| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ điều Bình Phước thiệt hại nặng do mưa trái mùa, sâu bệnh hoành hành

Thứ Hai 27/02/2017 , 13:15 (GMT+7)

Tính từ ngày mùng 4 tết Đinh Dậu đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có gần chục cơn mưa trái mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ xít (nâu, đen) và bệnh thán thư phát triển mạnh, gây hại nghiêm trọng đến nhiều vườn điều trổ bông đợt 1. Nhiều vườn điều gần như mất trắng.

Nhiều vườn điều mất trắng

Dẫn chúng tôi ra vườn điều 3ha của gia đình, anh Hồ Sĩ Lợi, Thôn Bàu Đĩa, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, than: “Bình thường như mọi năm, thời điểm này điều chuẩn bị ra hoa đợt 2 rồi, nhưng năm nay lại ra trễ khoảng 1 tháng, lại đúng vào dịp tết. Gia đình cũng nghe thông báo của chính quyền địa phương về tình hình thời tiết, nhưng tôi thấy điều chưa ra hoa nên cũng chủ quan. Ai ngờ nó trổ bông được vài ngày thì mưa. Đợt 1 tôi ước khoảng 30% điều trổ bông, đều bị hư hết. Năng suất điều của tôi bình quân khoảng gần 3 tạ/sào. Như vậy năm nay tôi mất khoảng 3 tấn”.

18-24-38_nh-5
Vườn điều của gia đình anh Hồ Sĩ Lợi bị hư hại khá nặng.

 

Tại thôn 3, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, vườn điều hơn 6ha của hộ anh Nguyễn Văn Dũng bị thiệt hại nặng nhất. Toàn bộ hoa, trái non, thậm chí cả lá, cảnh nhỏ cũng đã bị khô quắt, đen sạm. Chỉ còn lác đác vài cây ra hoa đợt 2 đang chi chít những chùm hoa. Không gặp được chủ vườn, nhưng theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước thì đây là một trong những vườn điều cho năng suất khá. “Năm 2016, mặc dù thời tiết khô hạn, nhưng vườn này vẫn thu gần 20 tấn (bình quân khoảng 3 tấn/ha), với giá bình quân khoảng 50 ngàn đồng/kg, cũng được ngót tỷ bạc chứ đâu có ít. Năm nay coi như mất trắng rồi”, bà Tuyết nói.

Dọc đường đi từ Phú Riềng đến Phước Long, Bình Long, Bù Gia Mập, có rất nhiều vườn điều nằm ngay ven đường, và vườn nào ra hoa sớm đều bị thiệt hại từ vài chục đến 70-80%. Cá biệt có vườn thiệt hại gần như toàn bộ, chỉ còn số rất ít những cây ra hoa đợt 2 đang có màu vàng tươi của hoa, còn lại đều bị cháy đen...

Kỹ sư Doãn Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã lường trước tình trạng thời tiết không bình thường, nên đã có văn bản cảnh báo gửi các địa phương để thông báo rộng rãi cho bà con bằng nhiều hình thức, trong đó có việc thông báo trên loa phát thanh. Vì thế, bà con cũng đã nắm sơ bộ tình hình.

Tuy nhiên, đúng ngày mùng 4 tết, khi bà con đang còn nghỉ ăn tết thì mưa. Việc đối phó chậm trễ nên những vườn điều ra hoa sớm bị hư hỏng như anh thấy. Trong thời gian tới, dự báo là thời tiết cũng diễn biến phức tạp nên chúng tôi vẫn theo sát bà con để có phương án đối phó kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại”.

18-24-38_nh-1
18-24-38_nh-2
Kỹ sư Doãn Văn Chiến kiểm tra tình trạng bệnh trên bông và trái điều.
 

Thời tiết còn diễn biến phức tạp

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu – Phát triển cây điều, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, mưa trái mùa gây thiệt hại nặng cho cây điều tại hầu hết các tỉnh vùng Đông Nam bộ và cả Lâm Đồng.

Để hạn chế tối đa thiệt hại cho cây điều do thời tiết, sâu bệnh, Tiến sĩ Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - Phát triển cây điều, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam chia sẻ: “Đối với bọ xít muỗi, sâu róm đỏ và côn trùng gây hại điều, dùng thuốc trừ sâu Sherpa, Decis, Bitox, Confidor hoặc thuốc có tính nội hấp mạnh như Bitox, Oncol, Marshell để phun xịt. Đối với bệnh thán thư, dùng thuốc trừ bệnh Bordeaux1%, COC 85, Champion, Benlat-c, Ridomil, Bavistin. Ngoài ra, có thể phun kết hợp thuốc trừ sâu bệnh với chất kích thích sinh trưởng như Atonix, Dekamon, HQ101, Flower, và phân bón lá như Multipholiate, KNO3, Yogen, Nutra để giúp điều đậu quả tốt hơn.

18-24-38_nh-6
Tiến sĩ Trần Công Khanh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu – Phát triển cây điều đang kiểm tra tình trạng cây bệnh.

 

Hiện có tình trạng là nhiều vườn đã phun thuốc nhưng không hết bọ xít, côn trùng. Nguyên do là nhiều người chỉ phun dưới gốc mà không phun trực tiếp lên côn trùng đang ở phần hoa, trái, nên nó ngửi thấy mùi thuốc, bỏ đi, hết mùi nó lại quay về. Cho nên, muốn diệt được nó, phải phun trùm lên toàn bộ tán, từ ngọn cao nhất trở xuống.

Phun đợt đầu chỉ diệt được con, cho nên, cách 2-3 ngày phải phun lại để diệt trứng và con non. Ngoài ra, hiện không ít bà con nhầm bọ xít muỗi chích hút làm khô chồi hoa, lá và quả non là do thán thư va dùng không đúng thuốc. Cho nên, ngoài phun xịt đúng kỹ thuật, đủ liều, phải giám sát để phát hiện cây bệnh sớm, đoán đúng nguyên nhân bệnh của cây thì trị mới hết”.

Theo kỹ sư Chiến, hiện chưa có số liệu chính xác về diện tích điều bị thiệt hại do thời tiết, nhưng đợt 1 điều ra hoa khoảng 25% diện tích và khoảng 2/3 số này này đã bị hư hại (khô hoa, rụng quả). Một số vườn do không xử lý kịp đã bị thiệt hại nặng 100%.

“Nếu mưa vào thời điểm cây điều đã đậu trái gần hoàn chỉnh thì rất có lợi vì cung cấp nước cho cây và trái. Nhưng nếu mưa vào giai đoạn điều đang nở bông thì gây bất lợi cho việc thụ phấn, đặc biệt là tạo cơ hội cho một số dịch hại, nấm bệnh, nhất là bệnh thán thư và bọ xít muỗi. Mưa trái mùa chưa hẳn bất lợi hoàn toàn đối với cây điều mà tùy từng vườn, tùy thời điểm trổ bông. Mưa trái mùa hay mưa sớm khiến độ ẩm đất cao, trong khi điều ra bông trễ nên chất lượng hạt sẽ tốt hơn và lịch thu hoạch cũng kéo dài.

Vì vậy, bà con cần phòng và trị bệnh thán thư, bọ xít muỗi. Hai loại bệnh này không phải bất trị, chỉ cần tuân thủ việc phun thuốc đúng kỹ thuật, và đủ liều khi mưa bất thường thì có thể hạn chế thiệt hại. Đối với vườn điều không thuần giống, ra nhiều đợt nên dưỡng bông và trái từng đợt, cho từng cây.

18-24-38_nh-9
Bọ xít hại cây điều.

 

Trong quá trình theo dõi, chăm sóc từng đợt điều ra bông nên phun từng khu, từng cây, không nên phun cả vườn, tránh ảnh hưởng cây khác. Nhà nông cũng cần theo dõi diễn biến thời tiết, từng đợt điều ra bông chính xác để chăm sóc, phát hiện sâu bệnh hại sớm và có giải pháp kịp thời”, kỹ sư Chiến nói.

“Hiện nay, nhiều vườn điều đang tiếp tục ra hoa đợt 2, đây là đợt hoa rộ hơn đợt 1, chiếm khoảng 50% toàn vụ, thời tiết hiện tại có nắng tốt, điều ra hoa tập trung và có khả năng đậu quả tốt. Tuy nhiên, theo dự báo, thời tiết vẫn có nhiều bất thường, tạo điều kiện cho bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát triển. Cần tập trung theo dõi, phát hiện sớm nhất tình trạng sức khỏe vườn điều để kịp thời xử lý”, Tiến sỹ Trần Công Khanh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu – Phát triển cây điều.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm