| Hotline: 0983.970.780

Thú y đã yếu, còn mỏng!

Thứ Ba 12/10/2010 , 11:54 (GMT+7)

Giữa năm 2010, NNVN từng có loạt bài phản ánh những bất cập lúng túng về chính sách hỗ trợ dập dịch của tỉnh Hải Dương. Về sâu xa, nguyên nhân nào khiến mấy năm liền dịch tái phát ở tỉnh này?

Giữa năm 2010, NNVN từng có loạt bài phản ánh những bất cập lúng túng về chính sách hỗ trợ dập dịch của tỉnh Hải Dương. Về sâu xa, nguyên nhân nào khiến mấy năm liền dịch tái phát ở tỉnh này?  

Thỉnh thoảng mới kiểm dịch! 

Còn nhớ hồi tháng 4, tháng 5 năm nay, khi dịch tai xanh đang càn quét dữ dội các tỉnh ĐBSH, đi đâu trên các trục đường từ xã lên tỉnh người ta cũng gặp các địa phương sôi sục lập chốt chống dịch, phun thuốc khử trùng, rồi thì tiêm phòng, tẩy uế... Thế nhưng chỉ sau khi dịch tai xanh kết thúc chưa đầy vài tháng, bây giờ về lại các vùng dịch, tịnh không còn thấy ai đả động gì tới dịch giã nữa.

 Tạt qua các trạm kiểm dịch trên QL5 thuộc địa bàn giáp ranh các tỉnh Hải Dương với Hưng Yên, Hải Phòng thấy vắng tanh bóng người. Nhớ lại lời của ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Kiểm dịch (Cục Thú y) về nguyên nhân khiến dịch dai dẳng nhiều năm ở một số địa phương chủ yếu là do hệ thống kiểm dịch yếu kém, tôi tìm đến Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng, địa phương từng là vùng dịch nhức nhối của tỉnh Hải Dương cách đây chưa lâu.

Giữa buổi sáng nhưng trạm chỉ độc một cán bộ của trạm là chị Vũ Thị Lan có mặt. Hỏi ra mới biết, mặc dù Cẩm Giàng là một trong những huyện lớn bậc nhất nhì Hải Dương gồm gần 20 xã với số lượng đầu lợn khoảng 30 nghìn con nhưng Trạm Thú y huyện chỉ có 3 người được hưởng lương theo biên chế. Mới đây, trạm có 2 người nữa, có bằng ĐH chuyên ngành Thú y hẳn hoi nhưng phải tự lo thu nhập (chủ yếu từ công tiêm phòng), tự đóng BHYT, không trụ được nên đã bỏ việc xin đi làm công nhân may ở KCN Đại An.

 Neo người như thế nên theo chị Lan, chỉ nguyên lo chuyện giấy tờ văn thư cũng đã mệt, chứ nói gì tới việc duy trì thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh thường xuyên. Nói như chuyện cấp giấy kiểm dịch cho các chủ trang trại trong huyện, cứ như Pháp lệnh Thú y thì Trạm Thú y huyện có thẩm quyền cấp giấy kiểm dịch đối với các lô lợn vận chuyển từ huyện này qua huyện khác trong tỉnh. Thế nhưng thực tế, chỉ thi thoảng mới lại có một hộ, chủ yếu là chủ trang trại lớn gọi điện nhờ xuống cấp giấy kiểm dịch. Tính từ đầu năm 2010 đến nay, Trạm mới chỉ cấp được năm bảy chục giấy kiểm dịch là cùng!

Tôi thắc mắc, huyện có hàng nghìn trang trại lớn nhỏ, chưa kể chủ chăn nuôi nhỏ, mà lợn toàn xuất đi TP Hải Dương và các huyện khác, Thú y huyện cấp được từng đó giấy trong gần 1 năm trời thì ăn thua gì? Chị Lan bộc bạch: Đúng là chẳng thấm thía gì so với số lượng lợn từ Cẩm Giàng chuyển đi các địa phương khác nên nếu có lợn bị bệnh “lọt lưới” cũng khó mà biết được. Đó là chưa nói hàng ngày, tại khu vực buôn bán đầu mối ở xã Thạch Lỗi có hàng nghìn con lợn từ địa phương khác ra vào. Lợn đó có bị bệnh hay không cũng không còn phụ thuộc vào sự kiểm soát của Chi cục Thú y tỉnh. Chứ riêng tại địa bàn xã Thạch Lỗi (vùng dịch nặng nhất huyện Cẩm Giàng năm 2010) bây giờ hết công bố dịch thì chốt kiểm dịch cũng bỏ. Việc thường xuyên rà soát kiểm tra phát hiện biểu hiện dịch đúng ra Ban thú y các xã chịu trách nhiệm theo dõi, nhưng thực tế họ có thực hiện không thì chịu.

Đem thắc mắc của chị Lan trao đổi với chị  Nguyễn Thị Kim Lan – Trưởng ban Thú y xã Cẩm Hoàng (huyện Cẩm Giàng), vùng dịch tai xanh nặng nề hồi đầu năm 2010, chị Lan bảo: “Phụ cấp cho trưởng ban thú y xã mới được tăng lên 540 nghìn đồng, còn lại các ban viên khác khi tiêm phòng gì thì mới có chút tiền công uống nước. Lúc có dịch, vì cấp này cấp kia giao nhiệm vụ phải rà roát, kiểm tra dịch họ mới làm, chứ bây giờ hết dịch rồi, ai rỗi công mà làm việc đó. Ngay như tôi cũng còn việc đồng áng gia đình mù đầu, thời gian đâu mà theo dõi xem nhà nào có lợn ốm, người nào buôn lợn chết...”. 

Dại gì báo dịch?

Từ khi có dịch tai xanh, tỉnh Hải Dương hỗ trợ toàn bộ vacxin và thuốc tiêu độc khử trùng cho các địa phương. Theo Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng thì mỗi năm 2 đợt vào đầu vụ xuân và vụ thu, các xã đồng loạt đăng ký kiêm phòng 3 loại vacxin tả, tụ huyết trùng và đóng dấu lợn. Đối với thuốc sát trùng, như xã Cẩm Hoàng, mỗi lần được phát 40-50kg. Từng đó, theo chị Lan, Trưởng ban thú y xã Cẩm Hoàng thì chỉ đủ dùng cho khoảng 50% số hộ chăn nuôi, mà mỗi hộ chỉ gọi là 2-3cc, phun lấy được. Trong khi nguyên tắc sát khuẩn khử trùng, thì 1 tuần hộ nào cũng phải phun 1 lần.

Cả xã Cẩm Hoàng có hơn 300 hộ chăn nuôi, nhưng chỉ có những hộ nuôi lớn cỡ 100 con trở lên mới chủ động mua thuốc khử trùng phun đầy đủ. Còn vacxin, theo chị Lan quả quyết năm nào xã cũng đã tiêm đủ 80% đầu lợn. Tôi hỏi: Vậy là đã đạt yêu cầu tương đối phòng dịch, sao năm 2010, Cẩm Hoàng lại là xã để dịch bùng lên dữ thế? Sau một hồi phán đoán, chị Lan bảo: Dịch xẩy ra đầu tiên ở 1 hộ cận kề xã Thạch Lỗi, mà Thạch Lỗi là đầu mối buôn bán lợn, bị dịch trước Cẩm Hoàng, nên nó lây sang.

Nghe anh Thỉnh bộc bạch về chuyện dân giấu dịch, tôi hỏi chị Lan, Trưởng ban Thú y xã Cẩm Hoàng rằng tại sao theo Khoản 4, Điều 5 của Quyết định 719/QĐ-TTg tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ thì chính sách hỗ trợ phòng chống dịch đối với bệnh tai xanh phải được thông báo công khai trên thông tin đại chúng và tới tận xã, thôn. Thế nhưng sao dân Cẩm Hoàng lại không biết chính sách hỗ trợ, đến nỗi giấu dịch như vậy? Trả lời, chị Lan khẳng định tới mãi đợt dịch năm 2010, cán bộ Thú y xã mới được nghe chính sách hỗ trợ và thông báo cho dân biết...
Còn vacxin thì dân ở đây chỉ tiêm 3 loại được nhà nước cấp là tả, tụ huyết trùng và đóng dấu lợn. Nhưng thực tế chỉ có vacxin dịch tả là đạt yêu cầu, còn như tụ huyết trùng và đóng dấu tiêm đạt rất thấp. Vì thế nên sau khi nhiễm bệnh tai xanh, lợn chết vì bệnh kế phát rất nhiều. Riêng vacxin tai xanh thì ở Cẩm Hoàng, không có ai tiêm do quá đắt. Mà có lần, có cả lãnh đạo của Cục Thú y về Cẩm Hoàng tổ chức hội nghị, bảo vacxin tai xanh không dám khẳng định hiệu lực nên dân chặc lưỡi bảo, vậy thà không tiêm còn hơn!

Để kiểm tra lời cán bộ thú y xã nói về tỉ lệ tiêm phòng, tôi vào hộ anh Nguyễn Văn Thỉnh (thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng). Đợt dịch đầu năm 2010, trại lợn hơn 200 con của anh Thỉnh gần như xóa sổ vì dịch tai xanh. Dẫn đi thăm khu chuồng trại khá sạch sẽ nằm lọt thỏm giữa những khu nhà hàng xóm đã có lợn tái đàn lác đác, anh Thỉnh khẳng định vì là trại nuôi lớn nên nếu không có thú y khuyến cáo thì cũng tự tiêm vacxin, sát trùng đầy đủ. Vì thế về vấn đề phòng dịch mấy năm nay không cần phải bàn. Nhưng cái chết là những hộ khác, chỉ có vài con lợn sề, họ không tiêm, mà nhà lại sát với họ, khó mà tránh được.

“Với lại, bây giờ tôi mới nói thật, là dịch ở đây có suốt từ 2007 đến nay chứ không phải từ 2007 đến 2010 mới lại tái phát như người ta biết. Thực tế tháng 3/2009, nhà tôi chết gần 60 con vì bệnh tai xanh. Nhiều hộ khác ở Cẩm Hoàng cũng như mấy xã bên cạnh lợn chết rào rào nhưng hồi đó không ai công bố. Nguyên nhân là hồi đó, dân không nghe thấy tiêu hủy lợn có hỗ trợ gì, nên nhà nào cũng cố giấu. Mà giấu cũng có lí, bởi bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào đàn lợn. Bây giờ lợn ốm, tiêu hủy thì không có hỗ trợ gì, mà chủ buôn lợn ốm iếc gì họ mua tất...” - anh Thỉnh bộc bạch.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.