| Hotline: 0983.970.780

Thuốc sinh học Đầu Trâu trừ bọ dừa

Thứ Sáu 23/03/2018 , 07:10 (GMT+7)

Thuốc sinh học đang được khuyến cáo cho cả sản xuất nông nghiệp hữu cơ và cho cả sản xuất nông nghiệp sạch (theo GAP). Đó là yêu cầu cấp bách và đang được cả xã hội chấp nhận.

10-15-53_nh_du_tru_23-3
 

Với cây dừa, kỹ thuật trồng trọt thì đơn giản nhưng bảo vệ cây không bị sâu bệnh phá hại là việc không đơn giản. Vì lẽ cây dừa trưởng thành, trừ một số giống dừa lùn, còn phần lớn các giống dừa đang phổ biến ở nước ta có chiều cao thay đổi từ 8 -12m, cũng có giống chiều cao còn cao hơn.

Sâu phá hại lại tấn công chủ yếu ở phần ngọn như bẹ dừa, hoa dừa và cả toàn bộ lá dừa. Vì vậy, việc quản lý dịch hại đối với cây dừa rất trở ngại.

Bọ dừa phần lớn phá hại bộ lá dừa làm hư hỏng cả bộ lá, sâu vừa ăn lá vừa hút nhựa nên khi bị bọ dừa tấn công với mật độ cao thì toàn bộ lá dừa đều bị khô, trường hợp bị nặng thì cả cây cũng bị chết khô.

Đi từ xa, người ta đã có thể phát hiện ra vườn dừa đang bị bọ dừa tấn công, vì bộ lá chỉ còn lại những cuống và gân lá xơ xác, trơ trụi. Người trồng dừa lâm vào cảnh mất trắng.

Khi bị bọ dừa tấn công, đã từ lâu nông dân được khuyến cáo sử dụng các loại thuốc hóa học vừa có tác dụng tiếp xúc vừa có tác dụng nội hấp với độ độc cao để phun xịt.

Với biện pháp này, nếu phát hiện sớm và trừ sớm vẫn có thể ngăn chặn được mức độ tác hại của bọ dừa, nhưng đã để lại hậu quả là sản phẩm dừa bị ô nhiễm và người sử dụng thuốc cũng bị ngộ độc thuốc, có hại cho sức khỏe và môi trường sinh thái cũng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Để giảm thiểu hiện tượng độc hại này, từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học như dùng ong ký sinh hay bọ đuôi kìm để tấn công lên nhộng, trứng và sâu non của bọ dừa.

Biện pháp này mới dừng lại ở một số dự án. Tuy có hiệu quả tốt, nhưng tổ chức nhân nuôi thiên địch chưa được người dân chấp nhận vì cần phải có kiến thức và điều kiện mới thực hiện được.

Trong sản xuất, chưa có một đơn vị hay cá nhân nào có khả năng nhân nuôi thiên địch để sử dụng cho diện tích rộng. Vì vậy dù biết là có hiệu quả mà sản xuất vẫn phải chịu bó tay.

Còn biện pháp phòng trừ bằng thuốc sinh học thì sao? Đây là biện pháp được khuyến cáo cũng từ lâu, nhưng mức độ áp dụng cũng còn rất hạn chế, vì lẽ số lượng và chủng loại thuốc còn ít, hiệu quả phòng trừ chậm và thường thấp hơn so với sử dụng thuốc hóa học. Những lúc bị dịch tấn công mạnh thì hiệu quả dập dịch cũng chậm hơn thuốc hóa học.

Tuy nhiên, nếu biết áp dụng thuốc theo cách 4 đúng thì vẫn mang lại hiệu quả không kém thuốc hóa học.

Dưới đây xin được dẫn ra trường hợp do nhóm cán bộ của Viện Cây có dầu, đại diện là chủ nhiệm đề tài Lưu Quốc Thắng đã sử dụng 3 chế phẩm thuốc sinh học của Công ty CP Bình Điền Mê Kông để phòng trừ bọ dừa cho các tỉnh duyên hải miền Trung để bạn đọc tham khảo.

Các thuốc sinh học đó là: (i) Emamectin Benzoate (Vimatox); (ii) Oxymatrine (Vimatrine); (iii) Abamectin + Petroleum (Visober 88,3EC, Komire 24,5EC).

Ba loại thuốc này được thí nghiệm trên 2 giống dừa Xiêm và dừa ta, tại 3 xã thuộc 3 tỉnh có diện tích dừa nhiều ở miền Trung là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa từ năm 2015 đến 2017.

Kết quả cho thấy, sử dụng 3 loại thuốc có nguồn gốc sinh học nói trên ở cả 3 tỉnh đều mang lại hiệu quả trừ sâu non của bọ dừa rất rõ. Nếu lấy mốc ngày thứ 21 để tính thì sau khi phun thuốc, công thức đối chứng còn 18,1 ấu trùng, còn nếu sử dụng 3 loại thuốc nói trên phun riêng lẻ thì số ấu trùng còn lại là 2,5; 2,1 và 0,7 con, tương ứng với thuốc Vimatox, Vimatrine và Visober, tỷ lệ sâu chết chiếm 88,1%; 90,0% và 97% tương ứng.

Quan sát tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên cũng cho kết quả tương tự. Như vậy, tại cả 3 tỉnh cho thấy cả 3 loại thuốc có nguồn gốc sinh học kể trên đều có hiệu lực trừ ấu trùng của bọ dừa rất cao. Nhưng thuốc Visober có hiệu lực diệt ấu trùng có xu hướng cao hơn 2 loại Vimatox và Vimatrine.

Vậy với loại bọ dừa, loại côn trùng nguy hại nhất đối với cây dừa, ta có thể sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Vimatox, Vimatrine hay Visober pha 10 - 15 ml/bình 10 lít phun cho cây dừa để phòng trị sâu non của bọ dừa rất có hiệu quả, dễ chủ động và chi phí thấp, hiệu lực lại khá cao, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà môi trường lại sạch.

 

Xem thêm
4 Hiệp hội chăn nuôi kiến nghị bãi bỏ hàng loạt quy định gây lãng phí

4 Hội, Hiệp hội thuộc ngành chăn nuôi vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất bãi bỏ loạt quy định gây lãng phí.

Triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường

THÁI NGUYÊN Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch giai đoạn giao mùa, trong tháng 3/2024, tỉnh Thái Nguyên triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.

Nông dân ngày càng quay lưng

Mía là cây trồng chủ lực của nông dân tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích trước đây khoảng 20 nghìn ha, song đến nay chỉ còn hơn 7.000ha.