| Hotline: 0983.970.780

Thu sắn non chạy mưa lũ

Thứ Sáu 12/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Đang đầu mùa mưa, những vùng thấp trũng ở TT- Huế, bà con nông dân phải thu hoạch sắn sớm nên có hàng trăm xe dồn ứ ở Nhà máy Tinh bột sắn TT- Huế trong những ngày qua. 

Việc thu hoạch sắn non, làm chất lượng tinh bột giảm, giá thấp đã gây thiệt hại cho bà con nông dân...

Bán sắn non

Những ngày này, các vùng thấp trũng, trên cát như Phong Mỹ, Phong An, Phong Hiền (huyện Phong Điền), Quang Lợi, Quảng An (huyện Quảng Điền), bà con đều đồng loạt nhổ sắn bán, do lo ngại những trận mưa lũ đầu mùa gây ngập úng, sắn vàng lá chết, ảnh hưởng chất lượng.

Ông Lê Tuyến (thôn Đồng Lâm, xã Phong An) cho biết: “Mấy hôm nay gia đình tôi phải huy động hết nhân cộng trong nhà để nhổ sắn. Do đây là vùng đất pha cát, thấp trũng, mấy tháng trước, tui trồng sắn xen đậu, nước đổ về ngập úng chết sạch trơn, phải nhổ trồng lại. Mấy ngày ni mưa, sợ lại ngập nên đành nhổ gấp...”.

3 sào sắn nhà ông Tuyến, chỉ một bộ phận nhỏ còn sót lại từ những lần trồng trước không bị ngập úng, cho củ to, đạt chất lượng, đa số diện tích còn lại ông Tuyến đành phải nhổ bán non. “Để thêm ít ngày, mưa xuống nước ngập hết, củ thối thì cho cũng không ai lấy chứ đừng nói bán”- Ông Tuyến kinh nghiệm. Theo ông Tuyến, như mọi năm, còn hơn 1 tháng nữa mới đến vụ nhổ sắn.

Theo bà con nông dân, nếu sắn đạt chất lượng, nhà máy thu mua giá bình quân từ 1.700-2.000 đ/kg. Tuy nhiên, việc bà con nông dân nhổ sắn non làm chất lượng tinh bột giảm, sau khi “đo” lượng bột, nhà máy chỉ thu mua 1.600-1650 đ/kg mà thôi.

Ông Lê Tích Nhượng, thôn Cao Ban, xã Phong Hiền cho biết: “Với 1 sào sắn mọi năm, tui thu hoạch chừng trên dưới một tấn, với giá bán 2.000 đ/kg, được gần 2 triệu đồng, trong đó, chi phí phân hết nửa số tiền rồi. Như năm nay, tui chỉ thu được triệu mấy, lời lãi không được bao nhiều do sắn nhổ sớm, chất lượng bột giảm, nhà máy mua giá thấp”.

22-18-06_2
Nhổ sắn non, làm chất lượng bột giảm, giá thu mua rẻ khiến nông dân khó khăn

Tại xã Phong Hiền, ông Trần Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 190 ha sắn, trong đó có 70 ha là diện tích chạy lũ. Những vùng đất cát thấp trũng, dễ ngập úng hiện bà con mới thu hoạch được 55ha. Do nhổ sắn sớm nên ảnh hưởng chất lượng tinh bột là điều khó tránh khỏi”...

Chầu chực bán sắn

Theo thống kê, tỉnh TT-Huế có 7.500ha sắn nguyên liệu, chủ yếu sử dụng các giống KM94, Ba Trăng. Sản lượng bình quân hàng năm từ 150.000 - 170.000 tấn, doanh thu trên 150 tỷ đồng. Phần lớn vùng sẵn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Tinh bột sắn TT - Huế.

Những ngày qua, trên Quốc lộ 1A, trước nhà máy tinh bột sắn TT- Huế luôn có hàng chục xe tải, công nông chầu chực chờ bán sắn cho nhà máy. Bà con nông dân đang huy động mọi phương tiện để mang sắn đến nhà máy.

Thời gian cao điểm, theo ghi nhận của chúng tôi, có 160 xe tải, công nông đậu ngược xuôi, chen chúc trên quốc lộ trước nhà máy. Tình trạng diễn ra nhiều ngày đã gây mất an toàn giao thông; sắn phơi mưa, phơi nắng hư hỏng, làm giảm chất lượng tinh bột, gây thiệt hại cho bà con. Mặc dù lượng sắn đổ về ngày một nhiều, thế nhưng phía nhà máy chỉ làm việc trong giờ hành chính, khiến lượng xe dồn ứ ngày một đông.

Ông Nguyễn Dư Anh, một tài xế xe tải cho biết: “Tui từ xã Quảng Lợi chở 4 tấn sắn về đây đợi gần hai ngày rồi mà chưa bán được. Đường xa, không lẽ mang về. Sắn phơi mưa, phơi nắng dễ hư hỏng, chất lượng chắc chắn bị giảm”.

22-18-06_4
Hàng trăm xe chở sắn ùn ứ trước nhà máy

Theo bà con nông dân, do thời điểm trước bận thu hoạch đậu, lúa nên không có thời gian nhổ sắn. Đến thời điểm này sợ mưa lũ về nên bà con phải huy động hết nhân công nhổ sắn. “Giờ nhổ gấp mà bán, được đồng nào hay đồng ấy, chứ đợi mùa mưa xuống thì thối hết, xem như trắng tay.”- chị Dương Thị Bé, ở xã Phong An, nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Vui- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Toàn huyện có gần 1.800 ha sắn, đến nay đã thu hoạch được 532 ha. Trước tình trạng người dân đồng loạt nhổ sắn bán gây ùn ứ trước nhà máy, ngoài việc chỉ đạo lực lượng điều tiết đảm bảo an toàn giao thông; chúng tôi đã chỉ đạo nhà máy làm việc với từng địa phương có hợp đồng, lộ trình cụ thể khi nào thu hoạch và ưu tiên cho vùng sắn chạy lũ, nhằm tránh thiệt hại cho người dân”.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn TT- Huế cho hay: “Do thời gian này bà con thu hoạch sắn đồng loạt, trong khi đó công suất của nhà máy chỉ 500 tấn/ngày, kho chứa 1.200 tấn mà thôi. Năm nay, một số nơi thu hoạch sắn sớm, chất lượng bột không đạt nhưng nhà máy vẫn tạo điều kiện thu mua, hỗ trợ bà con”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm