| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong ngành lâm nghiệp và chăn nuôi

Thứ Hai 09/03/2015 , 10:08 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã có chuyến làm việc với hai đơn vị khoa học lớn trực thuộc Bộ 

Cuộc họp với Viện Khoa học Lâm nghiệp (KHLN) Việt Nam và Viện Chăn nuôi nhằm kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

Chưa tương xứng

Đánh giá về kết quả công tác nghiên cứu tại Viện KHLN Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém, khi với vai trò của một viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp.

Tuy nhiên đến nay, Viện chưa có các giống cây lâm nghiệp có năng suất cao. Các giống keo, bạch đàn là đối tượng rừng SX chính có năng suất trung bình chỉ từ 20-25 m3/ha, thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất gỗ còn thấp, đó là chưa có các quy trình kỹ thuật lâm sinh phục vụ thâm canh rừng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ hiện Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng hầu hết các đối tượng cây ngoài gỗ như hồi, quế, thảo quả, sa nhân… đều chưa có nguồn giống được chọn tạo bài bản cũng như quy trình canh tác thâm, hầu hết người dân vẫn đang trồng bằng cây tái sinh khiến năng suất chất lượng thấp. Đến nay, trên 80% lượng dược liệu đông y Việt Nam vẫn đang NK từ Trung Quốc.

Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây lâm nghiệp cũng đang là vấn đề nhức nhối khi nhiều dịch hại như sâu róm hại thông nhiều năm qua liên tục bùng phát, gây thiệt hại lớn nhưng chưa có cơ chế đối phó hiệu quả.

Là đơn vị nghiên cứu đầu ngành lâm nghiệp cả nước nhưng đến nay, Viện KHLN Việt Nam chưa có đề án về chiến lược phát triển viện toàn diện trong dài hạn…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, việc thiếu trầm trọng các chuyên gia đầu ngành cũng đang là vấn đề đáng lo ngại cho ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Viện KHLN cũng đang quản lý quỹ đất tới hơn 11 nghìn ha, cần phải có phương án quản lý, sử dụng để phát huy hiệu quả.

Chỉ đạo công tác nghiên cứu của Viện KHLN Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Nội dung nghiên cứu phải thay đổi theo hướng gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ ngành lâm nghiệp có mục tiêu bảo vệ rừng, phủ xanh đồi núi trọc, mở rộng diện tích rừng… như trước đây sang ngành lâm nghiệp phát triển cao độ SX cả trên rừng trồng lẫn rừng tự nhiên.

Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ rút dần những đề tài, dự án nghiên cứu không phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Đối với quỹ đất phục vụ nghiên cứu của Viện tại các địa phương, chủ trương của Bộ NN-PTNT là sẽ giữ, nhưng phải sử dụng có hiệu quả.

Về công tác BVTV trên cây lâm nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định sẽ chỉ đạo thành lập riêng bộ phận BVTV trên cây lâm nghiệp trong hệ thống ngành BVTV trong thời gian tới.

Chuyển biến tích cực

Tại cuộc làm việc với Viện Chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao những kết quả chuyển biến công tác nghiên cứu của Viện trong thời gian qua, đặc biệt là công tác đào tạo nhân lực cán bộ nghiên cứu, tổ chức bộ máy, quy chế, nề nếp làm việc ngày càng chuyên nghiệp.

14-53-20_dscf1817
Bộ trưởng Cao Đức Phát trồng cây lưu niệm tại Viện KHLN Việt Nam

Đường lối, phương hướng hoạt động của Viện Chăn nuôi cũng đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát và đoàn công tác đánh giá cao khi thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu ngày càng gắn với thực tiễn SX, có giá trị chuyển giao rất tốt trong SX, Viện ngày càng gắn bó sâu sắc với SX thông qua các DN…

Bên cạnh đó năm 2014, Viện Chăn nuôi cũng đã song song thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, với doanh thu đạt trên 400 tỉ đồng, góp phần tái phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện. Đây là kết quả không dễ đạt được trong bối cảnh chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn rất lớn.

Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý: Sức ép của ngành chăn nuôi trước các hiệp định tự do hóa thương mại đang đến rất gần khi năm 2015, nhiều khả năng Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định tự do hóa thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước tình hình đó, giải pháp cho ngành chăn nuôi trong nước không còn cách nào khác vẫn là phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó, Viện Chăn nuôi phải là nòng cốt giúp giữ vững ngành chăn nuôi nước ta, đặc biệt phải hướng nghiên cứu để giúp đỡ bộ phận chăn nuôi nông hộ; đồng thời mở rộng nghiên cứu các vấn đề KT-XH và môi trường trong chăn nuôi.

Trước mắt, Bộ NN-PTNT đồng ý cho Viện phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu giống gà đặc thù, có tính khác biệt cho vùng gà đồi Yên Thế…

Về hoạt động của các đơn vị, trung tâm trực thuộc Viện Chăn nuôi thời gian qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý: Các đơn vị này bên cạnh việc thực hiện hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, độc lập, cần phải đặt mục tiêu đầu tiên là phục vụ cho nghiên cứu của Viện Chăn nuôi. Vì vậy không được đầu tư dàn trải, với mục đích kinh doanh thương mại, bán giống…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.