| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp

Thứ Hai 27/02/2017 , 09:31 (GMT+7)

Chiều 26/2, tại Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.

Theo báo cáo của tỉnh Tuyên Quang, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 1.592 tỉ đồng. Đến nay, có tổng số 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 11 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2011. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 1.180 doanh nghiệp (tăng 13%) với tổng vốn đăng ký hơn 11.200 tỉ đồng; phấn đấu đến năm 2020, Tuyên Quang có trên 1.500 doanh nghiệp.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang
 

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh xác định lối ra trong phát triển là tập trung vào 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến; du lịch. Tuy nhiên, lối ra này đang gặp trở ngại lớn là kết nối giao thông. Tỉnh mong muốn Chính phủ hỗ trợ một số dự án giao thông, nhất là tuyến đường từ Tuyên Quang nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tuyên Quang đã hoàn thành 21/21 chỉ tiêu về kinh tế xã hội năm 2016; độ che phủ rừng đạt 64%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cải thiện đáng kể, từ chót bảng vươn lên mức 48/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Rừng chưa trở thành thế mạnh. Năng suất rừng còn thấp. Trong phát triển, chưa có con bài chủ lực để tạo nguồn thu.

Đánh giá cao khát vọng phát triển, tinh thần cải cách, đổi mới của lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng nhất trí với hướng ra của Tuyên Quang là nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả dược liệu, nhất là gỗ rừng trồng; công nghệ chế biến, gồm cả công nghiệp giải khát; du lịch.

“Phải đi lên từ rừng và đất rừng để phát triển Tuyên Quang. Kinh tế lâm nghiệp là lối ra cho Tuyên Quang”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “Rừng mà đầu tư tốt, thâm canh tốt, chất lượng tốt thì chắc chắc là lối ra cho Tuyên Quang”.

Từ đó, Thủ tướng mong muốn Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, là điển hình về năng lực thoát nghèo để cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên cho phát triển kinh tế, giải quyết đời sống của người dân.

Với tầm nhìn đó, Thủ tướng đưa ra một số biện pháp mà tỉnh cần tập trung thực hiện. Tỉnh cần phát triển hạ tầng cứng, trước hết là giao thông. Thứ hai, phải có đề án tái cơ cấu dân cư theo hướng tập trung để tiếp tục giảm chi phí y tế, giáo dục, điện, nước… Dân cư thưa thớt như thế mà không sắp xếp, quy hoạch thì khó có thể ổn định, phát triển lâu dài, Thủ tướng nhìn nhận.

Về hạ tầng mềm, Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục cơ bản với mục tiêu nâng cao dân trí, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc. Hạ tầng mềm thứ hai là dạy nghề, phải thay đổi phương thức, đầu tư có trọng điểm các trường nội trú và các trường dạy nghề.

Tỉnh cần tạo vùng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm quy mô hơn, chất lượng hơn, có thương hiệu tốt hơn. Cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh ở địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện để có hệ thống doanh nghiệp tốt, lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, xóa bỏ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ.

Thủ tướng lưu ý trong quá trình phát triển phải bảo vệ môi trường. “Tuyên Quang phải mang lại màu xanh, sạch vì là tỉnh ở đầu nguồn. Muốn thủy điện thì phải trồng rừng, muốn phát triển các nhà máy thì phải giữ môi trường nhất là một số ngành công nghiệp ô nhiễm lớn”, Thủ tướng nêu rõ.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với một số kiến nghị của Tuyên Quang với tinh thần ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho “Thủ đô kháng chiến” phát triển.

*Cũng trong chuyến công tác tại Tuyên Quang, Thủ tướng đã đến thăm Nhà máy May Tuyên Quang tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Nhà máy do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư với số vốn trên 200 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ cuối năm 2016.

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.