| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Việt Nam sẽ là các công trình bền vững, đa mục tiêu

Thứ Sáu 27/08/2010 , 11:09 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành thủy lợi (28/8), NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam...

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành thủy lợi (28/8), NNVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam về thành tựu cũng như những định hướng chiến lược của ngành trước nguy cơ biến đổi khí hậu. 

Chặng đường 65 năm phát triển của ngành Thủy lợi Việt Nam, không thể không nói đến tính kế thừa và phát huy truyền thống làm thủy lợi của ông cha để lại. 65 năm qua, đặc biệt sau ngày thống nhất đất nước, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ngành đã đầu tư xây dựng được một hệ thống công trình đồ sộ: 75 hệ thống thủy lợi lớn, 1.967 hồ chứa, hơn 5.000 cống tưới tiêu lớn, trên 10.000 trạm bơm lớn và vừa, hàng vạn công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Đã xây dựng trên 8.700 km đê sông, đê biển. Làm 23.000 km bờ bao và hàng ngàn cống dưới đê, hàng trăm km kè. Các hồ chứa lớn thuộc hệ thống sông Hồng có khả năng cắt lũ 7 tỷ m3, nâng mức chống lũ cho hệ thống đê với con lũ 500 năm xuất hiện một lần.

Tổng năng lực của các hệ thống đã bảo đảm tưới trực tiếp cho 3,45 triệu ha, tạo nguồn cho 1,13 triệu ha, tiêu 1,4 triệu ha, ngăn mặn 0,87 triệu ha và cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha; cấp và tạo nguồn cấp nước 5- 6 tỷ m3/năm cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ; Cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 70- 75% số dân.  

Hệ thống công trình đồ sộ và dày đặc này đã góp phần hoạch định nên diện mạo gì cho nông nghiệp nước ta?

Các công trình này đã cải tạo đất chua, phèn, mặn, cải tạo môi trường nước như vùng Bắc Nam Hà, Nam Yên Dũng, Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Cũng nhờ có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh đã hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi như lúa, ngô ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, cao su và cà phê ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, chè ở Trung du và miền núi phía Bắc, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước mặn. 

Các công trình thủy lợi được đánh giá có tính bền vững và hiệu quả cao. Xin Thứ trưởng cho biết tính bền vững bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Có chủ trương rồi phải có con người thực hiện. 65 năm qua ngành Thủy lợi đã đào tạo được gần trăm nghìn cán bộ làm công tác thuỷ lợi, là nguồn nhân lực đảm đương được nhiệm vụ phát triển ngành. Công tác khảo sát thiết kế và giám sát thi công được các đơn vị thực hiện nghiêm túc theo quy định đầu tư và XDCB. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá quá nhanh đã khiến nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi không đáp ứng kịp nhu cầu, cả về quy mô  và công nghệ. Vì vậy thời gian tới cần nâng cấp cũng như xây dựng mới nhiều công trình hơn nữa. 

Một thách thức mới là tình trạng biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.  Vậy theo Thứ trưởng các giải pháp phát triển thuỷ lợi trong điều kiện mới này là gì?

Chưa nói đến biến đổi khí hậu thì ngành Thủy lợi hiện nay cũng chưa đáp ứng kịp yêu cầu  cấp nước và tiêu nước của các đô thị lớn. Hệ thống đê biển, đê sông và các cống dưới đê vẫn còn bất cập. Hiện tượng bồi lấp, xói lở các cửa sông miền Trung diễn ra phổ biến và chưa được khắc phục. Nước thải không được xử lý hoặc xử lý không triệt để đổ vào kênh gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi...

 Đứng trước tình trạng biến đổi khí hậu, ngành Thủy lợi nước ta sẽ phải chống đỡ với sự thay đổi nguồn nước trên hệ thống sông suối, khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều khắc nghiệt hơn. Dự báo sẽ có khoảng 8,4 triệu người Việt Nam thiếu nước ngọt sau 40 năm nữa. Nếu mực nước biển dâng, hầu hết các thành phố ven biển  sẽ bị ngập triều, đặc biệt là các ấp, xã ở ĐBSCL. Các công trình thuỷ lợi sẽ hoạt động trong điều kiện khác với thiết kế ban đầu, làm cho năng lực phục vụ công trình giảm. Hệ thống đê biển hiện tại có nguy cơ tràn và vỡ đê ngay cả khi không có các trận bão lớn. 

Khi đó hệ thống các công trình sẽ phải thích ứng thế nào?

 Mục tiêu của ngành Thủy lợi vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hệ thống đê điều ở đồng bằng Bắc bộ, còn Trung bộ tìm phương án né lũ, đồng bằng sông Cửu Long xác định chung sống với lũ. Bên cạnh các giải pháp trên, ngành Thủy lợi đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn theo các công nghệ mới theo hướng bền vững và đa mục tiêu. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tất cả các giải pháp trên muốn thực thi có hiệu quả, không thể thiếu sự chỉ đạo đầu tư của Nhà nước, đóng góp của người dân và các tổ chức quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất