| Hotline: 0983.970.780

Tích lũy ở nông thôn miền Tây: Táo bạo đầu tư

Thứ Sáu 17/04/2015 , 15:03 (GMT+7)

Nhiều gia đình ở ĐBSCL từ nghèo khó vươn lên giàu có chỉ trong thời gian ngắn nhạy bén với nhu cầu thị trường, táo bạo đầu tư sản xuất hàng hóa lớn.

Thay mía nuôi tôm

Anh Lê Hồng Tuấn ở trên hòn cù lao giữa sông Hậu nơi cửa biển, cho biết, vừa đầu tư trạm hạ thế điện thứ hai lớn gần gấp đôi trạm thứ nhất. Mỗi trạm có 3 bình hạ thế; trạm thứ nhất đầu tư năm 2010 và năm 2013 nâng công suất lên 150 KVA, tốn hơn 400 triệu đồng; còn trạm thứ hai công suất 250 KVA, mới hoàn thành.

Phải đầu tư trạm hạ thế tốn kém vì anh Tuấn mở ra diện tích lớn nuôi tôm chân trắng ở ấp Phạm Thành Hơn B, xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) nơi nguồn điện lưới vượt sông Hậu còn yếu. Điện lưới quốc gia ra cù lao năm 1998, chủ yếu cho sinh hoạt.

Truyền thống canh tác trên cù lao lại là trồng mía, hiện vẫn là vùng nguyên liệu lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với quy hoạch 8.000 ha. Năm 2003 mới mở ra nuôi tôm sú và năm 2012, bắt đầu nuôi tôm chân trắng, từ đó điện thiếu trầm trọng, phải đầu tư lớn cho điện mới có thể nuôi diện tích lớn, đặng làm giàu.

Nay anh Tuấn có chục ha nuôi tôm chân trắng, bên cạnh 1,6 ha trồng mía, thuộc hàng đại gia xứ cù lao. Sinh năm 1972, trong gia đình nghèo, lớn lên phải vượt sông Hậu vào đất liền làm thuê trồng bạch đàn và nuôi tôm mong lập nghiệp nhưng không thành.

13-23-31_1604151
Anh Lê Hồng Tuấn và con trai trước hai ngôi biệt thự

Cuộc đời làm thuê đến năm 31 tuổi, trở lại ruộng mía của gia đình chắt bóp lưng vốn vỏn vẹn 20 triệu đồng. Áp dụng kỹ thuật học hỏi được ở xứ người, ruộng mía của anh có năng suất cao, chất lượng tốt nên có giá.

Vừa lúc láng giềng rộn rịp nuôi tôm, anh đem hết tiền lời trồng mía hùn hạp phá ruộng mía đào cái ao 3.000 m2 thả giống. Nhờ trời, nuôi tôm liên tục thắng lợi, anh mua thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm đến nay.

Thành công cũng nhờ anh mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đất cù lao một năm có 4 tháng nước mặn, từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, đó là vụ nuôi tôm sú.

Anh đào thêm ao lọc nước để xử lý nước trong ao tôm, quay vòng sử dụng mà bây giờ thường gọi là nuôi tôm khép kín, vừa tiết kiệm được 40% chi phí xử lý nước vừa hạn chế dịch bệnh.

Hồi đó, nhiều người cho rằng tốn đất, không làm. Anh thực hiện nên trong khi xung quanh nuôi tôm bị dịch bệnh, anh luôn thắng lợi. Năm 2012, sau vụ tôm sú, đo chất lượng nước thấy tốt, anh thả thêm một vụ tôm chân trắng, lời to. Từ năm 2013, anh chuyển hẳn sang nuôi 3 vụ tôm chân trắng.

Đầu tư nuôi tôm chân trắng, ngoài trạm điện còn nhiều thứ khác, vì nuôi công nghiệp mật độ dày, năng suất một vụ đến 10 tấn/ha. “Làm ăn phải đầu tư chớ”, anh Tuấn cười nhẹ nhàng.

Nhưng đầu tư làm lớn khi thắng lợi cũng lớn. Không kể dài dòng, anh Tuấn chỉ hai ngôi biệt thự gần nhau, xây dựng cuối năm 2012, một cho gia đình anh và một cho cha mẹ. Ngôi biệt thự của vợ chồng và 2 đứa con trai gia đình anh cất hết 2,3 tỷ đồng, còn ngôi của cha mẹ 2,8 tỷ đồng.

Giữa trưa nắng, anh Tuấn không ngại đưa khách đi xem ao nuôi tôm mênh mông với các trạm hạ thế điện được thiết kế đường dây an toàn. Anh còn mua cả máy phát điện, phòng khi điện lưới trục trặc, chạy máy phát điện để quạt nước cho tôm không bao giờ bị ngạt khí.

Dừng lại bên con kinh, anh chỉ chiếc chiếc ca nô cao tốc nằm dưới lá dừa xanh, bảo để chạy trên sông Hậu. Còn thỉnh thoảng vào đất liên du ngoại đó đây, anh Tuấn kể, đã mua chiếc xe hơi hơn một tỷ đồng.

Nổi lên từ đất khó

Vùng đất mặn quanh năm huyện Cái Nước (Cà Mau) trước đây heo hút, chỉ nuôi tôm quảng canh. Đó là cách nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, đón nước mặn chứa ấu trùng tôm vô ruộng, đắp bờ chờ tôm lớn đặt nò hứng bắt bán.

Vài năm nay, sôi nổi nuôi tôm công nghiệp. Xã có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện là Tân Hưng Đông, gần 300 ha.

Một trong những người tôm công nghiệp trở nên giàu có của xã Tân Hưng Đông là anh Đặng Hòa Hợp, 43 tuổi.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang mát bóng dừa ở ấp Ông Khâm, anh Hợp kể, khi anh lấy vợ ra riêng, được gia đình cho 1,3 ha đất, nuôi tôm quảng canh năm thu nhập 20-30 triệu đồng. “Ráng làm bởi không có nghề gì khác, chứ sống vất vả lắm”, anh cho biết.

Năm 2012, mở ra nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Hợp vay mượn tiền bạc đào hết đất đai, được 3 ao, mỗi ao mặt nước rộng 3.000 m2. Năm đầu tiên lãi 600 triệu đồng, năm tiếp theo lãi 1 tỷ.

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, ông Trần Hoàng Đạo, hồ hởi: “Khó khăn mà chịu đầu tư khắc phục thì cũng thắng lợi, thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Vợ anh Hợp vốn xinh đẹp, cười rạng rỡ càng xinh đẹp hơn trong cảnh sung túc.

Năm 2014, anh mướn thêm đất đào liền 6 ao, tiền mướn trong 4 năm tốn 240 triệu đồng. Ở nơi xa trung tâm xã, xa quốc lộ như nhà anh, nuôi tôm thẻ chân trắng phải đầu tư rất lớn.

Anh ngồi tính sơ sơ, tiền điện một tháng tốn gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, vì xa nguồn nên điện yếu, cầu dao tổng hay cúp, phải thuê một người trực canh cầu dao, nếu cúp thì bật lên, một tháng tốn 3,5 triệu đồng. Có ngày phải bật cả trăm lần.

Nhưng lắm khi điện quá yếu, cúp điện kéo dài thì phải chạy máy nổ quay cánh quạt nước. Mỗi ao có 4 giàn quạt, đặt 2 máy nổ, 9 ao là 18 máy. Giá mỗi máy nổ hơn 3 triệu đồng, tốn gần 600 triệu đồng.

Một ao lại phải mướn một người ngồi canh máy nổ, tốn một tháng 3,5 triệu đồng, 9 ao thêm 31,5 triệu đồng nữa. Tổng cộng, riêng khoản lo chạy cánh quạt nước đã tốn gấp mấy lần nơi có điện lưới ổn định.

Chưa hết, vì xa quốc lộ, xe tải không vào được, phải chở đường thủy nên tốn thêm chi phí vận chuyển so với xe tải chở đường bộ. Anh Hợp tính, mỗi ao thu hoạch một vụ 4 tấn tôm, một năm làm hai vụ được 8 tấn. Nuôi 9 ao, tổng cộng 72 tấn.

Chở đường thủy tốn 3.000 đồng/kg, cũng có nghĩa lợi nhuận giảm mất chừng đó so với đường bộ có xe tải, tổng cộng riêng bán tôm đường thủy một năm giảm mất 216 triệu đồng. Thức ăn nuôi tôm và nhiều thứ vật tư khác còn nhiều hơn nên tốn hơn nữa.

Nhưng anh vẫn cười, nói mọi người nuôi tôm trong vùng phải chịu tốn kém như thế, không riêng gia đình anh. “Quan trọng là mình phải chịu đầu tư, làm bài bản thì giảm được chi phí, để có lời”, anh Hợp nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm