| Hotline: 0983.970.780

Thuỷ điện Bá Thước 2: Ai đứng đằng sau những kẻ mua, bán đất?

Thứ Sáu 16/07/2010 , 10:52 (GMT+7)

Gần 1 năm qua, đồng bào Mường ở xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) đã bán đi hàng chục ha đất canh tác cho những người lạ mặt...

Ông Nguyễn Văn Miệng- trưởng thôn Măng - cùng bà con trình bày sự việc với PV

Gần 1 năm qua, đồng bào Mường ở xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) đã bán đi hàng chục ha đất canh tác cho những người lạ mặt. Việc đó xảy ra suốt thời gian dài mà cấp uỷ, chính quyền địa phương vẫn thờ ơ.

Những cái tên Trương Thị Liên, Trương Văn Hùng, Bùi Văn Hợi và Cao Văn An liên tục được người dân nhắc đến trong cuộc tiếp xúc với báo chí ngày 7/7 vừa qua. Đồng bào nơi đây cho biết, cuối năm 2009, Dự án NM thuỷ điện Bá Thước 2 được xây dựng tại xã Điền Lư và Lương Ngoại. Do nắm được diện tích đất sẽ bị GPMB để xây dựng công trình thuỷ điện nên có không ít đối tượng đã tìm cách trục lợi.

Phần lớn diện tích các gia đình đang canh tác hiện nay đều là đất khai hoang do chính mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ người dân nơi đây tạo ra. Ở nơi xa xôi hẻo lánh này, công việc của đồng bào không có gì hơn ngoài việc chăm sóc mấy đám đất do cha ông để lại trồng bắp, làm lúa rẫy. Từ những quả đồi, ven bãi sông Mã hoang vu giờ đây khu vực đó bạt ngàn ngô, khoai, sắn, lúa, luồng…xanh tốt của đồng bào. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích này bao đời nay không hề xảy ra tranh chấp, lấn chiếm và cũng không được cấp giấy CNQSDĐ mặc dầu đất đủ điều kiện để được cấp bìa đỏ.

Năm 2002, xã Lương Ngoại tiến hành ra soát đất tự nhiên và đưa toàn bộ số diện tích đất khai hoang của dân vào danh mục đất công ích 5% của xã. Cũng từ đó, hàng năm hộ dân phải đóng phí đất 5% cho UBND xã. Khi NM thuỷ điện Bá Thước 2 thi công, phần lớn đất canh tác của đồng bào nằm trong diện giải toả cho nên chính quyền xã Lương Ngoại thông báo là diện tích không nằm trong bìa đỏ (đất công ích 5% của xã) sẽ bị Nhà nước thu hồi mà không có sự đền bù nào về giá đất, chỉ có bồi thường hoa màu và tài sản trên đất mà thôi.

Sau cuộc họp, xuất hiện nhiều kẻ lạ mặt và quen mặt trong làng đến gạ gẫm đặt vấn đề với hộ dân mua toàn bộ số diện tích đất canh tác với giá cao hơn so với mức bồi thường của Nhà nước. Thời gian này, việc mua bán đất diễn ra ở xã Lương Ngoại một cách công khai, rầm rộ như hội. Nhà nhiều thì 3- 4 mẫu đất, nhà ít thì 5- 6 sào cứ thế là viết một giấy trao tay cho người mua rồi người bán nhận tiền triệu bỏ túi mà không có sự xác nhận nào của chính quyền.

Chị Nguyễn Thị Định ở thôn Măng xã Lương Ngoại nói: “Biết nhà tôi có nhiều đất nên anh Bùi Văn Hợi và Trương Văn Hùng người cùng thôn đã nhiều lần đến vận động bán đất. Anh Hợi còn bảo “bán đất để có số tiền lớn chứ nhà nước thu hồi là mất trắng đấy, vài đồng hỗ trợ cây ngô, cây luồng thì được ăn thua gì”. Chị Định chưa dứt lời thì có một người ngồi bên cạnh nói chen vào: Lời của bọn chúng chẳng khác nào ý kiến ông Khâm- Chủ tịch UBND xã (hiện nay ông Khâm là Bí thư Đảng uỷ xã). Ông Khâm bảo gì hả chị?- tôi hỏi. Người này trả lời: “Ông Khâm nói đất 5% không được đền bù, nếu có ai mua được giá cao thì bán đi chứ đừng trông chờ vào mấy đồng bồi thường hoa màu”. Không lẽ chính quyền xã khuyến khích việc này?

+ Nếu vụ việc này không được chặn đứng mà UBND huyện Bá Thước nóng vội trong việc cấp sổ đỏ cho những đối tượng cò đất (thiếu kiểm tra) thì Nhà nước và NM thuỷ điện sẽ mất một số tiền rất lớn cho việc đền bù.

+ Chỉ mới kiểm tra sơ bộ ở thôn Măng nhưng đã có 18 hộ dân bán đất cho các đối tượng trên với gần chục ha. Số tiền mà các đối tượng đã trao cho 18 hộ dân là 581 triệu đồng.

Trở lại câu chuyện của mình, chị Định kể tiếp: “Rồi đến một ngày, anh Bùi Văn Hợi điện thoại cho chồng tôi và bảo hai vợ chồng ra bến phà Kẹm để bàn việc. Tại bến phà hôm đó có bà Trương Thị Liên- phụ trách bến phà Kẹm và ông Trương Văn Hùng. Tại đây Bùi Văn Hợi nói “người ta bán hết rồi, lấy hàng trăm triệu về mua sắm, xây nhà, anh chị không bán đi là phí”. Thế rồi bà Liên trao một mảnh giấy có các mục ghi sẵn. Chồng tôi chỉ việc điền số diện tích, vị trí đất và số tiền vào giấy. Chúng tôi cùng ký vào mẫu giấy ấy. Bà Liên trao cho tôi đủ 180 triệu đồng và bà cất đi mảnh giấy đó. Chúng tôi không được giữ bất kỳ loại giấy tờ nào”.

Vợ chồng chị Định bán 26 sào đất để lấy 180 triệu đồng. Còn bà Trương Thị Dự cũng ở làng Măng bán 20 sào đất cho bà Liên với giá 126 triệu đồng. Bà Dự nói: “Dân làng tôi cả đời mơ cũng không bao giờ thấy số tiền nhiều như thế cho nên khi nghe nhà nước thu hồi đất làm thuỷ điện mà không có đền bù nên dân tình cũng hoang mang lo sợ, liền bán đất. Bây giờ nghe người ta nói, đất ấy đủ điều kiện được cấp bìa đỏ hay áp giá đền bù như đất đã có bìa đỏ vì lịch sử của đất nên chúng tôi thấy bất bình, mình như đang bị lừa”.

Ông Nguyễn Văn Miệng- trưởng thôn Măng cho biết: “Khi biết sự việc này, chính tôi và Bí thư Chi bộ đã trực tiếp báo cáo với Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại. Lãnh đạo xã nói là sẽ cho kiểm tra song đến nay vụ việc đã đến hồi chuông báo động rồi nhưng vẫn chưa thấy xử lý”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất