| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập cao nhờ tăng "vòng quay" đất

Thứ Sáu 29/03/2013 , 10:08 (GMT+7)

Nhằm phá thế độc canh cây lúa, nhiều địa phương đã chuyển sang trồng xen canh rau màu mang lại hiệu quả cao kinh tế cao cho nông dân.

Nhằm phá thế độc canh cây lúa, nhiều địa phương đã chuyển sang trồng xen canh rau màu mang lại hiệu quả cao kinh tế cao cho nông dân.

Mô hình “2 lúa + 1 màu” và “2 màu + 1 lúa”

Ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Trung tâm KN-KN Hậu Giang cho biết, nhiều mô hình như 2 vụ lúa + 1 vụ màu, hoặc 1 vụ lúa + 2 vụ màu được nông dân thực hiện mang lại hiệu quả cao. Các địa phương có phong trào này phát triển mạnh là huyện Châu Thành A, Vị Thủy và TP Vị Thanh. Sau khi thu hoạch lúa ĐX tiến hành làm đất để trồng các loại cây ngắn ngày (dài nhất là 70 ngày) như rau ăn lá, ăn trái hoặc cây các loại cây họ đậu vừa cho thu nhập cao vừa cải tạo đất.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN-PTNT Vị Thủy cho biết, diện tích trồng rau màu của huyện dao động khoảng 3.000 - 3.200 ha. Đất trồng màu có hai dạng, một là nông dân tận dụng sân vườn, bờ đê để trồng, hai là xen canh trên đất lúa. Nông dân thường chọn các loại rau như hành, hẹ, rau cải, rau muống hoặc rau ăn trái như dưa leo, cà chua, đậu đũa để trồng. Đặc biệt, có 15 ha được nông dân trồng màu theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là trồng dưa hấu, dưa lê trong vụ ĐX và HT, còn vụ thu đông chuyển sang trồng lúa để luân canh, giảm sâu bệnh.

Thực tế, luân canh rau màu là giải pháp giúp tăng hệ số sử dụng đất, đa dạng hóa hàng nông sản, SX ngày càng bền vững. Việc luân canh hợp lý trên đất lúa có thể coi là một phương pháp canh tác phù hợp với tình hình hiện nay nên rất cần được phát huy.

Luân canh hợp lý sẽ khắc phục được bất lợi về thời tiết, khí hậu, bảo toàn được diện tích trồng lúa, góp phần làm cho đất màu mỡ thêm. Ước tính trồng rau màu có thể mang lại nguồn thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng lúa chỉ thu được từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.


Trồng xen canh rau màu trên liếp mía có thêm thu nhập

Xen canh màu trên liếp mía

Mô hình này đang được áp dụng khá thành công, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Ông Lê Văn Tấn ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, người có hơn 10 năm thành công với mô hình này chia sẻ: “Ngày trước, bà con nơi đây chủ yếu trồng mía, cả năm mới thu hoạch một lần nhưng lợi nhuận rất bấp bênh do giá cả không ổn định. Do vậy, tôi và nhiều bà con nảy ra ý định trồng xen canh thêm một số loại hoa màu trong liếp mía nhằm tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Từ một vài công mía trồng thử nghiệm ban đầu, nay số lượng tăng lên đáng kể”.

Hiện diện tích màu xen mía của ông Tấn trong giai đoạn thu hoạch, mỗi ngày ông hái từ 500 - 600 kg mướp và đậu que cân cho thương lái, vào thời điểm thu hoạch rộ sản lượng lên đến hơn 1,5 tấn, với giá bán từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, vụ này gia đình ông sẽ thắng lớn.

Bên giàn mướp xanh mướt, ông Tấn vui vẻ cho biết thêm: “Nhờ hoa màu mà mỗi năm tôi có thêm nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng, số tiền này bằng với tiền thu nhập từ cây mía. Riêng năm nay, hoa màu phát triển tốt cộng với giá cao nên tính nhẩm vụ này tôi cầm chắc khoảng 100 triệu đồng”.

Giống với ông Tấn, ông Lê Văn Út Hai ở cùng địa phương cũng đang thành công với mô hình trồng xen canh này. Ông vừa bán xong vụ bắp và đang chuẩn bị xuống giống dưa leo được trồng dọc theo hai bên mé mương của liếp mía.

Ông Hai cho biết: “Tranh thủ lúc mía còn nhỏ, tôi trồng bắp xen vào 7 công mía của gia đình, vừa che mát cho mía vừa có tiền trả nhân công đào hộc mía. Kết thúc vụ bắp vừa qua, sau khi trừ chi phí gia đình còn lời khoảng 16 triệu đồng”.

Theo tính toán của ông Hai, nếu kết hợp trồng xen canh thêm hoa màu thì lợi nhuận trên cùng diện tích có thể nâng lên đáng kể, đồng thời giúp cho nhà nông có thêm nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống gia đình và tiền đầu tư chăm sóc cây mía tốt hơn, thay vì chỉ trông chờ vào cây mía như trước đây.

Nhiều hộ dân ở xã Tân Long không chỉ phát triển rộng rãi mô hình mà còn năng động và linh hoạt lựa chọn cây trồng trong mỗi vụ, mỗi năm phù hợp với nhu cầu thị trường bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế tình trạng hàng dội chợ.

Ông Cao Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, khi cây mía còn nhỏ, nông dân tận dụng mặt đất trống trồng xen một số loại rau màu ngắn ngày như mướp, dưa leo, bầu, bí, bắp, đậu que ở giữa những hàng mía và hai bên đầu hộc.

Đây là những loại rau màu ngắn ngày, chỉ trồng hơn 2 tháng là cho thu hoạch nên rất thích hợp khi trồng xen trong ruộng mía giai đoạn đầu để lấy ngắn nuôi dài. Mô hình đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hướng tới, địa phương tiếp tục vận động bà con nhân rộng, nhất là những hộ có ít đất canh tác.

Ông Nguyễn Minh Triết, TGĐ Cty CP Nông trại sinh thái (Ecofarm):

Ecofarm đã thành lập 7 Cty con ở ĐBSCL để chuyển giao quy trình trồng rau sạch và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện lên đến hàng trăm ha. Riêng tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), Cty đã ký kết thành lập liên minh SX rau an toàn với 120 hộ nông dân, trên diện tích 70 ha. Liên minh đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí từ dự án cạnh tranh nông nghiệp của Bộ NN-PTNT để phát triển vùng nguyên liệu rau sạch cung cấp cho chuỗi siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Theo các nông dân tham gia liên minh này cho biết, trồng rau màu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trồng lúa, công chăm sóc cũng vất vả hơn nhưng bù lại thời gian canh tác ngắn mà lợi nhuận lại cao gấp 2 - 3 lần so với lúa. Hơn nữa, sản phẩm làm ra được DN ký hợp đồng bao tiêu nên không lo về đầu ra.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất