| Hotline: 0983.970.780

Thực hiện nhất quán đổi mới mô hình tăng trưởng

Thứ Sáu 21/10/2011 , 09:37 (GMT+7)

Sáng 20/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. 

Sáng 20/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2011, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng" là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới.

[Toàn văn báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội]

Khó khăn lớn hơn dự báo

Đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm nay khó khăn và thách thức đều lớn hơn dự báo. Giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia... đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Ở trong nước, chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm cũng đã làm phát sinh những hệ quả tiêu cực. Lạm phát và mặt bằng lãi suất cao, nhập siêu lớn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn. 

Tuy nhiên, cùng với việc ban hành những quyết sách kịp thời, Chính phủ cũng xác định đúng nhiệm vụ “kiềm chế lạm phát” là ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, từ tháng 5/2011, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng gần 17% (ước cả năm sẽ tăng 18%). Nhờ điều hành chính sách tài khóa thắt chặt cùng với một số giải pháp khác, bội chi ngân sách đã giảm, thu ngân sách tăng, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình và chính sách hiện có, trọng tâm là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm gắn với đào tạo nghề; trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ nhân dân tham gia hệ thống bảo hiểm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. 

“Đó là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, thể hiện bước tiến mới trong tư duy phát triển và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, bất cập. Cụ thể là kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế còn chậm. Văn hóa xã hội còn nhiều mặt bức xúc. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi...

Phân tích nguyên nhân, bên cạnh những yếu tố khách quan, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận về chủ quan "là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả tích tụ từ nhiều năm, chậm được khắc phục và do những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý nhất là quản lý kinh tế vĩ mô".

Tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra các chỉ tiêu kinh tế năm 2012 sẽ phấn đấu như kiềm chế lạm phát dưới 10% (đến năm 2015 khoảng 5- 7%); tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5- 7%; bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP và đến năm 2015, nợ công khoảng 60- 65% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%...

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng xác định cần tiếp tục tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu. Ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu.

"Ngay từ năm 2012, cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế và phân bố lại lực lượng sản xuất trên từng vùng lãnh thổ; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính"- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp như: Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, chính sách viện phí trong các cơ sở y tế công lập; khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở y tế ngoài công lập và khám chữa bệnh bằng công nghệ cao.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.