| Hotline: 0983.970.780

Thung lũng những người thọ 100 tuổi

Thứ Sáu 13/12/2013 , 09:45 (GMT+7)

Dưới chân dãy núi Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có một thung lũng khá bằng phẳng người Mông gọi là Thải Giàng Phình. Đây là nơi quần tụ của 7 thôn bản người Mông, họ sống trong những ngôi nhà bình dị, ăn cơm chan với nước rau luộc, cuộc sống khá kham khổ nhưng lại có nhiều người thọ trên 100 tuổi...

Dưới chân dãy núi Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có một thung lũng khá bằng phẳng người Mông gọi là Thải Giàng Phình, có nghĩa là tia nắng mặt trời chiếu xuống bãi đất bằng. Nơi quần tụ của 7 thôn bản người Mông, họ sống trong những ngôi nhà bình dị, ăn cơm chan với nước rau luộc, cuộc sống khá kham khổ nhưng lại có nhiều người thọ trên 100 tuổi...

Cách nay hơn hai chục năm tôi theo đoàn công tác của Ban Định canh định cư tỉnh Hoàng Liên Sơn lên Tả Giàng Phình, ngày ấy tỉnh Hoàng Liên Sơn chưa tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái như bây giờ. Gọi đúng theo tiếng địa phương là Thải Giàng Phình, nhưng do đọc chệch ra thành Tả Giàng Phình.

Cũng giống như nhiều xã khác của Sa Pa, hồi ấy không ít người ở Tả Giàng Phình còn trồng cây thuốc phiện. Ban Định canh định cư đã đầu tư các công trình thủy lợi, hỗ trợ người dân khai phá ruộng nước tạo nguồn thu nhập cho người dân để họ không phá rừng làm nương rẫy, nhất là từ bỏ việc trồng cây thuốc phiện.

Hơn hai chục năm rồi ấn tượng của tôi về Tả Giàng Phình là một thung lũng mây mù đặc quánh, từ Ô Quý Hồ nhìn xuống cứ ngỡ như đang đi vào biển mây. Gần trưa trời hửng nắng, những tia nắng mặt trời hình nan quạt chiếu rọi xuống thung lũng xé từng lớp mây mù, một thung lũng khá bằng phẳng hiện dần trong nắng.


Dãy Ngũ Chỉ Sơn nhìn từ phía Lai Châu


Dãy Ngũ Chỉ Sơn từ Tả Giàng Phình nhìn lên lẩn khuất trong mây mù

Nay trở lại Tả Giàng Phình mọi vật đều thay đổi, từ con đường, trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá... tất cả đã được xây dựng khang trang không còn xập sệ như hơn hai mươi năm trước. Nhưng, duy có một thứ đó là mây mù, dường như cả ngàn năm nay vẫn đặc quánh như thế. Dãy núi Ngũ Chỉ Sơn lúc ẩn lúc hiện, mây mù bủa vây quanh nó quanh năm suốt sáng, chỉ những ngày thật đẹp trời người ta mới nhìn thấy các đỉnh núi như bàn tay năm ngón của một người khổng lồ chĩa lên trời như thách thức với trời xanh.

Vào những ngày ấy đứng trên đỉnh dốc K30 của TP Lào Cai người ta vẫn có thể nhìn thấy núi Ngũ Chỉ Sơn xanh ngằn ngặt dù cách xa vài chục cây số. Nhưng một năm chỉ vài ngày nhìn thấy các đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh phục cả tháng trời để chụp ảnh, nhưng cũng phải chào thua. Bao phủ quanh dãy núi là những chuyện huyền bí, có một chuyện khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng xã Tả Giàng Phình hiện có gần một chục cụ thọ từ 100 - 112 tuổi, còn số cụ từ 90 tuổi trở lên thì có khoảng 30 người.

Tôi theo bà Thào Thị Vĩ, năm nay 61 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tả Giàng Phình tới nhà cụ Sùng Thị Khu ở thôn Sín Chải nằm ngay dưới chân dãy Ngũ Chỉ Sơn.


Thôn Sín Chải, nơi có cụ Sùng Thị Khu 112 tuổi, một cụ 100 và một cụ 109 tuổi

Nhà cụ Khu nằm ở giữa thôn Sín Chải, con đường vào nhà cụ đã được đổ bê tông sạch sẽ, lúc này đã hơn 9 giờ sáng nhưng nắng vẫn nhạt nhoà, mây mù vẫn chưa tan hẳn nên trời còn lạnh lắm. Thôn vắng tanh vắng ngắt, lũ chó sủa ông ổng, bà Vĩ quát “âu à” vài tiếng khiến lũ chó ngừng sủa. Chúng tôi bước vào nhà cụ Khu, căn nhà tối âm âm không nhìn thấy gì ngoài bếp lửa cháy lom đom. Phải một lúc tôi mới nhận ra dáng một cụ già nhỏ thó đang ngồi bó gối bên đống lửa. Bà Vĩ kéo ngọn đèn điện treo ở giữa nhà về phía đống lửa: Cụ Khu năm nay 112 tuổi, người già nhất xã Tả Giàng Phình đây...

Cụ Khu ngước đôi mắt mờ đục nhìn chúng tôi, bà Vĩ bảo: Mắt cụ Khu không còn nhìn rõ ai đâu, nhưng tai còn tinh, cụ nghe và phân biệt được mọi người qua giọng nói. Lúc vào đây nghe tôi quát lũ chó, cụ hỏi: Con Vĩ đó hả?


Bà Thào Thị Vĩ (trái) đang hỏi chuyện cụ Sùng Thị Khu - người già nhất Tả Giàng Phình

Tôi nhìn cụ Khu, tóc cụ bạc trắng như cước, dựng ngược lên nom rất hoang dã. Tóc cụ còn rất dày, sợi to nom rất khoẻ, không giống như những người già khác, các sợi tóc mềm như tơ chuối và rụng gần hết.

Ngồi nói chuyện với cụ Khu qua lời phiên dịch của bà Vĩ, cụ trả lời rành rọt, giọng nói khoẻ và vang. Cụ bảo bây giờ mẹ không ăn được nhiều đâu, mỗi bữa chỉ một lưng cơm thôi, hôm nào có thịt thì ăn vài miếng, nếu không chỉ chan nước rau ăn cũng được. Ăn rau quen rồi, ngày trước lấy đâu ra thịt mà ăn nhiều... Nói rồi cụ cười, hai hàm răng đã rụng hết, chỉ còn toàn lợi đỏ nhợt nhạt.

Cụ Khu lấy chồng từ năm 16 tuổi, năm 17 tuổi thì đẻ, cụ đẻ một lèo 15 đứa con, con cả của cụ là ông Thào A Di năm nay 95 tuổi, hiện vẫn còn sống ở cách nhà cụ một đoạn. Trong 15 đứa con của cụ chỉ có một đứa chết khi mới được vài tuổi còn lại 14 đứa, tất cả cụ đều lấy vợ gả chồng cho chúng. Hiện cụ đang ở với người con trai út tên là Thào A Măng, năm nay cũng đã gần 70 tuổi rồi.


Cụ Sùng Thị Khu bên người con trai cả Thào A Di năm nay 95 tuổi

Nhớ lại ngày xưa, nhà cụ lúc nào cũng inh om người, đứa lớn lấy vợ thì đứa sau ra đời, chúng cứ nối đuôi nhau chui ra một lũ lốc nhốc. Ngày trước làm gì có đủ cơm gạo nuôi chúng, chủ yếu là ăn ngô, hết ngô thì chúng tự lên rừng đào củ mài, kiếm rau rừng, đào dúi, săn bắt thú rừng, chim chóc mà ăn. Đến khi cụ gần 70 tuổi thì chúng đi lấy vợ lấy chồng ra ở riêng hết, bây giờ cụ không nhớ mình có bao nhiêu đứa cháu đứa chắt. Cụ lại cười móm mém: Nếu tập trung tất cả các con các cháu về đây phải mổ con lợn nửa tạ, chắc cũng chỉ đủ làm rau thôi.


Tác giả trò chuyện cùng cụ Sùng Thị Khu

Tôi hỏi: Cụ có uống thuốc gì mà sao đã hơn một trăm tuổi mà cụ vẫn còn khoẻ như thế này?

Cụ lắc đầu: Đã 50 năm nay rồi mẹ không uống một viên thuốc nào đâu. Mẹ mong chết lắm rồi mà trời chưa cho chết, sống thế này đủ rồi còn để cho con cháu nó sống chứ...

Tôi nhờ đứa cháu gọi người con trai cả của cụ là Thào A Di tới. Một lúc sau ông Di đến. Ông Di năm nay 95 tuổi nhưng dáng còn nhanh nhẹn lắm, tóc mới lốm đốm bạc. Cụ nắm tay người con trai cả bảo: Mẹ đẻ thằng này khi mẹ 17 tuổi, bây giờ nó đã 95 tuổi rồi sắp già bằng mẹ đấy... Câu nói hồn nhiên của cụ khiến chúng tôi đều cười. Hoá ra trong con mắt cụ, thì ông Di vẫn chỉ là đứa trẻ con.

Bà Thào Thị Vĩ chất thêm củi vào đống lửa nhẩm tính: Xã Tả Giàng Phình có gần chục cụ trên trăm tuổi, đó là cụ Vàng Thị Pàng 101 tuổi ở thôn Bản Pho, cụ Hảng Thị Say 100 tuổi ở thôn Suối Thầu 2, cụ Sùng Thị Máy 109 tuổi ở thôn Sín Chải, cụ Lý Thị Say ở thôn Suối Thầu 2 năm nay cũng 100 tuổi rồi, còn cụ Thào Thị Máy ở thôn Sín Chải đến Tết thì tròn 100 tuổi. Những người từ 90 tuổi trở lên có khoảng hơn 20 người. Các cụ dưới 100 tuổi thì đều còn khoẻ như ông Thào A Di này, hàng ngày vẫn đi lại trông cửa trông nhà, chăn dắt trâu bò, lợn gà cho con cháu, nhiều cụ rượu uống vài bát vẫn chưa say...

Nghe bà Vĩ nói tôi lắc đầu kinh hãi. Quả thật, nếu chưa đến Tả Giàng Phình, chưa được gặp những người sống trên trăm tuổi như cụ Sùng Thị Khu thì tôi chưa chắc đã tin có một thung lũng của những người thọ trên 100 tuổi. Những cụ già ấy giống như những gốc lim rừng cháy dở, cứ gân guốc thách thức với thời gian.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất