| Hotline: 0983.970.780

Thu vài tỷ đồng mỗi năm từ nuôi cá lóc

Thứ Ba 19/07/2016 , 08:27 (GMT+7)

Với nghề nuôi cá lóc, mỗi năm, Nguyễn Văn Thêm xuất bán hàng trăm tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lời được vài tỷ đồng. Không những trở nên khá giả nhờ loại cá này...

Xung quanh hồ Dầu Tiếng, từ nhiều năm nay đã xuất hiện rất nhiều trang trại làm ăn có hiệu quả. Trong đó, không thể không thể không nhắc tới trang trại cá lóc của anh Nguyễn Văn Thêm ở ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Nguyễn Văn Thêm vốn là Việt kiều Campuchia, nhưng đã cùng gia đình hồi hương về định cư ở Đồng Tháp từ năm 1970. Năm 2000, anh lặn lội lên hồ Dầu Tiếng, đầu tư nuôi cá lồng bè trong lòng hồ. Vốn liếng không nhiều, anh mua một bè cá, thả nuôi nhiều loại cá nước ngọt như trắm, chép…

Trong nhiều năm trời, nghề nuôi cá bè tuy vất vả, bấp bênh, nhưng cũng giúp anh ổn định được cuộc sống gia đình, có chút tích lũy. Tuy vậy, Thêm vẫn luôn trăn trở tìm cách nào đó có thể đưa nghề nuôi thủy sản nước ngọt của gia đình một cách ổn định hơn và phát triển tốt hơn.

Năm 2010, nhận thấy cá lóc là loài cá có thị trường tiêu thụ ổn định, giá tốt, Thêm quyết định chuyển hẳn sang loại cá này. Anh bán bè cá, lên bờ, mua 1,6ha đất ở ấp Phước Hội. Anh vét hết những đồng vốn tích lũy được, cộng với vốn vay từ Agribank, thuê người đào 1ha mặt nước, thả nuôi cá lóc đen. Sở dĩ Thêm chọn loại cá lóc đen vì dễ tìm kiếm con giống, thức ăn lại có thể sử dụng các loại cá tạp rất sẵn có do những người đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng bán lại với giá rẻ.

Với loại cá mới này, Nguyễn Văn Thêm lại phải bỏ ra nhiều thời gian tìm tòi kiến thức, cách nuôi sao cho giảm thiểu được tỷ lệ hao hụt, cá phát triển nhanh...

Nhờ vậy, anh đã sớm có được thành công với con cá lóc đen. Thậm chí so với những giống cá anh nuôi trước đây, cá lóc đen cho giá trị kinh tế cao hơn bởi giá bán luôn ở mức tốt. Khi đã ổn định với cá lóc đen, anh quyết định nuôi thêm cá lóc bông bởi có giá trị kinh tế cao hơn và thị trường tiêu thụ cũng tốt.

Cả 2 loại cá lóc nói trên đều đã đem lại thành công lớn cho Nguyễn Văn Thêm. Với cá lóc đen, anh nuôi 5 tháng là xuất bán, đạt 0,8 - 1 kg/con, giá bình quân 30.000 đ/kg. Cá lóc bông nuôi dài hơn, tới 8 tháng, nhưng mỗi con đạt kích cỡ bình quân 2,5kg, giá bán 40.000 đ/kg.

Gần đây, để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, cá chết trong quá trình nuôi, Thêm đã đầu tư nuôi thêm vài hồ ba ba. Cuối năm ngoái, sau 2 năm nuôi thử, anh đã thu hoạch lứa ba ba đầu tiên, thu được khoảng 3 tấn, xuất bán mang về gần nửa tỷ đồng. Có thể nói trang trại của Nguyễn Văn Thêm đang là một trong những trang trại nuôi thủy sản đạt hiệu quả hàng đầu xung quanh hồ Dầu Tiếng.

Nguyễn Văn Thêm khẳng định giá cá lóc bông lẫn lóc đen trong nhiều năm qua luôn đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi vì thường cao hơn giá thành (với riêng gia đình anh Thêm, luôn đạt lợi nhuận từ 10.000 đ/con trở lên).

Cái quan trọng là người nuôi có nắm vững được kỹ thuật để giảm tỷ lệ hao hụt, đạt được kích cỡ cần thiết vào thời điểm xuất bán hay không. Trang trại của anh Thêm còn có một lợi thế không nhỏ là gần hồ Dầu Tiếng, lấy được nguồn nước sạch và ổn định của hồ, rất thuận lợi cho sự phát triển của cá.

Với nghề nuôi cá lóc, mỗi năm, Nguyễn Văn Thêm xuất bán hàng trăm tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lời được vài tỷ đồng. Không những trở nên khá giả nhờ loại cá này, Thêm còn có điều kiện hỗ trợ cho nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ trong vùng.

Bởi vì để có đủ nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho cá nhanh lớn, anh phải lặn lội tới Bình Thuận tìm mua thêm cá biển tạp. Do đã mua được xe tải đông lạnh, Thêm mua cá biển với khối lượng lớn hơn nhiều so với nhu cầu của trang trại về bán lại cho những người nuôi cá nhỏ lẻ trong vùng.

Trước đây, do quy mô nuôi nhỏ lẻ nên những hộ này không thể xuống Bình Thuận mua cá biển mà mua lại của các thương lái, đại lý trong vùng với giá cao hơn nhiều so với giá mua ở biển. Anh Thêm nhờ đi mua tận gốc nên bán lại cho bà con với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, do đó đã giúp cho các hộ nuôi cá nhỏ lẻ giảm được đáng kể chi phí thức ăn. Từ đó, bà con luôn tín nhiệm, lấy cá biển ở chỗ trang trại của anh.

Trang trại của anh trở thành một đại lý cá biển với lượng tiêu thụ không nhỏ (5 tấn/ngày), mang lại lợi ích cho cả gia đình Thêm lẫn những người nuôi cá nhỏ lẻ. Ngoài ra, trang trại còn giải quyết công ăn việc làm cho 8 lao động trong vùng với thu nhập 5 triệu đ/người/tháng.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.