| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu làng nghề, nỗi lo còn đó

Thứ Năm 20/11/2014 , 09:48 (GMT+7)

Nhiều sản phẩm làng nghề của Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu, bị làm giả, làm nhái…

"Vay mượn" thương hiệu

Làng nghề chiếu cói Lật Dương, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có hàng trăm năm tuổi. Hiện nay ở Lật Dương có khoảng 400 hộ sản xuất nhỏ lẻ, 4 hộ kinh doanh buôn bán dịch vụ theo quy mô HTX. Sản phẩm của làng được người tiêu dùng ở khắp nơi ưa chuộng vì những ưu điểm vượt trội: Mịn, mềm, bền, đẹp.

Thế nhưng, tại thị trường Hải Phòng cũng như các địa phương khác, từ các xe bán hàng rong đến các sạp hàng, chiếu cói Lật Dương đều được giới thiệu là “chiếu đậu Thái Bình” cho có thương hiệu, dễ bán.

Rơi vào tình cảnh tương tự như chiếu cói Lật Dương, sản phẩm nấm của huyện Tiên Lãng cũng phải “đi mượn” thương hiệu, mặc dù nấm Tiên Lãng không hề thua kém về chất lượng, chủng loại, mẫu mã.

Hiện bà con nhiều xã trong huyện trồng nhiều loại nấm: Nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, chân dài, mộc nhĩ. Đầu tư ít, công nghệ không quá phức tạp, trong khi nhu cầu tiêu thụ nấm của thị trường lại khá lớn và ổn định là những yếu tố giúp cho nghề trồng nấm phát triển và đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Nhiều xã đạt lợi nhuận từ trồng nấm lên tới vài tỷ đồng mỗi năm. Thị trường nấm Tiên Lãng không chỉ ở Hải Phòng mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành bạn. Thế nhưng, nấm Tiên Lãng nhiều khi phải “mượn áo”, tức mượn bao bì, nhãn mác nấm của địa phương khác.

Ông Đặng Văn Vinh – chủ cơ sở sản xuất nấm Anh Vinh, xã Bắc Phong, huyện Tiên Lãng cho biết, cơ sở của ông sản xuất nấm từ nhiều năm nay, cung cấp cho thị trường 60 - 70 tấn/năm, với chất lượng đảm bảo, uy tín cao.

Tuy nhiên, thương hiệu nấm Anh Vinh mới dừng lại ở mức độ “truyền miệng” chứ chưa được đăng ký chính thức với cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vào thời điểm có thông tin nấm Trung Quốc len lỏi vào thị trường Việt Nam, người tiêu dùng quay lưng lại với tất cả sản phẩm nấm không có nhãn mác đầy đủ.

Trước tình thế đó, vì chưa đăng ký thương hiệu nên nấm Anh Vinh phải mua túi nilon có dán nhãn “nấm Hải Dương” để khắc phục khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Không phải đi “vay mượn” thương hiệu như chiếu cói Lật Dương hay nấm Tiên Lãng, làng nghề cá giống ở Hội Am (xã Cao Minh, Vĩnh Bảo) với lịch sử hàng trăm năm lại rơi vào hoàn cảnh ngược lại: Bị “đánh cắp” thương hiệu.

Nghề nuôi cá giống đã mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ sản xuất kinh doanh ở xã Cao Minh. Để sống được với nghề này không hề đơn giản, vì đây là nghề không chỉ đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ mà còn cả kinh nghiệm và kỹ thuật cao.

Vì thế, nuôi cá giống giỏi và có uy tín không phải ai cũng làm được. Nhưng khi làm được rồi, họ lại không biết phải làm sao để bảo vệ thương hiệu do chính mình khổ công gây dựng nên.

Chuyện của gia đình anh Phạm Văn Khởi là một ví dụ. Cơ sở sản xuất cá giống Khởi Huê của anh vốn có tiếng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, khách hàng đến mua từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau. Người này giới thiệu cho người nọ và họ truyền tay nhau card visit của gia đình anh.

Một ngày tình cờ, anh phát hiện ra rằng, tất cả nội dung trên tấm card đều đúng là của nhà anh, nhưng riêng số điện thoại lại là của một người khác. Như thế, tiếng là lấy hàng của anh nhưng người khác lại được hưởng lợi.

Đáng lo ngại hơn, chất lượng sản phẩm do họ cung cấp lại kém xa, gây cho anh ít nhiều tổn hại về uy tín. Bức xúc nhưng anh Khởi chẳng biết phải kiện ai, kiện như thế nào vì đơn giản là thương hiệu của anh chưa được đăng ký bảo hộ!

Lo giữ thương hiệu làng nghề

Để phát triển bền vững, các làng nghề cần xúc tiến đăng ký thương hiệu sản phẩm để được bảo hộ độc quyền. Hải Phòng đang tích cực tư vấn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN).
Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2014 sẽ có thêm 18 làng nghề được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Hiện nay thành phố Hải Phòng có hơn 30 làng nghề kèm theo một số lượng lớn hơn thế là các sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu là nước mắm Cát Hải, đồ gỗ Kha Lâm, thuỷ sản Lập Lễ và một sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuốc lào Tiên Lãng.

Những sản phẩm khác dù rất có chất lượng và thậm chí đã có tiếng nhưng còn chưa được chính thức công nhận và có biện pháp bảo hộ thương hiệu. Một trong những nguyên nhân của khó khăn trên là sản xuất tại các làng nghề hiện còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mạnh ai nấy làm nên để xây dựng thương hiệu chung không phải là chuyện một sớm một chiều.

Việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại phải mất nhiều chi phí, vì vậy các làng nghề chưa thực sự mặn mà cho việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Mặt khác, nhiều làng nghề có tâm lý không cần quảng bá thương hiệu bởi làng đã có lịch sử hàng trăm năm, đã được nhiều người biết đến “tiếng thơm”. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày nay, cách tư duy này đã trở nên lỗi thời khi sản phẩm của nhiều làng nghề bị làm nhái, làm giả mà không biết kiện ai.

Bên cạnh đó, vì chưa có thương hiệu mà việc XK hàng hóa vẫn phải qua trung gian, vừa ít lợi nhuận, vừa không tránh khỏi tình trạng bị động trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bị đối tác ép giá khiến hiệu quả sản xuất không cao.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Xử phạt 8 tàu thuyền vi phạm lĩnh vực thủy sản hơn 340 triệu đồng

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ, xử lý 6 vụ với 8 phương tiện tàu thuyền, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính số tiền hơn 340 triệu đồng.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất