| Hotline: 0983.970.780

Thực hư việc UBND xã Minh Khai vi phạm Luật Đất đai

Thứ Ba 22/07/2014 , 09:23 (GMT+7)

Bằng việc để các hộ dân tự ý xây dựng xưởng sản xuất tại khu đất trên, UBND xã Minh Khai đã phá vỡ quy hoạch xây dựng NTM của chính mình, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo NNVN nhận được “đơn tố cáo” đề ngày 11/7/2014 của một số công dân xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có nội dung: "Lãnh đạo xã Minh Khai đã đem một số diện tích đất nông nghiệp khoảng hơn 1 mẫu Bắc bộ ở khu vực giáp với Đầm Quán đền Làng Mậu, đang cấy lúa ra chia lô, đấu thầu, cho các hộ dân làm lán, xưởng sản xuất... Vậy thực hư thế nào? 

Theo đơn tố cáo, khi đem đất lúa ra chia lô cho các hộ làm lán xưởng SX, em ruột ông Đỗ Trung Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã được 1 suất, đã bán lại. Ông Đỗ Danh Khẩn, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã được một suất, đã bán lại cho người khác lấy lãi.

Ông Nguyễn Chí Lương, Bí thư Chi bộ thôn Minh Hiệp 2 được một suất, hiện đã cho con trai làm xưởng. Việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu đất nói trên của lãnh đạo xã Minh Khai là vi phạm Luật Đất đai, không thông qua HĐND xã. Khi cử tri hỏi, lãnh đạo xã trả lời rất quanh co...

Làm việc với PV Báo NNVN về những nội dung trên, ông Đỗ Trung Hải, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Minh Khai, cho biết: Khu đất mà những công dân trên nói trong đơn nằm sát đê tả sông Đáy. Đúng là đất nông nghiệp, nhưng hoàn toàn không canh tác được vì đó là đất ao hồ, thùng, vũng rất sâu. Sâu đến mức có một anh bộ đội tên Thạch đã chết đuối ở đó nên khu hồ được nhân dân trong xã đặt tên là “hồ anh Thạch”.

Năm 2008, Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình UBND TP Hà Nội, xin cho lấy khu đất đó để làm nơi chôn lấp phế thải xây dựng, và được UBND TP phê duyệt. Việc san lấp do HTX Thành Công thực hiện. Sau khi chôn lấp xong, theo yêu cầu của UBNDTP Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức, HTX Thành Công đã trả lại mặt bằng.

Diện tích mặt bằng đó là 8.000 m2. UBND xã đã chia diện tích đó thành 20 lô (400 m2/lô) cho 20 hộ dân trong xã thuê làm nơi chứa vật liệu với giá 40 triệu đồng/lô/năm. Nhưng đến nay, đã có 7 hộ dân tự ý làm xưởng sản xuất trên đó. Khi thấy các hộ xây dựng xưởng, UBND xã đã yêu cầu dừng lại để xin phép cấp có thẩm quyền, nhưng các hộ trên không chấp hành.

Ông Hải cũng cho biết thêm, em trai ông có đơn xin thuê nhưng không được duyệt. Ông Đỗ Danh Khẩn đã nuôi cá trên khu hồ đó 20 năm. Nay ông cũng như ông Lương đều có nhu cầu thuê đất, đều có đơn và cũng được duyệt như những hộ khác, không có bất cứ sự ưu tiên nào.

Như vậy, tuy không tự ý chuyển mục đích sử dụng của khu đất trên. Nhưng bằng việc chia lô cho các hộ dân thuê, UBND xã Minh Khai đã vi phạm Khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 (UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, giao đất đối với cộng đồng dân cư).

Hơn thế nữa khi 7 hộ dân tự ý xây dựng nhà, xưởng sản xuất, UBND xã đã không kiên quyết ngăn chặn. Minh Khai là xã nghề. Nhiều nhất là những hộ dân làm nghề chế biến nông sản (làm miến, làm bánh kẹo…). Việc để các hộ dân xây dựng xưởng sản xuất tràn lan mà không có sự giám sát chặt chẽ, xử lý chất thải tốt, sẽ gây ô nhiễm môi trường không nhỏ.

Tại Quyết định số 2877/QĐ-UBND ngày 28/9/2011 của UBND huyện Hoài Đức “Về việc phê duyệt Quy hoach xây dựng Nông thôn mới của xã Minh Khai, huyện Hoài Đức đến năm 2020”, điểm d (Quy hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ), mục 6.4 quy định rõ: "Đối với công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp: Đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại 2 khu vực: Khu 1 là khu phát triển TTCN, tổng diện tích 15 ha tại các xứ đồng Cửa chùa; Giá; Đầm Lác; Vực Lấp; Bàn Đập. Khu 2 là khu trưng bày giao lưu bán sản phẩm TTCN, tổng diện tích 1,59 ha tại các xứ đồng hồ anh Thạch, ven Đầm Quán”.

Như vậy, bằng việc để các hộ dân tự ý xây dựng xưởng sản xuất tại khu đất trên, UBND xã Minh Khai đã phá vỡ quy hoạch xây dựng NTM của chính mình, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì đó là khu trưng bày, giao lưu bán sản phẩm của làng nghề chứ không phải khu sản xuất.

Đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo làm rõ những nội dung trên, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất