| Hotline: 0983.970.780

Thuỷ lợi đồng bằng ứng phó nước biển dâng

Thứ Tư 21/12/2011 , 10:17 (GMT+7)

Quá trình chinh phục, khai phá vùng ĐBSCL gắn liền với việc trị thủy của bao thế hệ tiền nhân mở đất phương Nam...

Cống cửa sông Nàng Âm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ứng phó triều cường, ngăn mặn

Quá trình chinh phục, khai phá vùng ĐBSCL gắn liền với việc trị thủy của bao thế hệ tiền nhân mở đất phương Nam. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu- nước biển dâng đã và đang tác động đến miền đồng bằng rộng 3,96 triệu hecta này và dự báo còn ảnh hưởng nặng nề hơn trong những thập niên tới.

Tôn cao đê bao, bờ bao chống lũ

Chuyện xây dựng đê bao chống lũ ở đồng bằng cứ như truyền thuyết “Sơn tinh, Thủy tinh”, khi lũ, triều cường càng cao dần, đê bao bờ bao càng tôn cao thêm. Đê bao, bờ bao ĐBSCL được hình thành một cách hệ thống sau khi thực hiện Quyết định số 99/TTg- ngày 9/2/1996 của Chính phủ về việc “phát triển thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL”.

Sau hơn một thập niên với nhiều tranh luận về tính hiệu quả, đến nay nhân dân trong vùng đã nhanh chóng khoanh vùng đắp bờ bao tới 95% diện tích với trên 13.000 km đê bao, bờ bao, vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000km bờ bao ven các kênh, rạch nội đồng ngăn lũ, triều cường.

Sau năm 1996, lũ vùng đầu nguồn ĐBSCL càng có khuynh hướng đỉnh lũ xuất hiện sớm, cường suất lũ gia tăng và thời gian duy trì lũ ngắn. Ba năm liền 2000- 2002, ở ĐBSCL đều bị lũ lớn (đỉnh lũ năm lớn hơn 4,5 m), đỉnh lũ “lịch sử” tại Tân Châu (đầu nguồn sông Tiền) đạt 5,06m (năm 2000), tại Châu Đốc (đầu nguồn sông Hậu) đạt 4,9m (năm 2000), vùng hạ nguồn tại Cần Thơ đạt 1,95m (năm 2002), tại Mỹ Thuận đạt 1,91m (năm 2002).

Từ đó, các công trình thủy lợi, đê bao được khuyến cáo thiết kế dựa vào chuẩn đỉnh lũ “lịch sử” năm 2000. Tại Vĩnh Long, bờ bao được thiết kế cao từ +2m đến +2,2m. Rồi những năm sau năm đó, lũ ở đồng bằng đều là "lũ đẹp, lũ xinh”, nhưng vùng hạ nguồn bị ảnh hưởng của triều cường và nước biển dâng, mực nước sông rạch mỗi năm mỗi đạt mức “kỷ lục mới”. Hai năm liên tiếp, mực nước cao nhất tại Cần Thơ luôn bằng và vượt 2m (2,02m vào năm 2007).

Lũ lớn năm 2011 với đỉnh Tân Châu lên mức 4,87m, cao thứ 7 trong chuỗi đo đạc 85 năm là một thử thách với ĐBSCL nói chung và hệ thống đê bao, bờ bao nói riêng. Sau lũ lớn, nhân dân và chính quyền đồng bằng mới thấy rằng hệ thống đê bao, bờ bao hiện tại phải cần được tôn cao, qui mô hơn nữa mới chống được lũ lớn.

 Ông Huỳnh Tấn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Tỉnh Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, phần lớn bờ bao chỉ ngăn được mức báo động III, trong đợt lũ lớn kết hợp với kỳ triều cường cuối tháng 9, cuối tháng 10 năm 2011, mực nước sông, rạch trong tỉnh đạt mức kỷ lục mới: 2,03 m tại Mỹ Thuận và 2,15m tại Cần Thơ, hầu như toàn bộ bờ bao được xây dựng cách đây 2-3 năm có cao trình từ +1,8m đến +2,0m đều bị tràn, trong đó trên 90% tuyến đường đan”.

Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, chống lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng phải xét trên phạm vi rộng lớn hơn, phạm vi toàn đồng bằng, kết nối khu vực, liên tỉnh, không thể bằng hệ thống đê bao, cống quanh các tiểu vùng nhỏ lẻ, cục bộ riêng biệt từng địa phương như trước đây mà được tính bằng giải pháp công trình qui mô hơn, ngăn các cửa sông giáp biển.

Xây cống cửa sông chống nước biển dâng

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho hay, trong dự án Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu-nước biển dâng (giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050) với tổng mức đầu tư trên 520.000 tỉ đồng sắp báo cáo Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt, Viện đã đề xuất phương án chặn các cửa sông nối với biển bằng các cống cửa sông qui mô lớn như cống Ba Lai tại cửa sông Ba Lai.

Ngoài ra, quy hoạch còn dự tính nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đê bao bảo vệ cho 107 thành phố, thị xã và thị trấn bị ảnh hưởng của ngập lũ; nâng cấp 14 tuyến Quốc lộ do bị ngập hoặc không đạt cao trình thiết kế chống lũ- nước biển dâng; nạo vét và mở rộng 4.430 km kênh trục, kênh cấp 1 trên tất cả các vùng...

Chẳng hạn như vùng tả sông Tiền sẽ quy hoạch xây dựng cống cửa sông Vàm Cỏ; vùng giữa sông Tiền sông Hậu sẽ quy hoạch xây dựng cống cửa sông Hàm Luông, cống cửa sông Cổ Chiên và cống cửa sông Cung Hầu… Theo ông Anh, quy hoạch xây dựng cống cửa sông Hàm Luông, cống cửa sông Cổ Chiên và cống cửa sông Cung Hầu để ngăn triều cường, mặn xâm nhập trong mùa khô đồng thời tận dụng ba nhánh để vừa làm hồ trữ nước từ thượng nguồn về vừa nâng cao đầu tưới trên dòng chính cấp nước tưới cho hai vùng tả hữu của sông Tiền, sông Hậu thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Vì thế, nguồn nước ngọt có xu thế chuyển nhiều hơn sang hai phía Bắc và Nam của ĐBSCL. Các cống cửa sông được thiết kế bằng hoặc gần bằng độ rộng cửa sông hiện tại nhưng đảm bảo khẩu diện thoát lũ thiết kế và có thể tăng thêm do biến đổi khí hậu. Các cửa sông này không nằm trong tuyến giao thông thủy theo quy định của Ủy ban sông Mê-Kông và không phải là tuyến chính của đồng bằng sông Cửu Long nên việc vận hành không ảnh hưởng đến giao thông thủy.

Hiện tại, việc ngăn mặn, ngăn triều ở trong vùng đều phụ thuộc vào hệ thống cống cấp I, cấp II ở các đầu cửa sông chi lưu nối với sông Tiền sông Hậu, ranh giới mặn 4g/l lên đến đâu thì đóng cống đến đó. Khi có các cống cửa sông thì mùa khô đóng lại để trữ nước ngọt, và chỉ mở khi có yêu cầu xả ô nhiễm và mở hoàn toàn trong mùa lũ.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.