| Hotline: 0983.970.780

Tích lũy ở nông thôn miền Tây: Cặp vợ chồng giỏi tích lũy

Thứ Ba 14/04/2015 , 09:56 (GMT+7)

Nhạy bén với cách tính toán tinh tường và cuộc sống tiết kiệm đến “vô hạn” mà giờ đây trong một xã vùng sâu, vùng xa gia cảnh của anh cũng được xem là giới có của ăn, của để. 

Đa số nông dân miền Tây đều xuất thân từ gia đình nghèo. Để có tài sản là ruộng đồng cò bay thẳng cánh, họ phải trải qua quá trình lao động cật lực, dành dụm, tiết kiệm trong mọi chi tiêu hàng ngày. Có những người đã “gột nên hồ” từ nhúm bột là chút vốn liếng cha mẹ cho lúc ra riêng.

Lấy ngắn nuôi dài

Nghe kể về “chiến tích” của vợ chồng anh mà tôi và rất nhiều nông dân chân đất trong và ngoài xóm không khỏi giật mình. Bởi trong một xã vùng sâu, điều kiện làm ăn khó khăn vậy mà gia đình vẫn ăn nên làm ra nhanh chóng với một, hai công đất vốn liếng ban đầu.

Được sự hướng dẫn tận tình của một người quen, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà vợ chồng anh Trần Văn Thuyền, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Hình ảnh đập vào mắt tôi là một căn nhà xây dựng kiên cố, khang trang, tuy nhiên quan sát thì chẳng thấy bóng người nào cả. Sau một hồi chờ đợi, một cậu trai độ chừng mười mấy tuổi cất tiếng: "Chú kiếm ai?".

13-51-28_2-chm-chi-voi-nghe-ruong-vuon-m-nh-thuyen-vu-moi-xy-ct-xong-cn-nh-hon-nu-ty-dong-cung-nhieu-do-trng-tri-gi-tri
Chăm chỉ với nghề ruộng vườn mà anh Thuyền vừa mới xây xong căn nhà hơn nửa tỷ đồng

Sau ít phút trần tình, tôi được cậu bé hướng dẫn đi theo con đường mòn cả trăm mét mới gặp được đôi vợ chồng đang dặm lúa. Nghĩ lại hôm nay tôi thật may mắn vì được diện kiến đôi vợ chồng nổi danh siêng năng, chăm chỉ có hạng trong làng. Bởi quanh năm suốt tháng họ đều mải miết bên ruộng đồng, rất ít khi ở nhà. Trước khi đi, một người phụ nữ gần xóm đó nói: “Gần nhà mà muốn đặt mua vài chục ký lúa giống phải đi tìm ròng rã 5 ngày vẫn không gặp được”.

Thấy bóng người thấp thoáng, anh Thuyền vội vàng bỏ móc lúa lên bờ rồi bước về phía tôi, nghe trình bày một hồi anh vui vẻ mời vào nhà và kể cho tôi nghe quá trình lập nghiệp của vợ chồng mình.

Với nét da rám nắng, thân hình suông đuột, mang bộ đồ nông dân đậm chất, anh Thuyền kể: Là con trai cả trong gia đình, mới 21 tuổi anh đã lập gia đình, nhà đông anh em nên được chia phần là 2 công ruộng, 1 công rưỡi mía. Ngày đó ít ruộng mà muốn có được cuộc sống khá hơn anh phải làm thêm một số nghề phụ khác.

Theo như lời anh, trước tiên để có cái ăn vợ chồng phải làm việc cật lực, không biết mệt mỏi là gì, cứ buông nghề này lại bắt nghề khác. Từ công việc trồng rẫy, làm ruộng, trồng nấm rơm, đặt dớn… cả ngày lẫn đêm, cộng với tích lũy, tiết kiệm trong mọi sinh hoạt, trong khoảng thời gian khá dài mới có được số vốn làm ăn.

Anh Thuyền nói: Ban đầu vợ chồng tôi có cùng ý nghĩ chỉ có đất mới đổi đời nên cả hai đã lấy hết số tiền dành dụm có được suốt mấy năm lao động quần quật để đi thuê 3 công đất ruộng ở tận miệt Bảy Ngàn (thuộc huyện Châu Thành A, Hậu Giang) canh tác không quản quãng đường hàng chục cây số và cũng nhờ nơi đó mà diện tích tăng lên đáng kể như hiện nay.

Thế vàng mượn đất

Với cách tính toán khôn ngoan, thay vì dùng vàng để sang đất thì đằng này vợ chồng anh Thuyền lại chọn cách cố đất. Vì với số tiền ít ỏi mua cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng nếu dành số vốn đó để cố thì diện tích tăng lên gấp nhiều lần, lợi càng sinh lợi mà chẳng mất mát gì cả.

Anh Thuyền chia sẻ: Thời gian ban đầu một số người trong xóm ở Bảy Ngàn có ý định sang đất, thời điểm đó mình không đủ tiền, phần lại thì nếu mua được cũng với diện tích khiêm tốn. Vì vậy mới tìm cách cố đất để được canh tác một vài vụ sinh lời rồi lấy số vốn đó mua hẳn và cố thêm.

Với cách làm hay, chỉ 3 cây vàng gia tài ban đầu vợ chồng anh dần dần cố được 3 công đất. Qua một vài vụ canh tác nguồn lợi nhuận nhiều hơn, diện tích đất sang nhượng được tăng lên. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích gia đình anh Thuyền canh tác là 33 công gồm cả ruộng lúa lẫn rẫy mía, trong đó có 10 công đất cố.

13-51-28_3-it-dt-nhung-muon-tng-thu-nhp-ong-muoi-chon-cch-trong-ry-mu-de-thy-the-lm-ruong
Ít đất nhưng muốn tăng thu nhập ông Mười chọn cách trồng rẫy, màu để thay thế cây lúa với mong muốn có điều kiện tích lũy

Nhạy bén với cách tính toán tinh tường và cuộc sống tiết kiệm đến “vô hạn” mà giờ đây trong một xã vùng sâu, vùng xa gia cảnh của anh cũng được xem là giới có của ăn, của để. Nói về thời buổi khó khăn cũng như cách sống giản dị, chị Trần Thị Bỉ (vợ anh Thuyền) chia sẻ: Thời điểm đó đèn dầu không dám đốt đến khuya, nước đá thì khi uống mới cho nước vào chứ không đổ tràn lan như bây giờ. Thuốc ảnh hút chỉ là thuốc hiệu Địa cầu mà mỗi điếu như thế phải chia ra nhiều điếu nhỏ hơn…

Không những thế, cách làm ruộng của anh, chị cũng thể hiện được sự khác biệt so với những nông dân làm ruộng kế cạnh. Do đất canh tác được chọn gần nhà, thuận lợi về thủy lợi nên dù là khu vực đất trũng anh vẫn làm được 3 vụ/năm mà năng suất luôn đứng ở mức đầu bảng.

Anh Thuyền chia sẻ thêm: Đất ở đây thấp nên muốn làm được nhiều vụ/năm phải sử dụng giống ngắn ngày như IR50404. Giống lúa này cho năng suất cao, thời gian ngắn nên tiết kiệm được số lần phun thuốc, bón phân… Đối với đất cố ở những khu vực giá cao gần bằng với đất sang thì chuyển về sang nơi đó vì đất ngày càng có giá và thuận tiện cho việc làm ăn.

Liệu cơm gắp mắm

Vỏn vẹn chỉ 2 công đất mà gia đình ông Trần Văn Mười, ở ấp 5, xã Hòa An  (Phụng Hiệp - Hậu Giang) vẫn có cuộc sống ổn định.

Đang cùng vợ thu hoạch đậu đũa, khổ qua, ông Mười nói: Trước đây, vợ chồng ra riêng được cho 2 công đất ruộng, sau nhiều năm canh tác lợi nhuận cũng chỉ đủ ăn. Vì thế gia đình quyết thuê máy vô lên hết thành liếp để trồng màu. Bởi việc trồng màu sẽ cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa. Việc canh tác được chia ra làm nhiều loại gắn với từng khu vực nên nguồn thu nhập có quanh năm thay vì chỉ được 2 - 3 lần như trồng lúa.

Được biết, vụ ĐX vừa rồi lúa của anh Thuyền đạt năng suất từ 1,3 – 1,4 tấn/công (1.300m2), anh bán với giá 4.100 – 4.300 đ/kg, trừ hết chi phí mang lại cho gia đình nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Việc xoay đồng vốn bằng cách cố đất để diện tích ngày càng mở rộng, còn chuyện ruộng vườn thì cả 2 vợ chồng anh làm từ A – Z, trừ việc thuê gặt. Với tính cần cù, siêng năng nên ruộng lúa nào được anh Thuyền, chị Bỉ ra tay là năng suất luôn đạt đỉnh. Vì thế đến thời điểm thu hoạch rất nhiều hộ dân tìm đến mua để dành làm giống cho vụ sau.

Mặc dù, đối với khu vực có đất manh mún, nhỏ lẻ mà sở hữu được diện tích đất hơn 30 công và tự canh tác là không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, nếu khu vực nào gần nhà, thuận tiện, giá cả hợp lí thì vợ chồng anh sẵn sàng sang hoặc cố thêm để mở rộng đất canh tác.

Chỉ với vốn liếng ban đầu là 3,5 công đất, sau 20 năm lao động không ngừng nghỉ, vợ chồng anh Thuyền đã tích lũy được số lượng đất không hề nhỏ và mới đây xây cất xong căn nhà trị giá hơn nửa tỷ đồng với nhiều vật dụng đắt tiền…

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hợp tác quảng bá nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc

Sáng 15/4, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cùng với thành phố Goyang (Hàn Quốc) tổ chức Tọa đàm hợp tác đầu tư và xúc tiến thương mại trong nông nghiệp.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phá dỡ nhà cho dự án, một công nhân tử vong do sập tường

HẢI PHÒNG Tối 15/4, ông Đinh Văn Quyền - Chủ tịch UBND xã An Đồng, huyện An Dương xác nhận thông tin về vụ tai nạn lao động trên địa bàn, khiến một người tử vong.

Bình luận mới nhất