| Hotline: 0983.970.780

Thưởng phạt con trẻ phải có nguyên tắc

Thứ Bảy 10/06/2017 , 14:40 (GMT+7)

Phải chờ mẹ gọi đến lần thứ ba mà vẫn chưa chịu vô nhà, chị Trúc bực mình quát con trai: “Trời nắng thế này mà cứ ngồi chơi. Vào nhà ngay cho mẹ”.

Đứa con ham chơi quên cả ngủ trưa của chị Trúc vẫn cố cãi bướng: “Con mới ra ngoài chơi một chút mà mẹ đã kêu về. Con không chịu đâu”. Bực mình, chị cầm cây roi dọa dẫm con nhưng chỉ vô hiệu.

Trẻ con rất khó tránh phạm lỗi, nhất là ở khoảng hai tuổi, là thời kỳ chống đối đầu tiên trong quá trình trẻ trưởng thành. Vậy nên, các bậc phụ huynh cần biết cách thưởng, phạt hợp lý, có nguyên tắc, để tránh làm tổn thương lòng tự tôn non nớt của trẻ, giúp trẻ biết vâng lời và phát triển tốt.

Khi giáo dục con, nếu cha mẹ có những nguyên tắc riêng và luôn kiên trì thực hiện thì trẻ sẽ biết được cơ sở của người lớn ở một vài phương diện nằm ở đâu, cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Như vậy, trẻ sẽ tuân theo những nguyên tắc của cha mẹ mà thể hiện sự ngoan ngoãn, và việc giáo dục của bạn sẽ thành công được phân nửa.

Ảnh mang tính minh họa

Chẳng hạn, nếu không muốn cho trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn, nhưng trẻ vẫn cương quyết đòi ăn cho bằng được, hãy biểu hiện rõ thái độ của bạn: “Ba/mẹ không cho con ăn đồ ngọt trước bữa ăn, vì nó sẽ làm hại răng và sau khi con ăn, chắc chắn sẽ không muốn ăn cơm nữa”. Nếu trẻ không chịu chải răng, thay dọa nạt hay thúc ép, chỉ cần đưa ra lời nhắc nhở: “Nếu con không chải răng, ngày mai sẽ không được ăn sáng. Vì sau khi ăn mà không chải răng thì răng con sẽ bị sâu đấy”. Như thế, trước khi trẻ phạm lỗi hay không nghe lời, bạn đã đưa ra lời nhắc nhở khẳng định sự trừng phát, nên tự nhiên trẻ sẽ biết nghe lời hơn.

Theo những nghiên cứu gần đây thì, để bảo vệ lòng tự tôn ở trẻ, cha mẹ không thể chọn cách đánh mắng trừng phạt, mà hãy thử vài động tác nhỏ giúp trẻ nhận ra sai lầm của chúng. Nếu trẻ làm sai nhưng nhất quyết không chịu thừa nhận, thậm chí còn la hét giận dỗi và cho rằng mình không làm sai, bạn đừng nên đỏ mặt tía tai với trẻ mà hãy dùng cách xử lý “lạnh” nhằm tránh mâu thuẫn gay gắt giữa đôi bên.

Để trẻ ở một mình trong phòng sẽ khiến trẻ có được một môi trường dịu đi, tự nhận thức lỗi lầm của mình và điều chỉnh lại tâm trạng. Đợi trẻ bình tâm, bạn có thể nhẫn nại, khách quan phân tích vấn đề với trẻ, tìm hiểu xem tại sao trẻ làm vậy, chỉ ra hành vi không đúng cho trẻ thấy và dạy bảo trẻ lần sau nếu gặp trường hợp như vậy nữa thì nên làm thế nào. Thái độ rộng lượng, cởi mở của cha mẹ có thể khiến trẻ bày tỏ những cảm nhận trong lòng. Trẻ cảm thấy bạn chịu lắng nghe, tôn trọng mình thì mới có thể nghe theo sự giáo dục của bạn.

Bất cứ chuyện gì, bạn cần đưa ra nguyên tắc nhất định trước khi trẻ làm sai, nghiêm khắc tuân thủ nó. Như thế, sẽ giúp trẻ ý thức được uy nghiêm nói “một là một” của cha mẹ. Chẳng hạn, mỗi buổi trưa trẻ đều được ăn bánh. Nhưng nếu trẻ phạm lỗi, sau khi đã nhắc nhở, bạn có thể thay đổi thời gian đã định, có thể phạt trẻ trưa hôm đó không được ăn bánh, để trẻ mất đi một đãi ngộ có nguyên tắc.

Tuy nhiên, những hành vi thưởng phạt này phải có nguyên tắc và công bằng. Ngoài ra, trẻ nhỏ bẩm sinh vốn thích chơi đùa, nên việc giảm bớt thời gian chơi là một trừng phạt rất nghiêm khắc. Chẳng hạn, nếu trẻ mải chơi mà không chịu lên giường ngủ, bạn có thể nói: “Con đã thỏa thuận với mẹ rồi. Nếu chín giờ mà không đi ngủ thì ngày mai chỉ được chơi một giờ đồng hồ thôi nhé”.

Ngoài cách này ra, bạn còn có thể bắt trẻ làm một số việc vận động tay chân (dưới sự giám sát an toàn của người lớn), như thu dọn phòng, rửa chén...Với những trẻ không thích làm việc nhà thì cách này chắc chắn có tác dụng răn đe để không dám tái phạm lần nữa. Nếu trẻ ngoan cố không nghe lời và tái phạm, hãy thử cho trẻ gánh vác hết kết quả mang tính trách nhiệm. Chẳng hạn, khi trẻ luôn làm hỏng món đồ chơi, bạn có thể tịch thu đồ chơi lại và phạt trẻ trong ba ngày không được chơi. Khi nhận thức được sai lầm của mình thì sự trừng phạt mới có hiệu quả được, nếu không trẻ sẽ chắc chắn không tâm phục khẩu phục.

Bên cạnh đó, đối với những yêu cầu không hợp lý của trẻ mà thái độ của người lớn quá mạnh, quá cứng rắn, có thể khiến trẻ có cảm giác thua thiệt, sinh ra tâm lý kháng cự mạnh hơn. Từ đó, trẻ không những không nghe lời mà còn làm đủ điều để bắt bạn phải làm theo yêu cầu của chúng. Vì vậy, trước hết, bạn hãy giữ thái độ điềm tĩnh, khống chế tâm trạng của mình, rồi dùng cách mà trẻ dễ tiếp nhận nhất để giảng dạy điều hay lẽ phải.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?