| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi nhà đất thậm vô lý

Thứ Hai 04/06/2012 , 10:58 (GMT+7)

Chẳng hiểu vì sao ngôi nhà 64 đường 1/4, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn bỗng nhiên bị Sở Xây dựng Bình Định cho là vắng chủ. Sau đó, UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế, thu hồi.

Ngôi nhà 64 đường 1/4, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn (Bình Định) liên tục qua nhiều đời chủ sở hữu hợp pháp quản lý sử dụng, được chính quyền địa phương và nhiều cơ quan chức năng xác nhận. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao ngôi nhà này bị Sở Xây dựng Bình Định cho là vắng chủ. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định cưỡng chế, thu hồi.

Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Kinh (SN 1967), thường trú tại thôn Vân Hội, thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước, Bình Định) thì ngôi nhà 64 đường 1/4 (số cũ là 64 đường Hoàng Diệu), phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn là do vợ chồng ông Phạm Hữu Tiến và bà Trần Thị Trác tạo lập, rồi bán cho vợ chồng ông Huỳnh Duân và bà Nguyễn Thị Hải vào năm 1965. Giấy tờ mua bán căn nhà nói trên được chính quyền cũ chứng thực vào ngày 19/4/1965. Sau khi ông Duân qua đời, vợ ông Duân là bà Nguyễn Thị Hải cùng con gái là Huỳnh Thị Khương An và cháu ngoại là Phạm Thị Thu Oanh sống trong ngôi nhà này.

Vào ngày 30/6/1976, trước khi qua đời, bà Nguyễn Thị Hải đã lập giấy “trối cho đất và nhà” có sự đồng ý của con gái là Huỳnh Thị Khương An cho cháu ngoại là Phạm Thị Thu Oanh được sở hữu nhà đất nói trên. Ngày 25/10/1976, Phạm Thị Thu Oanh bán ngôi nhà nói trên cho vợ chồng ông Nguyễn Hoành Từ và bà Hà Thị Thanh Phụng (ba mẹ của Nguyễn Văn Kinh) trước sự chứng kiến của mẹ là Huỳnh Thị Khương An.


Ông Kinh chứng minh ngôi nhà không hề vắng chủ

Sau khi mua lại ngôi nhà nói trên, ông Trần Tu, bạn cùng đi tập kết với cậu ruột ông Kinh, khi ấy là Bí thư Đảng ủy Trường Bổ túc văn hóa cán bộ thị xã Quy Nhơn ngỏ ý mượn tạm để cho học viên ở. Năm 1980, ngôi nhà được ông Trần Tu trả lại cho chủ nhân của nó, khi trả ông Tu có làm giấy xác nhận với gia đình ông Kinh hẳn hoi. Gia đình ông Kinh tiếp nhận, sửa sang chờ ngày tốt để dọn về ở thì bỗng dưng ông Hà, cán bộ nhà đất phường Lê Lợi, lợi dụng lúc nhà vắng người mang ổ khóa đến khóa chồng lên ổ khóa của gia đình ông Kinh. Mặc dù sau đó gia đình ông Kinh kêu cứu lên nhiều cấp nhưng vô hiệu.

Ngày 26/11/1993, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra Quyết định số 4029/QĐ-UB về việc “Trực tiếp quản lý toàn bộ nhà đất và trang thiết bị gắn liền trong ngôi nhà 64 đường 1/4 TP Quy Nhơn của bà Nguyễn Thị Hải đã vắng chủ từ sau ngày giải phóng miền Nam”. Đến ngày 19/9/1994, gia đình ông Kinh ngậm đắng nuốt cay rời khỏi căn nhà sau Quyết định cưỡng chế 863/QĐ-UB của UBND TP Quy Nhơn.

Trong khi đó, từ năm 1991, Ban Pháp chế HĐND TP Quy Nhơn đã có văn bản gửi đến các cấp ngành chức năng khẳng định về nguồn gốc “không hề vắng chủ” của căn nhà nói trên và đề nghị “ông bà Từ đã có đủ giấy tờ nên Ban tư pháp TP Quy Nhơn đề nghị UBND phường Lê Lợi trả lại và làm sở hữu chủ ngôi nhà này cho ông Từ...”. Tiếp đến, ngày 21/9/1991, Thường trực HĐND - UBND - Hội đồng xử lý nhà đất TP Quy Nhơn ra Văn bản số 114/CV-HĐXLNĐ gửi UBND phường Lê Lợi tiếp tục khẳng định việc mua bán nhà nói trên giữa bà Phạm Thị Thu Oanh và ông bà Nguyễn Hoành Từ là có thật, hợp pháp.

Đến ngày 05/5/1993, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có văn bản 212/KSXXDS gửi Sở Xây dựng Bình Định với nội dung “Thực tế căn nhà đã mua bán giữa chị Phạm Thị Thu Oanh và vợ chồng ông Nguyễn Hoành Từ vào ngày 25/10/1976, bên mua hiện đang ở ngôi nhà nói trên, bên bán đã nhận tiền và không khiếu nại gì từ đó đến nay. Việc ông Từ và vợ là bà Phụng xin được hoàn tất thủ tục và chứng nhận sở hữu nhà là chính đáng, phù hợp với quy định tại mục VI, Thông tư 383/BXD-ĐT ngày 05/10/1991 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành QĐ 297 ngày 02/10/1991 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giải quyết một số vấn đề về nhà ở”.


Ngôi nhà đang kinh doanh dịch vụ internet Thanh Nhàn là ngôi nhà gia đình ông Kinh bị thu hồi oan

Hai năm rõ mười là vậy, thế nhưng không hiểu căn cứ vào đâu, ngày 10/6/1996, Sở Xây dựng Bình Định ra Công văn số 294/CV-SXD trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Hoành Từ vẫn khẳng định: “Thực tế sau ngày giải phóng, ngôi nhà 64 đường 1/4 vắng chủ, Trường Bổ túc văn hóa thị xã Quy Nhơn đã sử dụng từ tháng 4/1976. Đến năm 1979 UBND phường Lê Lợi sử dụng vào mục đích công ích”.

Cầm tờ biên lai nộp thuế cho ngôi nhà số 64 đường Hoàng Diệu - Quy Nhơn (số cũ) của bà Nguyễn Thị Hải (chủ cũ trước khi bán nhà cho gia đình ông Kinh) nộp cho Phòng Tài chính TX Quy Nhơn vào ngày 14/8/1976 với số tiền là 8 đồng, ông Nguyễn Văn Kinh nói nghẹn ngào: “Giấy trắng mực đen rành rành thế này mà bảo là nhà vắng chủ rồi cưỡng chế, tịch thu nhà của gia đình tôi mua bằng tiền mồ hôi nước mắt để cấp cho người khác. Từ đó đến nay gia đình tôi không ngừng gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp, thế nhưng mãi đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, ngày 06/4/2010, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra Quyết định số 1030/UBND-TD trả lời rằng “không xem xét, thụ lý đơn khiếu nại của gia đình tôi nữa vì nội dung khiếu nại đã cũ”. Không biết đến bao giờ, cấp nào giải được nỗi oan này cho gia đình chúng tôi?”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.