| Hotline: 0983.970.780

"Thủ phủ cao su" miền Đông Nam bộ: Giá giống tăng 4 lần

Thứ Năm 15/07/2010 , 14:00 (GMT+7)

Chưa bao giờ cây cao su giống tại Bình Phước - "thủ phủ cao su" khu vực miền Đông Nam bộ lại tăng “nóng” như hiện nay khi giá cây giống đã tăng 4 lần. Không chỉ giá cao ngất mà muốn đặt mua nhiều cũng không có.

Như bài viết trên NNVN số ra ngày 14/7, diện tích cao su đang tăng quá nhanh. Chưa bao giờ cây cao su giống tại Bình Phước - "thủ phủ cao su" khu vực miền Đông Nam bộ lại tăng “nóng” như hiện nay khi giá cây giống đã tăng 4 lần. Không chỉ giá cao ngất mà muốn đặt mua nhiều cũng không có.

Dù giá giống cao su tại Chơn Thành (Bình Phước) đã tăng gấp 4 lần, nhưng muốn mua nhiều cũng không có.

Trao đổi với NNVN, ông Phan Văn Đon, PGĐ Sở NN- PTNT Bình Phước cho biết, diện tích trồng mới cao su vụ 2010 tại Bình Phước đang tăng mạnh, “sẽ có khoảng trên 10.000 ha cao su mọc lên trong năm nay” – ông Đon nói. Dự báo này cũng hoàn toàn khớp với thực tế đang diễn ra trên thị trường khi giá cây cao su giống đang tăng “nóng” từng ngày. Tại “lãnh địa” giống cao su Chơn Thành, giống cao su tum bầu gần như kiệt hàng, chỉ còn cây tum trần được bán với số lượng rất hạn chế.

Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua 2 loại giống phổ biến là cao su Riu4 và Bp260, ông chủ trại giống cao su Năm Thành (tổ 4, ấp Hoà Vinh 1, huyện Chơn Thành) nói chắc nịch: “Giờ này anh mà hỏi mua loại giống hai tầng lá chất lượng cao thì quá khó. Nếu mua loại hàng dạt (loại 2) với số lượng ít thì tôi kiếm hộ cho nhưng giá tới 18.000 đồng một cây đấy”. Để đảm bảo lời nói của mình chân thực, ông chủ giống Năm Thành yêu cầu chúng tôi cứ đi dạm hỏi các trại giống xung quanh, nếu mua được giống tum bầu Riu4 và Bp260 hai tầng lá loại đẹp với giá dưới 20.000 đồng (cao gấp 4 lần nằm 2009) thì cứ quay lại đây ông trả tiền ngay.

Vườn cao su giống.
Quả thực, tình hình này cũng xảy ra tại trại giống cao su Sáu Thể, trại giống A Điện (ấp Hoà Vinh 1, huyện Chơn Thành), đặc biệt là giống cao su VE515 muốn mua phải đợi 40 ngày sau mới có hàng. “Không chỉ tum bầu tăng giá mà cả giống tum trần năm ngoái chỉ hơn 1.000 đồng/cây thì hiện tại đã lên đến 4.000 đồng/cây” – anh Điện nói. Khi giống đủ tiêu chuẩn đã cạn, hiện hầu hết các trại giống đều gạ khách hàng mua loại giống bầu hạt mà phải mất nhiều ngày sau mới lên lá với giá “cắt cổ” 10.000 đồng/bầu. Dù giá cao trên trời, nhưng trại giống Năm Thành vừa kí được hợp đồng bán 1 vạn cây giống bầu hạt. Ngay khi kí xong, nhiều đơn vị khác liên tiếp đến đặt hàng với số lượng lớn hơn nhưng ông Năm không dám ký vì sợ không thể đáp ứng kịp.

Phong trào chặt cây điều để trồng cao su đang diễn ra mạnh mẽ tại tỉnh Bình Phước khi từ đầu năm đến nay đã có hàng nghìn ha điều bị đốn hạ. Hiện diện tích điều tại đây còn khoảng 157.000 ha, trong khi chỉ vài năm trước diện tích điều lên đến gần 200.000 ha. Trên nhiều tuyến đường tại huyện Chơn Thành, Phước Long, gỗ và củi cây điều được người dân xếp thành từng đống lớn để chờ xe tải đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh Đông Nam bộ.

Thị trường giống cao su còn “nóng” đến mức, ngay cả khi khách đặt mua hàng, các trại giống đều yêu cầu khách cam kết: loại giống không đạt chuẩn thân dưới 12 li cũng phải lấy (tiêu chuẩn chính thức phải trên 13 li). Nhiều trại giống tại Bình Phước cũng cho biết, ngay từ đầu vụ rất nhiều đơn vị ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ tổ chức ký kết với nhiều trại mua hàng triệu cây giống cao su tum bầu, cá biệt có một Cty ở Vũng Tàu mua tới 500.000 cây giống đã khiến thị trường giống bị ảnh hưởng. Vào thời điểm đầu vụ (cuối tháng 5) giá giống tum bầu chỉ khoảng 6.000 – 7.000/bầu nhưng chỉ hơn một tháng sau giá đã bị đẩy lên cao ngất mà cũng không còn nhiều hàng để bán.

Ngay trước vụ trồng mới cao su vài tháng, nhiều trại giống khi thấy giá mủ cao su liên tục tăng đã thủ một lượng cây giống lớn. Nhưng do nhu cầu thị trường tăng quá mạnh ngoài dự đoán nên họ cứ tiếc hùi hụi vì đã bỏ lỡ cơ hội hốt bạc. Trong khi đó, để có được một cây giống cao su tum bầu phải mất gần 2 tháng, còn cây tum trần cũng phải mất từ 35 – 40 ngày, càng khiến giá giống bị đẩy lên cao hơn khi cung không đủ cầu.

Trước tình hình mua bán cây giống cao su không đạt chuẩn diễn ra tràn lan như hiện nay, Sở NN-PTNT Bình Phước khuyến cáo các hộ nông dân trồng tiểu điền hết sức cảnh giác. Theo ông Phan Văn Đon, hiện Bình Phước đang có trên 120.000 ha cao su, tuy nhiên rất nhiều hộ nông dân đang tổ chức chặt cây điều để chuyển sang trồng cao su vì thấy giá mủ tăng quá cao. “Tuy nhiên, nếu bà con cứ ồ ạt chuyển đổi mà không quan tâm đến chất lượng cây giống, điều kiện đất đai không đạt chuẩn thì chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng”. Ông Đon cũng đặt câu hỏi: “Nếu giá cao su lại từ từ xuống dốc, liệu bà con nông dân trồng cao su theo kiểu thời vụ như vậy có ứng phó được không? Nguyên tắc khi giá đã lên quá cao rồi một lúc nào đó cũng sẽ hạ xuống rất sâu”.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm