người xem chẳng được bao nhiêu vì những bức đó quen thuộc với khách đến đây hàng ngày. Họ là những người trẻ đến đây tìm không gian để trò chuyện, cũng có một số ít người đi tìm hương vị của cà phê rang khét cổ truyền.

Một người bạn khác sinh sống ở khu “36 phố phường” từng lê la nhiều vùng miền cho biết, so với các quán phía Nam thì quy mô các quán ở Hà Nội không lớn bằng, nhưng tìm nét riêng biệt thì Thủ đô có nhiều quán lạ. Cụ thể như quán cà phê Cộng. Anh bạn này đưa tôi ra số 152 Triệu Việt Vương, một quán cà phê nhỏ ở đó, bàn ghế thì… lôi thôi, kiểu của những nhà bình dân trước năm 1955, tranh trên tường thì toàn là tranh cổ động, một vài kỷ vật thời chiến tranh được đem trưng bày trong quán như chiếc radio dùng điện, cái nón cối. Những kiểu trang trí ở quán cà phê như vậy ở Sài Gòn thiếu gì, nhưng không biết ai bắt chước ai vì không có theo dõi kỹ. Tuy nhiên, với lối trang trí này hay nên nó được nhân rộng, riêng quán cà phê Cộng này thì cũng đã có một chuỗi quán, ở Hà Nội có hơn hai mươi quán, ở Sài Gòn có một cái ở phố Tây (đường Bùi Viện).
 

Đến dạo quanh phố sách

Ngồi ở quán cà phê Hà Nội những ngày thu, tôi lại mơ về phố sách, chẳng qua là tôi thích đi tìm một số bản đồ ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, những địa phương mà tôi sắp đi qua. Còn sách thì lưu hành toàn quốc đâu có sách nào Hà Nội có mà TP.HCM không. Anh bạn họa sĩ lấy xe đưa tôi đến phố sách Đinh Lễ - Tràng Tiền, cả đoạn đường sách khách hàng tấp nập, ai nói thị trường sách đang đến hồi giãy chết(?).

Sách của Công ty Nhã Nam, Thái Hà in rất đẹp, hẳn là dân chơi sách ưng ý. Tôi hỏi bạn vì sao sách ở đây được ưa chuộng thì được biết giá bán thấp hơn giá bìa từ 20% đến 40%, do vậy mà có lời ra tiếng vào là sách ở đây phần nhiều là “sách luộc” in không có bản quyền. Thật ra, giá sách bớt 30% ở miền Nam đã có từ năm 1968, mua ở nhà sách Sống Mới bớt 30%, mua ở Lá Bối bớt 40%, vì vậy mà chúng tôi - những người mê sách phải đạp xe đến chung cư Minh Mạng để mua sách rẻ...
 

Những nơi thích đến

Đi đến tỉnh thành nào tôi cũng muốn đi chợ, ở đó thể hiện đậm nét nền kinh tế và văn hóa của địa phương. Hà Nội có chợ Đồng Xuân, một chợ có tuổi đời trăm năm và được trùng tu lại cách nay hơn hai mươi năm nhưng mặt tiền vẫn lấy lại kiểu kiến trúc cũ. Chợ buôn bán lớn như chợ Bình Tây (Chợ Lớn), chợ Bến Thành ở thành phố Hồ Chí Minh, tiểu thương có trao đổi hàng hóa với các chợ lớn phía Nam do có nguồn hàng Trung Quốc lớn.

Cái ưu điểm của bà con bán hàng là cho đổi, cho trả nếu thấy chất lượng kém. Khách hàng ở phía Nam mua hàng chỉ cần a-lô, diễn tả mặt hàng mới là sẽ được gửi hàng đúng số lượng và kiểu dáng. Có một cái hay nữa là tiểu thương không ngại bán ở tầng cao, không như ở các chợ trong Nam, tiểu thương chỉ thích bán hàng ở tầng trệt.

Hà Nội có nhiều chợ, nhưng tôi cứ nhớ chợ 19/12 ở quận Hoàn Kiếm, vì đó là ngày sinh của tôi. Chợ còn gọi là chợ “âm phủ” do nơi đây chôn cất đồng bào bị chết hồi năm 1946. Chợ không lớn, phía trước có nhiều sạp bán hoa, phía trên còn chữ số 19/12, tôi đứng đây chụp một bức hình làm kỷ niệm. Giờ đây, khu chợ này đã biến thành phố sách.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất