| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 28/08/2012 , 10:18 (GMT+7)

10:18 - 28/08/2012

Thuế "biệt thự bỏ hoang"?

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

>> Hà Nội sắp đánh thuế 10% giá trị với biệt thự bỏ hoang

Đề xuất này của Hà Nội đưa ra được xem là khá chậm trễ so với chỉ đạo của Chính phủ cách đây 2 năm khi một số phương tiện truyền thông phản ánh hàng loạt hệ lụy từ tình trạng biệt thự bỏ hoang, mà hệ lụy lớn nhất chính là lòng tin xã hội trước cảnh bất công về sở hữu nhà đất: kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra, đe dọa sự ổn định xã hội.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2012, trên địa bàn thành phố có khoảng 655 biệt thự và 574 nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Có lẽ do quá nhiều băn khoăn, cả về pháp lý lẫn nỗi e ngại đụng chạm, lần này UBND TP Hà Nội đã đưa ra hướng giải quyết bằng đề xuất những mức thuế cụ thể.

Theo dự kiến mức thuế đánh biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Đồng thời, TP còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

 Ngoài việc đánh thuế cao với mức tỷ lệ % dự kiến như trên, TP còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, mức phạt là 10- 20 triệu đồng/căn.

 Bình luận với đề xuất này có rất nhiều ý kiến, và đa số các ý kiến đều... cũ, như tiêu chí về “bỏ hoang” vẫn chưa được xác định cụ thể; biệt thự là tài sản cá nhân thì chủ nhân thoải mái định đoạt, kể cả bỏ hoang! Thậm chí có ý kiến còn viện dẫn sự khó khăn, ảm đảm thị trường nhà đất để ngăn trở...

Thực tế tình trạng bỏ hoang biệt thự quá nhiều ở Hà Nội là có thật, mỗi ngày nó càng trở nên phản cảm khi đại bộ phận dân cư Thủ đô vẫn chui rúc trong các căn hộ chật hẹp. Chính vì thế có biện pháp xử lý là một cố gắng cần ghi nhận và cách làm phải khả thi để áp dụng sớm. Vì thế, việc đề xuất ra một sắc thuế mới đánh vào tài sản (như thuế bỏ hoang) sẽ là một quy trình dài, rắc rối, mâu thuẫn với luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vừa có hiệu lực...

Trong khi đó các chế tài về vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, sử dụng nhà ở... hoàn toàn có thể vận dụng ngay để xử phạt chủ sở hữu nhằm giải quyết sớm tình trạng biệt thự bỏ hoang, nhếch nhác cho Thủ đô.