| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường

Thứ Ba 04/09/2012 , 09:42 (GMT+7)

Hội nghị Toàn cầu lần thứ hai về nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu được gọi tắt là AFC.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tại phiên khai mạc ngày 3/9

Hôm qua 3/9, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng phối hợp tổ chức phiên trù bị Hội nghị Toàn cầu lần thứ hai về nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (gọi tắt là AFC). Nhiều lời cam kết đã được nêu ra trong ngày đầu tiên của Hội nghị.

Tăng trưởng xanh

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, Hội nghị sẽ có ba ngày làm việc để xem xét, đánh giá các kết quả đạt được cũng như đưa ra các điều chỉnh thích hợp trong lộ trình hành động từ Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Hà Lan năm 2010. Đồng thời xác định những ưu tiên mới, cụ thể hóa các hành động để phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, làm động lực cho tăng trưởng xanh trên toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, xu thế diễn biến và tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với các nước nằm trong khu vực có điều kiện tự nhiên không thuận lợi (trong đó có Việt Nam).

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: đất, nước, rừng đang bị khai thác quá mức cùng với những tác động của thiên tai, hạn hán, nước biển dâng và tác động xấu đến môi trường do chính con người tạo ra thì mục tiêu cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhìn nhận, nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tăng trưởng nông nghiệp bền vững không chỉ đảm bảo đủ lương thực để nuôi sống dân số hiện tại, số dân tăng hàng năm mà còn góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Các quốc gia phải xây dựng các chiến lược, chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Áp dụng các biện pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp thân thiện này. Các quốc gia cần tăng cường hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức toàn cầu, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và phổ biến thông tin để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các ý tưởng mới, kế hoạch hành động phù hợp sẽ được thống nhất và thông qua tại Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng vào ngày 6/9.

Việt Nam được đánh giá cao

Ông Henk Bleker, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thương mại Hà Lan đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát là sản xuất lương thực cho 9 tỷ người vào năm 2015 và 1 tỷ người ngay trong năm tới là một thách thức rất lớn. Theo ông Henk, các nước đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. “Chúng ta phải làm sao để lấy được từng đồng USD của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức quốc tế tự nguyện cho công cuộc biến đổi khí hậu này”, ông Henk nói.

Phiên trù bị Hội nghị AFC lần thứ hai diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7/9/2012 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu quốc tế đến từ 150 nước và 20 tổ chức quốc tế.

Ngày 5/9, sẽ có hai đoàn đi thực địa mô hình thích ứng biến đổi khí hậu vùng trũng tại xã Thanh Lạc (huyện Nho Quan, Ninh Bình) và mô hình biến đổi vùng ven biển tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, Nam Định).

Tiếp đó, ngày 6/9, sau bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở ra Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng. Hội nghị kết thúc vào ngày 7/9 bằng buổi họp báo, thông báo kết quả sau 5 ngày diễn ra.

Còn Phó Tổng giám đốc FAO, ông Alexander Muelle thì gửi đến Hội nghị bằng nhiều thông điệp như: Thế giới cũng học được nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008; chỉ khi nào giải quyết được nông nghiệp bền vững mà người nông dân là chủ thể thì mới có thể giải quyết được vấn đề trên.

Bài học thành công của Việt Nam trong việc bảo vệ rừng cũng là thông điệp mà FAO đang quan tâm. Ngoài ra, hệ thống sản xuất bền vững, thích ứng sự biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự biến đổi đó cũng khiến FAO chú ý nhiều. FAO sẵn sàng kết hợp với các nước gia, tổ chức trên thế giới để thực hiện những điều nêu trên.

Phát biểu trong phiên khai mạc này, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan là thách thức lớn nhất hiện nay bởi nó có tác động rất lớn đến nguồn cung lương thực. Vì vậy, phải có các chương trình đầu tư lâu dài, chuyển đổi phương thức sản xuất đất, tăng cường an ninh xã hội... để giảm nhẹ thiên tai.

Đến thời điểm này, cải thiện nông nghiệp vẫn là công cụ hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ người nghèo. Đó là tìm được những giống cây mới có thể chống chọi được biến đổi khí hậu; đó là những chính sách sử dụng đất đai hợp lý, các dự án tưới tiêu, cải thiện rừng ngập mặn… Vì vậy, WB và các đối tác phát triển khác đang theo dõi chặt chẽ chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ để các chiến lược đó được thực hiện. Đồng thời sẽ cùng thực hiện bằng cách nhân rộng mô hình nông nghiệp ra nhiều khu vực hơn nữa.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất