| Hotline: 0983.970.780

Tích tụ ruộng đất, hợp lòng dân

Thứ Sáu 14/01/2011 , 14:15 (GMT+7)

Tại Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 – 2020 được trình tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định vai trò của việc tập trung tích tụ ruộng đất, góp phần nhanh chóng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững...

Tại Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 – 2020 được trình tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định vai trò của việc tập trung tích tụ ruộng đất, góp phần nhanh chóng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Nhân sự kiện trên, NNVN đã trao đổi và ghi nhận ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp và nông dân xoay quanh vấn đề thời sự này… 

SXNN hàng hóa ở ĐBSCL đang cần tập trung ruộng đất

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - Ủy viên Trung ương Hội nông dân Việt Nam): Không thể hô khẩu hiệu suông!

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, khi nói về sản xuất nông nghiệp, chúng ta có rất nhiều thành tích mang tính “bề nổi”. Thứ nhất, thông qua sản lượng và kim ngạch XK nông sản, nhiều mặt hàng của VN luôn “kiêu hãnh” ở vị trí nhất nhì thế giới. Thứ hai, trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2 năm vừa qua, chính kinh tế nông nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp VN vẫn đứng vững trước bao sóng gió. Tuy nhiên, khi xét về sự bền vững trong sản xuất thì ngành nông nghiệp nước ta lại đang tồn tại rất nhiều bất cập.

Cụ thể, chúng ta đang phải “vật lộn” với câu hỏi là làm thế nào để xây dựng được những vùng nguyên liệu nông sản lớn trong bối cảnh sản xuất đang vô cùng manh mún? Trừ một số cây trồng có vùng nguyên liệu lớn chủ yếu là do yếu tố tự nhiên và truyền thống từ xưa (ví dụ đồng lúa ĐBSCL và ĐB sông Hồng) và một số ít cây công nghiệp như cà phê, cao su có diện tích tập trung lớn, còn lại tất cả các loại cây trồng khác đều sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu thuộc sở hữu của các nông hộ. Vì thế, việc ứng dụng KHKT, tổ chức thiết kế lại đồng ruộng, áp dụng chỉ đạo thống nhất trong sản xuất đang vô cùng nan giải. Đặc biệt, việc tổ chức tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh từ lâu chúng ta chưa chú ý đến việc đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn cho người nông dân?

Nghèo dẫn đến bỏ đất, bỏ làng

Thực tế, sản xuất nông nghiệp luôn gặp rất nhiều rủi ro, vất vả, thu nhập chưa cao nên lực lượng bén nhọn nhất, nhạy cảm nhất, có thể ứng dụng tốt nhất tiến bộ KHKT là lực lượng thanh niên đã đua nhau bỏ lên thành phố, tìm đến các KCN. Mặc dù lương bổng làm tại các KCN không phải quá cao, nhưng với họ sản xuất nông nghiệp cũng chẳng khấm khá hơn, tương lai cũng đầy mờ mịt. Đơn cử như 1 hộ gia đình 4 – 5 người có 1 ha trồng lúa, dù cho họ có chịu khó làm đến đầu tắt mặt tối, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” suốt 3 vụ lúa, thì kết quả cũng chỉ thu về khoảng 45 triệu đồng/năm. Với giá vật tư nông nghiệp và sinh hoạt đắt đỏ thì số tiền này đủ ăn còn trầy trật, huống chi nói chuyện làm giàu.

Cũng vì thế, dễ hiểu tại sao khi tuổi trẻ thoát ly khỏi cảnh chân lấm tay bùn, thoát khỏi mảnh ruộng bé cỏn con là họ cảm thấy được “đổi đời” rồi. Ngay cả các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hầu hết cũng chẳng muốn về nông thôn, về với đất đai đồng ruộng. Điều này dẫn đến hệ quả lao động nông thôn toàn người già và trẻ con. Khi mùa vụ đến, tất yếu khủng hoảng về nhân công sẽ xảy ra, kéo chi phí sản xuất lên cao và đánh tụt lợi nhuận của người nông dân xuống mặt đất. Trong quá trình sản xuất manh mún, người nông dân cũng phải mua vật tư nông nghiệp với giá cao chót vót, nhưng khi bán nông sản thì lại bị ép xuống tận đáy. Việc bất công này xảy ra ngay trên mảnh ruộng của họ, vì thế, việc tích tụ ruộng đất để gia tăng giá trị, tăng lợi nhuận cho người nông dân càng trở nên vô cùng bức thiết.

Muốn tích tụ, cần xem lại chính sách hạn điền

"Chính sách hạn điền đã làm hạn chế cá nhân tích tụ ruộng đất. Mặc dù nó có ưu việt là tránh tình trạng đầu cơ đất, nhưng chúng ta cũng cần phải có một khái niệm rất rõ ràng phân biệt việc đầu cơ đất đai và tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Họ tập trung đất đai để tạo ra sản phẩm, sinh lợi nhuận và đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì chúng ta cần phải khuyến khích. Theo suy nghĩ của tôi, nếu như lãnh đạo cấp cao ở hệ vĩ mô mà chưa có giải pháp nào thay thế mang tính đòn bẩy thì có lẽ cũng cần xem lại chính sách hạn điền”. Theo TS.Nghĩa, chúng ta cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho tư nhân và tập đoàn làm sao tổ chức được thành các doanh nghiệp nông nghiệp. Họ không phải là những doanh nghiệp gián tiếp làm dịch vụ mà phải là trực tiếp tổ chức sản xuất.

Các doanh nghiệp nông nghiệp này cũng không phải đi thu mua đất đai, mà sẽ là nơi tổ chức để nông dân đưa đất đai của mình vào đóng góp như một dạng cổ phần. Giấy chứng nhận quyền sỡ hữu đất đai của ai vẫn cứ đứng tên người đó và lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ đất tham gia. Bản thân người nông dân sẽ được phân công sản xuất như những công nhân nông nghiệp thực thụ: người giỏi cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi hay giỏi kỹ thuật canh tác, giống, quản lý… sẽ được sắp xếp theo đúng thế mạnh của mình để phát huy năng lực và được ăn lương theo đúng khả năng đóng góp.

Cần "bàn tay" hỗ trợ của Nhà nước

Sản xuất nông nghiệp luôn gặp rất nhiều rủi ro, đặc biệt là tác động đến từ thiên nhiên, vì thế, muốn các DN mạnh dạn “nhảy” vào đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ bước đầu thật táo bạo. “Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho DN trong 3 – 4 năm đầu để họ an tâm đầu tư, không phập phồng lo sợ mất vốn, thua lỗ, phá sản khi thiên tai xảy ra thì chắc chắn việc đầu tư sản xuất theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn sẽ dần hình thành. Tại sao chúng ta hỗ trợ được cho nông dân, nhưng khi DN đứng ra đại diện cho nhiều hộ nông dân thì chúng ta lại rụt rè không hỗ trợ?” – TS. Nghĩa đặt câu hỏi.

Chúng ta cũng cần phải thay đổi quan niệm ông chủ nhiệm HTX phải là người đi chân đất, lội ruộng. Các giám đốc hay chủ nhiệm DN nông nghiệp có thể đi xe hơi, xây nhà lầu, miễn sao hàng năm họ chia thật nhiều cổ tức để giúp người nông dân làm giàu là thành công rồi. Tuy nhiên, vấn đề tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn không đơn giản chỉ là hô khẩu hiệu suông mà phải có chính sách đúng đắn mang tính đột phá. Chính sách có rồi thì cũng phải có người có tài, có tâm để tổ chức, thực hiện chính sách đó bài bản và linh hoạt thì mới mong có được sự thay đổi lớn lao trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Cần phải có quan điểm "tích tụ" linh hoạt

TS.Nguyễn Minh Châu cho rằng, quan điểm tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn không chỉ hiểu theo kiểu: một vùng đất đai nào đó được một cá nhân sở hữu bằng cách mua đứt bán đoạn. Việc này muốn thực hiện sẽ vô cùng gian khó, không biết bao giờ mới thực hiện nổi. Vì thế, chúng ta cần linh hoạt trong quan điểm tích tụ để sản xuất nông sản hàng hóa lớn theo cách mà một số nước như Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản đã làm và thành công lớn.

Cụ thể, hầu hết nông dân tại các nước này thực tế cũng chỉ sở hữu vài ba công ruộng, nhiều thì vài ha đất y hệt như nông dân vùng ĐBSCL của VN. Và cách làm của họ là ruộng của ai người đó làm, nhưng cả vùng sẽ được nhà nước tập trung khuyến khích làm theo một mô hình cây – con nhất định (đã được thử nghiệm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất) và Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật, thương hiệu và đầu ra. Cách làm này trong nhiều năm qua đã giúp các nước có được những vùng sản xuất hàng hóa lớn mà đất đai vẫn thuộc sở hữu của từng cá nhân.

Theo TS. Châu, ở VN, hiện các loại trái ngon như măng cụt, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc… luôn thiếu hàng, không đủ để XK. Nếu như VN thực hiện như cách làm của các nước bạn thì sẽ tạo bước đột phá về sản xuất hàng hóa lớn trong thời gian ngắn. Muốn thế, chúng ta phải quy hoạch rõ vùng sản xuất hàng hóa (cây gì, con gì, ở vùng nào), sau đó xây dựng mô hình (do DN tư nhân hoặc nông dân tiên tiến thực hiện) và khi thành công thì Nhà nước tập trung nhân rộng thành vùng chuyên canh bằng các chính sách hỗ trợ. Khi vùng chuyên canh đó đã được xác định thì từ cấp xã, huyện cho đến tỉnh, trung ương đều phải chịu trách nhiệm làm thật tốt. “Mục đích cuối cùng của việc tích tụ là làm sao để có được nông sản hàng hóa quy mô lớn, còn việc đất đai thuộc sở hữu của một người hay nhiều người thực ra không phải cốt lõi chúng ta cần đạt đến” – TS.Châu nhấn mạnh.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm