| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng và phát triển nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững đất nước

Thứ Ba 12/07/2011 , 10:14 (GMT+7)

Ngày 11/7, Thường trực Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ và đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung phân tích, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết, nhằm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW (NQ26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai chương trình hành động tới cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết (NQ), gần 3 năm qua mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nông nghiệp, nông thôn đã vững vàng vượt qua khó khăn, duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.

Theo báo cáo của Bộ NN- PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD (tăng 3,46 tỷ USD so với năm 2008), vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỷ USD). Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) cấp xã tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền, đã dần dần hình thành được “hình hài” của mô hình NTM thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Công tác giảm nghèo cũng đạt được nhiều thành tựu, theo tiêu chí cũ, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 13,1% (năm 2008) xuống còn 9,45% (năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%.

 Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện NQ26 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về NQ và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới còn chưa đầy đủ; nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế…

 Các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, NQ26 mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, được dư luận trong và ngoài nước nhất là cư dân nông thôn tích cực đón nhận, kỳ vọng về một thời kỳ với tương lại phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện NQ26 là trình độ, năng lực của cán bộ nhất là cán bộ ở cấp cơ sở còn hết sức hạn chế; nhiều địa phương đề nghị Trung ương hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện NQ. Có ý kiến đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN về đầu tư tại khu vực nông thôn nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Hội nghị xác định một số mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là đưa tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đạt 17-18%; hàng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 1,8- 2 lần so với năm 2010; số xã đạt tiêu chuẩn NTM đạt khoảng 20%...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sau gần 3 năm thực hiện NQ26, diện mạo nông thôn cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2015, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát 8 nhóm giải pháp trong NQ26; nội dung, tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM; Chương trình giảm nghèo để từ đó, căn cứ đặc thù từng địa phương, xây dựng kế hoạch hành động.

Đề cập đến ý nghĩa to lớn của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức sơ kết, cân đối, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thúc đẩy hiệu quả của công tác hết sức quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh: NQ26 đã thể hiện rõ tầm chiến lược trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi tỉnh, thành phố phải tự cân đối và có cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong huy động vốn, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa nguồn ngân sách của Trung ương với tận dụng nguồn lực trong dân và đóng góp của DN. Đặc biệt, phải tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng KHCN, gắn với cơ khí hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm.

Để xây dựng NTM, có nhiều yếu tố nhưng quyết định là giáo dục, đào tạo. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ, dân trí cho người dân nông thôn. Song song với đào tạo phổ thông, đại học cần đa dạng hóa hơn nữa việc đào tạo nghề để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thoát nghèo. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương, cũng cần tăng cường, củng cố công tác xây dựng, phát triển hệ thống chính trị cơ sở để giữ vững an ninh nông thôn, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất