| Hotline: 0983.970.780

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Vướng "nút thắt" thủ tục

Thứ Sáu 01/04/2011 , 08:15 (GMT+7)

Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức ngày 31/3 tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù có khá nhiều chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp, nhưng DN muốn được hưởng những ưu đãi này không dễ, thậm chí, DN từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư thành người phải đi chạy vạy, xin xỏ mới được đầu tư...

Các DN đầu tư vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn

Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức hôm qua (31/3) tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù có khá nhiều chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp, nhưng DN muốn được hưởng những ưu đãi này không dễ, thậm chí, DN từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư thành người phải đi chạy vạy, xin xỏ mới được đầu tư....

Nông dân đi lập dự án thì quá bằng đánh đố

Ông Nông Văn Lạc, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Mía đường Cao Bằng than thở rằng, chủ trương hỗ trợ nông dân để cơ giới hóa nông nghiệp là rất tốt, song để triển khai thực hiện thì quá nhiều bất cập. Ví như ở Cao Bằng, trong vùng nguyên liệu của mía của DN này, nông dân muốn hỗ trợ tiền mua máy cày, máy chuyên chở mía, hoặc máy hút nước, thì phải lập dự án khả thi, chờ các cấp địa phương xem xét rồi mới hỗ trợ. “Không biết nông dân ở các địa phương dưới xuôi thế nào, chứ ở Cao Bằng, bảo nông dân đi lập dự án thì quá bằng đánh đố người ta. Họ sợ nhất là thủ tục hành chính, cứ thấy có giấy tờ, ký tá là vã hết cả mồ hôi”, ông Lạc thẳng thắn.

Cũng theo ông Lạc, đây chính là nguyên nhân khiến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất rất khó khăn. Điều này dẫn tới các DN muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dẫu có mặn mà, cũng không dám, hoặc nếu dám thì cũng có thể phải bỏ cuộc. Ông Lạc cho biết, là địa phương giáp với nước láng giềng, nhưng xem ra cơ chế hỗ trợ máy nông nghiệp của nước bạn tốt và “thoáng” hơn nhiều so với chúng ta. Với một chiếc máy làm đất, họ được hỗ trợ đến 60-70% tổng giá trị. Hơn nữa, thủ tục giải ngân tiền hỗ trợ lại cực kỳ đơn giản và nhanh chóng.

Đồng quan điểm với ông Lạc, TGĐ TCty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) Phạm Quang Hiển cho rằng, chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn bất nhất, với trường hợp của Vinafor thì càng rõ nét. Điển hình là Nhà nước đã có cơ chế quy hoạch sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người trồng rừng, nhưng việc thực thi cấp giấy này quá chậm khiến DN khó đầu tư vốn cho nông dân trồng và chăm sóc rừng. Hay như việc XK đồ gỗ cũng vậy. Hiện mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đang đứng thứ 5 về tổng kim ngạch XK các mặt hàng nông sản, nhưng nghịch lý là hầu hết các sản phẩm của ta không có thương hiệu, vì không có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (FSC).

1m3 gỗ keo của Việt Nam bán với giá 30USD, trong khi đó, với việc có FSC, 1m3 gỗ keo của Brazil có giá khoảng 80USD, cao gấp gần 3 lần. “Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có bất cứ văn bản nào quy định vấn đề chứng nhận xuất xứ, chỉ có một vài tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam làm việc này, nhưng chứng chỉ của họ không có “trọng lượng” lắm”, ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Hữu Điệp, Trưởng ban đổi mới DN (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, hiện đang có nhiều chính sách hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được triển khai, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Để cải thiện tình hình này, cần có chính sách mới tạo ra sức hút đủ mạnh.

Ăn thua ở khâu tổ chức thực hiện

Tuy nhiên, cũng theo ông Điệp, có được chính sách hay đã khó, nhưng để nó được thực thi hiệu quả lại càng khó hơn. Thực tế chứng minh, nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được đưa ra, nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, nên kém sức hấp dẫn đối với DN.

“Là DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở vùng cao, chúng tôi rất thiếu vốn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng luôn tìm mọi cách từ chối cho chúng tôi vay, bởi dự án ở xa, đi lại thẩm định khó khăn. Như vậy, mặc dù chính sách của Nhà nước là ưu đãi đặc biệt các DN đầu tư công nghệ cao, nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược”, ông Trần Lệ, GĐ Cty CP Công nghệ nông lâm nghiệp Mường Phăng (Điện Biên).

Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chè Văn Hưng (Yên Bái) cho rằng, thực ra, các chính sách ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện khá nhiều, nhưng sở dĩ kém hấp dẫn đối với các DN là do thủ tục triển khai dự án còn rườm rà. Điều này khiến DN từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư thành người phải đi chạy vạy, xin xỏ mới được đầu tư.... Chia sẻ bức xúc này, ông Nông Văn Lạc nói: “Thủ tục triển khai dự án rườm rà khiến nhiều DN nản lòng. Bởi vậy, chỉ cần các thủ tục, quy trình triển khai dự án đơn giản, công khai, dễ thực hiện sẽ tạo ra sức hút đáng kể kéo DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy có lợi nhuận ít, nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bởi vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi DN, các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai các chính sách, để kịp thời gỡ khó cho DN. Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, để tạo đột phá trong phát triển DN nông nghiệp, ngoài chính sách khuyến khích của Nhà nước, các DN cần năng động hơn nữa trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

 “Khó khăn về vốn, mặt bằng, chính sách thuế… đương nhiên Nhà nước sẽ tháo gỡ từng bước, nhưng DN cần đánh giá lại năng lực sản phẩm của mình, khả năng cạnh tranh trên thị trường và các điều kiện hội nhập, đổi mới mẫu mã và nâng cáo chất lượng sản phẩm. Điều này Nhà nước không thể làm thay được”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất