| Hotline: 0983.970.780

Thương quá những cây lúa quê tôi!

Thứ Ba 17/10/2017 , 14:05 (GMT+7)

Ngày đi học, vẫn nghe câu ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.

lu150905455
Thu hoạch lúa mùa lụt

Lớn lên mới hiểu, thuở hồng hoang cây mạ cắm bùn, người nông dân Việt phải nương nhờ trời đất. Nhưng ngay cả khi trời yên biển lặng, đâu có yên tấm lòng? Vì trồng lúa mà ngóng lên trời xem thời tiết mới sinh ra từ chiêm (ngóng lên trời), rồi sinh ra vụ chiêm.

Nhiều người bây giờ không hiểu vì sao lại gọi là vụ chiêm. Đại để, lúa vụ chiêm cấy sau Tết âm lịch, đến tháng 5, tháng 6 thì gặt. Cấy lúa vụ chiêm rất vất vả bởi thời tiết thường khô, lạnh, vừa lo hạn, thiếu nước, vừa lo lúa gặp đợt rét đậm, rét hại là… mất mùa. Thế nên người xưa mới có câu: “Đói thì ăn ráy ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng”. Thế nên, vụ chiêm phải ngóng lên trời nhiều hơn là vậy. Và thế nên, từ “chiêm” hay đi với từ “trũng” thành từ “chiêm trũng” để nhắc người nông dân cấy lúa vụ chiêm tìm chỗ trũng mà cấy nếu không muốn bị hạn.

Vụ chiêm năm nay quê tôi được mùa, thóc đầy đường, đầy sân nhà văn hóa rồi cả sân hợp tác ngày trước. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Sang vụ mùa, người quê tôi vất vả trăm phần. Những trận mưa tháng Bảy, mạ non chưa kịp bén rễ đã trôi nổi đầy đồng. Rồi mưa ròng mưa rã, vắt qua cả mùa thu. Cây lúa gồng mình ngoi lên như người dân gồng mình đi qua khổ cực để thấy ngày bông lúa uốn câu. Vậy mà, những trận mưa tháng Mười khiến những hạt thóc chưa kịp mảy đã lại ngâm mình trong nước. Mùa vàng thành mùa trắng.

Chiều qua, nhìn cô hàng xóm đi gặt, đăng mấy tấm ảnh ngâm mình trong nước cắt từng bông lúa cho vào chậu trên facebook, tôi lại nhớ tới những thước phim "Cánh đồng ma” huyền thoại nói về Đồng Tháp Mười, nơi cây lúa sống chung với lũ, tôi nhớ cả phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh có câu đề tựa: "Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão”.

Bây giờ đang là tháng Mười. Trên Đồng Trước, Đồng Sau, Đồng Nát, Đồng Nều, trên cánh Bờ Sớp, Đồng Kênh, Đồng Quái, Đồng Rè, Đồng Chục, cả những cánh Sau Lò, Rược Mạ, Phần Trăm… có nhiều người nông dân quê tôi đang ngâm mình trong nước, nâng niu từng bông lúa trời đày?

Nhắc tới Đồng Quái tôi chợt nhớ nhà tôi có ruộng sào hai ở đây. Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu, vì sao một số hộ xóm tôi khi chia ruộng lại có phần ruộng mãi ở khu Đồng Quái rất xa, suốt vụ chiêm phải vục mẻ miệng gầu để tát nước.

Oái oăm thay, cách Đồng Quái chỉ 2 cái máng (mương) là Đồng Mộng. Cánh đồng khổ cực đúng nghĩa. Nó ngập úng cả vụ chiêm lẫn vụ mùa. Có thể vì nó nằm gần làng Mộng mà có tên là Đồng Mộng. Nhưng cũng có thể vì ngập úng, thóc mọc mộng mà thành tên Đồng Mộng!?

Thương quá cây lúa quê tôi, thương mẹ, thương cha, thương bao lớp người như cánh cò cánh vạc đi đón cơn mưa suốt từ buổi chập choạng của thời trung đại thăm thẳm hàng nghìn năm, mặc cho tối tăm mù mịt, mặc cho không ai đưa cò về...

Hôm nay, tôi và bao người quê tôi vì những cuộc mưu sinh, đi đón cơn mưa xứ người. Có người trời Nam, trời Bắc, trời Trung, có người trời Đài, trời Nhật, trời Hàn, lại có người ở trời Âu, trời Mỹ… nhưng đã khi nào bỗng ngừng lại nghĩ về những cơn mưa quê mình, cây lúa quê mình để thấy mưa buồn trong mắt mẹ, mắt em?

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nam Định,  trong đợt mưa vừa qua, tỉnh có gần 40.000ha lúa mùa bị ngập sâu ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có gần 10.400 ha ngập phất phơ; trên 8.800 ha lúa bị ngã đổ chìm trong nước. Các huyện có diện tích lúa bị ngập lớn gồm Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Mỹ Lộc…

 

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.