| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng đưa ra nhiều đề xuất quan trọng tại Hội nghị cấp cao CLV-8

Thứ Ba 25/11/2014 , 15:08 (GMT+7)

Ngày 25/11, tại thủ đô Vientiane, Lào, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 (CLV-8).

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình thực hiện “Bản sửa đổi Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2020” và “Bản ghi nhớ về các chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi cho khu vực Tam giác phát triển CLV.”

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả đạt được, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở; xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa ba nước; khuyến khích tham gia của giới trẻ đối với sự phát triển của Khu vực Tam giác phát triển CLV; hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn và môi trường ổn định của khu vực.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc nâng cấp và mở rộng khuôn khổ hợp tác Tam giác phát triển CLV và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Đề án về kết nối kinh tế ba nước để trình lên Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9.

Hội nghị cũng thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác như xây dựng danh sách các dự án hợp tác ưu tiên trong khu vực Tam giác phát triển để vận động đầu tư từ các đối tác phát triển; nghiên cứu hình thành Thỏa thuận giữa ba nước về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển CLV trên cơ sở kết hợp các thỏa thuận song phương và đa phương hiện có; xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển để tạo bước chuyển quan trọng cho ngành du lịch ba nước.

Hội nghị cũng đã thống nhất giao các Bộ Nông nghiệp ba nước trao đổi và hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam để trình Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 10, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh đối ngoại, đặc biệt trong phòng chống tệ nạn buôn người, buôn ma túy, tôi phạm xuyên biên giới, ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và thiên tai, rà phá vật liệu nổ còn xót sau chiến tranh. Thúc đẩy các chương trình hợp tác chung về bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Điều phối chung trong triển khai “Quy hoạch tổng thể điều chỉnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam tới năm 2020” và đánh giá cao những thành tựu đạt được; cho rằng các kết quả thu được cũng thể hiện sự đoàn kết gắn bó, phối hợp chặt chẽ và nỗ lực, quyết tâm của ba nước trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những tồn tại đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của ba nước như việc huy động vốn cho thực hiện các dự án trong Quy hoạch phát triển còn hạn chế; tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm; thiếu nhất quán trong chính sách thương mại đầu tư của ba nước làm hạn chế hiệu quả hợp tác.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất Thủ tướng ba nước giao Ủy ban điều phối chung nhanh chóng xây dựng Đề án kết nối ba nền kinh tế để trình lên Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9 (2016). Đồng thời, tiếp tục triển khai những kết nối hiện có và những kết nối mới có đủ điều kiện.

Để triển khai các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của ba nước, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng và chế biến cao su, càphê; đầu tư phát triển điện lực, viễn thông; du lịch...

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng ba nước nhanh chóng hoàn thiện Hiệp định về xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực Tam giác phát triển CLV như đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 7.

Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân qua biên giới, cần từng bước nâng cấp các cặp cửa khẩu, phối hợp triển khai mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng vào năm 2015; ký kết các Thỏa thuận (MOU) về thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới (CBTA) trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Thủ tướng cũng đề nghị tập trung thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020. Phấn đấu duy trì tăng trưởng GDP (của 13 tỉnh khu vực Tam giác phát triển CLV) đạt mức 10%/năm và mức GDP đầu người là 1.500-1.600 USD năm 2015.

Hoan nghênh việc Ủy ban điều phối chung đã xây dựng được danh mục các dự án đầu tư ưu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án này cần tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng thương mại như các khu kinh tế, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, phát triển nguồn nhân lực để tạo nguồn cung lao động cho các cơ sở sản xuất tại địa phương và cải thiện cuộc sống của người dân, đồng thời cần cải tiến việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch để tạo ra hiệu ứng thúc đẩy đầu tư...

Nêu rõ ngành nông, lâm nghiệp là thế mạnh của khu vực, đặc biệt là trồng và chế biến cây cao su, Thủ tướng đề nghị ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su theo hướng áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng gắn với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cùng thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư trồng và chế biến cao su chất lượng cao.

Bên cạnh đó, quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực Tam giác phát triển. Đồng thời, ba nước tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề về an ninh tại khu vực biên giới. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động phi pháp, sai trái. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn lực của mỗi nước, Thủ tướng cho rằng cần tranh thủ thêm nguồn lực từ các quốc gia đối tác phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc...) và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong việc này, cần phối hợp chặt chẽ giữa ba quốc gia để tạo tiếng nói chung và khai thác tối đa ưu thế về cơ chế chính sách, quy mô kinh tế khu vực Tam giác phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng với những bước đi phù hợp, cơ chế hợp tác ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng của ba nước và Tiểu vùng Mekong.

Kết thúc Hội nghị, ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV và thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV-9 tại Vương quốc Campuchia vào năm 2016.

Vietnam+

Xem thêm
Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm