| Hotline: 0983.970.780

Từ đồng vốn ngân hàng

Tích tụ đất và thay đổi cách làm

Thứ Ba 01/04/2014 , 10:24 (GMT+7)

Nhiều doanh nhân, nông dân ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhận thấy họ có một khát khao làm giàu đến cháy bỏng. Điều thú vị là họ có những cách làm rất riêng.

Yêu ruộng, mến rừng

Vợ chồng ông bà Phạm Úy – 63 tuổi ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh (Quảng Điền – TT-Huế) là một ví dụ. Trong khi nhiều người ly hương, thoát cảnh chân lấm tay bùn thì vợ chồng ông lại một nắng hai sương với ruộng đồng. Ở đâu đó, người ta chán ruộng, bỏ ruộng thì ông bà lại rất mặn mà từng thước đất, cây lúa. Ông đã thuê lại ruộng của nhiều nhà trong thôn để có 5 mẫu sản xuất 2 vụ lúa.

Có tư liệu SX, ông làm hồ sơ vay vốn ngân hàng. Ông bảo, giờ không thể “con trâu đi trước cái cày đi sau” mà tất cả phải được làm bằng máy. Từ những đồng vốn vay ban đầu của ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Quảng Điền, ông Úy đã mua sắm được máy bơm nước, máy làm đất. Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu SX của gia đình, ông còn làm thuê cho nhiều gia đình khác khoảng 20 mẫu ruộng.

Theo ông Úy, sở dĩ người ta chán ruộng là vì SX còn manh mún, nhỏ lẻ, chi phí đầu tư nhiều nên không bỏ công dẫn đến lỗ. Còn với ông việc tích tụ được nhiều ruộng, áp dụng tiến bộ KHKT đưa cơ giới hóa vào SX đã giúp gia đình vươn lên khá giả. “Khi chưa tích tụ được ruộng, mấy sào lúa của gia đình làm cũng chẳng đủ ăn. Gom được ruộng và ngân hàng tạo điều kiện nên chúng tôi có cú hích để phát triển” – ông Úy kể.

Trong khi người dân đầu tư nhiều loại giống, bón nhiều phân để tăng năng suất thì ông Úy lại không chạy đua về điều đó. Ông bảo: “Có gắn bó mật thiết với đồng đất này mới thấu hiểu được giá trị mà đất mang lại. Kinh nghiệm của tôi, chỉ giữ ở mức 3 tạ/sào là được rồi. Nếu đặt mục tiêu trên 3,5tạ/sào đồng nghĩa mình phải tăng chi phí đầu tư. Không chỉ vậy, lúa tốt quá dễ bị đổ và cây lúa xanh non kéo dài rất dễ bị sâu, bệnh”.

Mỗi vụ gia đình ông thu hoạch được 15 tấn lúa và sản lượng đó duy trì đều đặn mấy năm nay. Từ trồng lúa mỗi năm gia đình ông Úy lãi được 40 đến 50 triệu đồng. Trước lúc chia tay, ông Úy khoe rằng: “Thu hoạch vụ xuân này, tôi sẽ có chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 700 triệu đồng. Trong đó, có vay của ngân hàng nông nghiệp 120 triệu đồng”.

Chia tay ông Úy, chúng tôi đến Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi có những cánh rừng từng bị bom đạn đốt cháy năm nào nay đã được phủ xanh. Ông Lê Trung Nhân – Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Vĩnh Linh cho biết, toàn huyện có hàng trăm mô hình trang trại trồng rừng, nuôi gia súc quy mô lớn. Trong đó có 7.500ha cao su và 15.000ha keo đã làm thay đổi diện mạo miền sơn cước này.

Ngoài vốn tự có, nông dân đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để đầu tư phát triển. “Điển hình như anh Nguyễn Thanh Sơn ở khóm 9, thị trấn Hồ Xá. Nhận thấy đề án đầu tư của anh Sơn rất khả thi, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để anh được vay 3 tỷ đồng” – ông Nhân nói.

Năm 1998, từ 2 chỉ vàng vay của người em gái là giáo viên trường làng, anh Sơn bắt đầu khởi nghiệp đi buôn gỗ. Tích cóp được đến đâu, anh dồn lại mua đất rừng. Đến năm 2002, anh đã có 50ha rừng keo. Năm 2006, anh mua thêm 12ha cao su đã được 4 tuổi của mấy hộ dân ở xã Vĩnh Khê. Đất đai mua tới đâu, anh hoàn tất thủ tục pháp lý đến đó.

Cùng thời gian này, anh trồng thêm 13ha cao su tại xã Vĩnh Long. Đến nay, anh đã có 8ha cao su cho khai thác. Ngoài mạnh dạn mua lại đất rừng, anh Sơn đã đổ nhiều công sức, tiền của vào đó để biến những khu rừng nghèo kiệt trở nên trù phú. Doanh số trồng rừng của anh mỗi năm được 1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí rồi còn lãi được 400 triệu đồng. Từ đó, anh Sơn đã tạo việc làm ổn định có thu nhập khá cho hàng chục lao động.

Hiện anh Sơn đã sắm cho mình chiếc xe ô tô Fortuner để đi lại. Anh bảo, từ ngày có xe, công việc thuận lợi, giải quyết nhanh gọn. Thỉnh thoảng hai vợ chồng có điều kiện đi vào TP.HCM thăm con gái đang học đại học năm thứ 2.

Đầu tư cho nhà giàu

Đó là cách làm của Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị, đơn vị duy nhất tại Việt Nam vừa nhận giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ - Hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions Tây Ban Nha (BID) trao tặng. Theo ông Hồ Xuân Hiếu – TGĐ Cty thì để đạt được phần thưởng này, Cty phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn: Phát triển bền vững, thoả mãn nhu cầu khách hàng và kinh doanh sáng tạo. 

16-17-51_nong-huong-hoa-huong-dan-nguoi-dan-dong-ti-mo-ky-thuat-trong-san
Nông dân Hướng Hóa hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn cho người dân Đông Ti Mo

Đề cập đến kinh doanh sáng tạo, ông Hiếu cho hay: Lâu nay người ta thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu tiên và đầu tư cho người nghèo. Cái này, chúng tôi làm ngược lại. Cty chúng tôi có một NM sắn với vùng nguyên liệu hơn 6.500ha tại huyện Hướng Hóa. Ngay từ ngày đầu, khảo sát địa bàn, chúng tôi thấy người dân ở đây thiếu vốn, kiến thức, thiết bị làm đất.

Những khó khăn đó, Cty đứng ra bảo lãnh để người dân được tiếp cận vốn vay của ngân hàng. “Khi đưa ra giải pháp ưu tiên mọi nguồn lực cho các hộ có điều kiện khá giả, bản thân tôi gặp phải sự không đồng tình của nhiều người vì đại bộ phận người dân Hướng Hóa rất khó khăn. Song với sự quả quyết của mình, dần dần tôi đã nhận được sự ủng hộ và nhận thấy đó là hướng đi đúng” – ông Hiếu chia sẻ.

Việc lựa chọn hộ có điều kiện khá giả để đầu tư là nhằm tạo cú hích cho từng mô hình phát triển dễ nhân rộng. “Buộc” người giàu giúp người nghèo, các hộ ở gần hỗ trợ lẫn nhau. Dần dần vùng nguyên liệu NM sắn của Cty đã có CLB trăm triệu mà cách đây chục năm không ai nghĩ rằng vùng đất đó lại có gia đình thu nhập trăm triệu đồng/năm. CLB này hiện có trên 120 thành viên.

Mặc dù dư nợ tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Quảng Trị hơn 50 tỷ đồng, nhưng theo ông Hồ Xuân Hiếu, TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị điều đó không mấy lo ngại vì tăng trưởng của Cty luôn tăng 35%/năm. Đồng vốn vay được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Chưa một lần để xảy ra nợ quá hạn.

Ông Ắm Ting ở bản Xa Truông, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa - người đạt kỷ lục về thu nhập từ trồng sắn cho biết: “Đó là cách làm mới mà tôi nhận thấy sau nhiều năm gắn bó với NM. Không còn lý thuyết cần câu con cá mà chính là sáng tạo ra cách làm, buộc chúng tôi phải hành động. NM dạy cho bà con cách thâm canh tăng năng suất, bình quân từ 25 đến 30 tấn/ha. Nhà tôi trồng 7 ha sắn được gần 180 tấn sắn củ, bán cho NM thu về gần 230 triệu đồng/năm. NM đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi và hàng ngàn đồng bào”.

Cũng với cách làm không giống ai, ông Nguyễn Thanh Dũng - GĐ Cty CP Sợi Phú Mai (Thừa Thiên – Huế) tiến hành chi trả lương cho công nhân theo thời gian làm việc. Điều mà, các Cty hiện nay đều áp dụng phương thức trả lương theo sản phẩm, năng suất lao động.

Theo ông Dũng, nếu trả lương cho công nhân bằng sản phẩm đồng nghĩa họ phải lăn ra làm, làm cố để có nhiều sản phẩm. Như thế công nhân rất mệt, còn máy móc sẽ bị bào mòn rất lớn, sẽ nhanh phải đầu tư thay thế. Nhận thấy chi phí cho thay thế chi tiết máy sẽ lớn gấp nhiều lần so với trả lương cho công nhân. Mặc khác, sản phẩm chủ yếu là XK, nếu SX ra nhiều mà XK gặp khó thì vừa bị tồn đọng sản phẩm, vừa trả lương cho công nhân, vừa chi phí hao mòn máy móc. Thà không phải thương xuyên thay thế chi tiết máy mà lấy khoản đó để tăng lương, thưởng cho công nhân sẽ động viên được họ gắn bó với NM nhiều hơn.

“Nhờ cách làm này mà sau 2 năm đi vào SX, Cty đã trả được 45% vốn vay của ngân hàng, đảm bảo tiến độ thanh toán và mức lương của công nhân luôn ổn định. Hơn 214 cán bộ, công nhân của NM vẫn miệt mài với công việc hàng ngày. Đến nay chưa xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc hay đình công” – ông Dũng vui vẻ nói.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm