| Hotline: 0983.970.780

Thừa chính sách, thiếu hiệu quả

Thứ Hai 01/08/2011 , 10:18 (GMT+7)

Đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, và mới đây nhất là Nghị định 61 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/7/2011.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư của DN

Đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, và mới đây nhất là Nghị định 61 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/7/2011. Tuy nhiên, bên cạnh sự kỳ vọng một cú hích từ nghị định này, cũng có không ít ý kiến cho rằng, văn bản chính sách là một chuyện, còn thực tiễn lại là chuyện khác.

Cứ ký tá là… vã mồ hôi

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Mía đường Cao Bằng, ông Nông Văn Lạc, than thở rằng, chủ trương hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp là rất tốt, song để triển khai thực hiện thì quá nhiều bất cập. Ví như ở Cao Bằng, DN muốn được hỗ trợ tiền mua máy cày, máy chuyên chở mía, hoặc máy hút nước, thì phải lập dự án khả thi, chờ các cấp địa phương xem xét rồi mới hỗ trợ. “Thủ tục hành chính rườm rà, phải qua quá nhiều khâu, nhiều cấp khiến chúng tôi cứ thấy có giấy tờ, ký tá là vã hết cả mồ hôi”, ông Lạc thẳng thắn.

Cũng theo ông Lạc, đây chính là nguyên nhân khiến các DN muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dẫu có mặn mà, cũng không dám, hoặc nếu dám thì cũng có thể phải bỏ cuộc. DN từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi đầu tư thành người phải đi chạy vạy, xin xỏ mới được đầu tư....

Đồng quan điểm với ông Lạc, TGĐ Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) Phạm Quang Hiển cho rằng, chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn bất nhất, với trường hợp của Vinafor thì càng rõ nét. Điển hình là Nhà nước đã có quy hoạch sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người trồng rừng, nhưng việc thực thi cấp giấy này quá chậm khiến DN khó đầu tư vốn cho nông dân trồng và chăm sóc rừng.

Những rào cản vô hình như ông Lạc, ông Hiển nêu ở trên đã phần nào lý giải sự “chảy chậm” của dòng vốn DN đổ vào khu vực nông nghiệp (bao gồm nông, lâm thủy sản). Theo thống kê của Bộ môn Nghiên cứu thể chế nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN-NT, trong tổng số 580 nghìn DN đăng ký hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chỉ có khoảng 1% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy mô sản xuất kinh doanh của các DN nông nghiệp đa số còn nhỏ, trên 90% số DN nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng; 6% có vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ có 1% có mức trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của DN trong khu vực kinh tế này lại chiếm 2,3% tổng lợi nhuận của toàn bộ DN cả nước. Điều này cho thấy lợi nhuận khi đầu tư vào nông nghiệp là khá cao nhưng vẫn không thu hút được nhiều DN đầu tư. Vì sao?

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, có được chính sách hay đã khó, nhưng để thực thi hiệu quả lại càng khó hơn. Điều này đã được thực tế chứng minh, bởi nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được đưa ra, nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, nên kém sức hấp dẫn đối với DN.

Đơn cử như Nghị định 61 vừa có hiệu lực từ 25/7, trong đó ưu đãi cho DN hoạt động đầu tư những dự án nông nghiệp như trồng rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản… Tuy nhiên, nội dung của chính sách này vẫn chưa cụ thể về mặt ưu đãi, trừ việc quy định về thuế, tiền thuê đất.

Nghịch lý “thừa” và “thiếu”

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp có rất nhiều, thậm chí là “thừa”, nhưng thực tế khi triển khai lại thiếu các hướng dẫn cụ thể, khiến nhà đầu tư rất khó triển khai thực hiện. Điển hình “thiếu” ở đây là mặt bằng, vốn và nguồn nhân lực. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển NN-NT) cho rằng, đây là những rào cản lớn nhất khiến DN “ngại” đầu tư vào lĩnh vực kinh tế này.

Câu chuyện về đất của Việt Nam cũng là vấn đề đang làm đau đầu nhiều DN có ý định đầu tư vào khu vực nông nghiệp, kể cả các nhà làm chính sách. Đất manh mún, khả năng tích tụ tập trung cực khó, nhất là ở ĐBSH, đã khiến nhiều DN chùn tay. Trong Nghị định 61 có quy định về ưu đãi tiền thuê mặt bằng. Tuy nhiên, trước đây, do việc chia ruộng đất theo kiểu đồng đều, mỗi nhà một thửa nhỏ, tốt xấu như nhau nên trên một đơn vị diện tích lớn có hơn một, thậm chí hàng chục chủ sở hữu. Do đó, việc thỏa thuận của DN với chủ sở hữu ruộng đất là nông dân rất khó khăn.

 Ngoài chuyện hạn điền, DN lại mắc phải hạn mức, vì đất đai được giao có thời hạn, nên DN không thể yên tâm đầu tư dài hạn. “Những hạn chế trên không thể xây dựng được lòng tin của nhà đầu tư, khiến họ khó có thể rút hầu bao đầu tư vào khu vực nông thôn”, TS Tuấn phân tích.

Ngân hàng cũng “ngán” DN nông nghiệp?

TGĐ Cty CP Công nghệ nông lâm Mường Phăng, ông Trần Lệ, nói: “DN đầu tư vào nông nghiệp đã khó, nhưng đầu tư vào vùng sâu, vùng xa lại càng mạo hiểm. Ví dụ, khi đầu tư trồng hoa và rau ở Hòa Bình, chúng tôi sử dụng 1KW điện không còn là 1.500-2.000 đồng mà lên tới 4.000-5.000 đồng vì chi phí cơ sở hạ tầng, nhân vật lực cao hơn. Ngoài ra, Cty vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nào từ ngân hàng, do thủ tục rườm rà và phải có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng rất băn khoăn cho DN đầu tư nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa vay vốn vì họ sợ hiệu quả không cao”.

Về tín dụng, “để đầu tư sinh lời, tín dụng phải dành cho sản xuất hàng hóa và thị trường, chứ không phải đơn giản như ngày xưa thế chấp sổ đỏ để vay 5-10 triệu”- TS Nguyễn Đình Cung nói. Trong Nghị định 61 có quy định về ưu đãi tín dụng cho DN nông nghiệp, nhưng lại không cụ thể hóa ưu đãi thế nào. Do đó, rất khó để DN tiếp cận nguồn vốn, trong khi ở khu vực nông thôn, nguồn vốn không đa dạng và thị trường tín dụng còn chưa phát triển.

“Đó là chưa kể nhiều DN không tiếp cận được các nguồn vốn vay của các ngân hàng, nhất là các DN nhỏ do phương án kinh doanh chưa khả thi, năng lực tài chính yếu không đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay”, ông Cung phân tích.

Còn về nguồn nhân lực, hiện tại, ở khu vực nông thôn đang có hiện tượng “già hóa”, “nữ hóa” lao động. Còn lực lượng trẻ thì lại thiếu tay nghề. Mặc dù chương trình đào tạo 1 triệu lao động của Chính phủ đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng hiệu quả chưa cao. Các DN phần lớn đều dùng hệ thống tự đào tạo của mình nên chi phí đầu vào phát sinh đáng kể. Do vậy, khó có thể nói rằng, cơ cấu lao động ở khu vực này đang được chuyển dịch một cách tích cực.

Hạ tầng nông thôn kém cũng lý giải nguyên nhân khiến DN không mặn mà đầu tư khu vực này. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh và lạm phát tăng cao khiến giá cả các mặt hàng đầu vào trong ngành nông nghiệp tăng theo cũng gây nhiều khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm