| Hotline: 0983.970.780

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Thứ Năm 30/03/2017 , 06:35 (GMT+7)

Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hoà giải ở cơ sở...

Ông Trương Văn Thắng ở tỉnh Vĩnh Phúc xin hỏi luật sư:

Khi xảy ra tranh chấp đất đai đã tiến hành hòa giải ở xã, trong trường hợp hòa giải thành mà diện tích đất giữa hai gia đình có thay đổi thì giải quyết như thế nào? Trường hợp khác cũng xảy ra tranh chấp đất đai (có sổ đỏ) mà hòa giải không thành thì giải quyết như thế nào?

Mong luật sư quan tâm hướng dẫn.

Trả lời:

Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hoà giải ở cơ sở, cụ thể:

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Từ quy định nêu trên cho thấy, đối với tranh chấp đất đai, trước tiên hai bên có thể tự hoà giải, nếu không tự hoà giải được thì bạn gửi yêu cầu đề nghị hoà giải đến UBND cấp xã (phường) nơi có đất tranh chấp. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hoà giải cho các bên.

Trường hợp ông nêu thì việc hòa giải của hai bên đã hoà giải thành nhưng diện tích đất đai của cả hai bên có sự có chênh lệch so với giấy CNQSDĐ được cấp trước đây. Trong trường hợp này thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai gia đình.

Trường hợp thứ hai chính quyền cấp xã đã hòa giải nhưng hoà giải không thành thì tổ hòa giải phải lập biên bản hoà giải không thành, có chữ ký của các bên và xác nhận của địa phương về hoà giải không thành đồng thời hai bên đương sự đến Tòa án nhân dân huyện để được hướng dẫn làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất