| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không vì lợi ích của một người mà có hại cho nhiều người

Chủ Nhật 29/11/2015 , 15:16 (GMT+7)

Ngày 27/11, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 11. Theo đánh giá của Chính phủ, trong tháng 11/2015, một số vấn đề tồn tại.

* Xử lý lạm thu ở Can Lộc chưa đủ sức răn đe

Ví dụ như SX và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị.

Bên cạnh đó, hoạt động SXKD của DN vẫn còn trở ngại. Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Việc bảo đảm VSATTP còn hạn chế. Tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nếu không có gì đột biến thì nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu.

“Phải tập trung chỉ đạo thu ngân sách trong tháng 12, nhất là cố gắng làm tốt công tác thu khoản nợ đọng 70.000 tỉ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm nay” – Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược. “Việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Cái nào cần thì vẫn phải kiểm soát, không được buông lỏng. Không thể vì thuận lợi cho một người, lợi ích của một người mà có hại cho nhiều người”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau phiên họp của Chính phủ kết thúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên và đại diện một số Bộ, ngành đã giải đáp các câu hỏi của dư luận và báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi: Báo cáo về tình hình tài chính và kết quả hoạt động SXKD năm 2014 của DNNN cho thấy, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, TCTy nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Một số ý kiến cho rằng, khoản nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Xin cho biết Chính phủ có chỉ đạo như thế nào để xử lý tình trạng nợ của DNNN?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.

Hiện nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1 % là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.

“Việc UBND xã Thường Nga tiếp tục thông báo vận động thu Quỹ giao thông thủy lợi sản xuất năm 2015 đã thể hiện sự thiếu ý thức của chính quyền xã Thường Nga trong việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên; sự thiếu sâu sát cơ sở của UBND huyện Can Lộc trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và việc xử lý cán bộ của UBND huyện Can Lộc chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; mặc dù UBND tỉnh đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, yêu cầu chấp hành” – trích báo cáo 6007/UBND – TH ngày 25/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn gửi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các DN vay vốn là để tạo điều kiện cho các DN có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp DN trực tiếp vay thương mại thông thường.

“Chính phủ đã chỉ đạo việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ phải thực hiện trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý chặt chẽ điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ” – Người phát ngôn Chính phủ cho hay.

Liên quan đến kết quả giải quyết những sai phạm trong huy động đóng góp của nhân dân tại huyện Can Lộc mà báo NNVN phản ánh trong chuyên đề Gánh nặng quê nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí như sau:

Vụ việc này, chúng tôi đã tham mưu cho Phó Thủ tướng chỉ đạo đến lần thứ 3. Phía tỉnh Hà Tĩnh đã nghiêm túc báo cáo và yêu cầu UBND huyện Can Lộc kiên quyết xử lý vụ việc này đến nơi đến chốn. Nội hàm của chỉ đạo này là UBND huyện có trách nhiệm kiểm điểm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân tùy theo mức độ vi phạm; đồng thời chấm dứt các khoản huy động đóng góp của nhân dân trái với quy định pháp luật.

“Qua vụ này cho chúng ta rất nhiều bài học trong quá trình lắng nghe ý kiến của người dân, của báo chí và của cấp trên. Đây là bài học rất quan trọng trong chỉ đạo điều hành của các cấp và của Chính phủ, đặc biệt là trong việc thực thi pháp luật. Cán bộ ở cơ sở có thể hiểu rằng, việc mình làm có những cái có lợi cho nhân dân nhưng điều quan trọng là cái đó phải được sự đồng tình của nhân dân và phải đúng với pháp luật” – Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết ngày 25/11, Chính phủ đã nhận được báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về vụ việc này.


Báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định việc tái diễn lạm thu ở Can Lộc thể hiện sự thiếu ý thức chấp hành chỉ đạo cấp trên của chính quyền xã và việc xử lý chưa đủ sức răn đe của UBND huyện Can Lộc

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Can Lộc tiếp tục tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tập thể và các cá nhân có liên quan tại xã Thường Nga và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc; công bố công khai cho toàn thể nhân dân được biết các kết luận xử lý để rút kinh nghiệm, kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng trên.

Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn không được thực hiện huy động các khoản thu ngoài quy định. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra sự việc trên thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết vụ việc này của Hà Tĩnh. Tôi tin rằng lần này Hà Tĩnh đã rút ra được bài học sâu sắc để xử lý vụ việc này đến nơi, đến chốn” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã hứa như vậy.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.