| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 02/02/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 02/02/2017

Tích tụ ruộng đất là đòi hỏi cấp thiết của Nông nghiệp Việt Nam 2017

Phát biểu trước Quốc hội hôm 2/11/2016, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tổng kết 30 năm qua, Việt Nam từ đất nước thiếu ăn đã trở thành quốc gia xuất khẩu hơn 30 tỷ USD. Ông đề nghị sửa Điều 129 Luật Đất đai...

Ông đề nghị sửa Điều 129 Luật Đất đai, nới chính sách hạn điền để nông nghiệp có thể làm ăn lớn.

18-03-00_ong_cuong
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường
 

Nông thôn, nông nghiệp hiện đang cần có một chính sách vĩ mô mang tính đột phá kiểu “cởi trói” như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thời điểm 30 năm trước (4/1988) sau đại hội Đảng năm 1986, từng thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ sản xuất, vừa mang tính “thúc đẩy” mạnh mẽ tạo ra bước phát triển mới về chất trong nông nghiệp.

Tiếp theo, chính sách “dồn điền, đổi thửa” là giải pháp xử lý tình huống để khắc phục cách giao ruộng khoán “có gần có xa, có tốt có xấu” cho hộ xã viên của hợp tác xã kiểu cũ trước đây, khi thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương. Tuy nó chỉ có tác dụng mở rộng qui mô của 1 thửa đất, và giảm số thửa đất của nông hộ, khiến họ quản lý sản xuất thuận lợi và có hiệu quả cao hơn, mà không làm tăng qui mô ruộng đất của nông hộ. 

Thực tế, đã từng có các hình thức tích tụ ruộng đất ở ta: Nhiều nhà nông đã tích tụ ruộng đất lập trang trại bằng cách thuê đất công - tư, mua, mượn hoặc được giao, được thừa kế, cho… để phát triển kinh tế trang trại có quy mô từ nhỏ đến lớn.

Đây là hình thức đầu tiên được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XX. Dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ, có dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp là hình thức phổ biến mà nhiều tỉnh đã và đang làm. Rồi ruộng đất đã tích tụ trong các nông, lâm trường của Nhà nước.

Hiện những nông, lâm trường quản lý, kinh doanh tốt và những cơ sở giống quốc gia thì được củng cố, phát triển, còn những nông, lâm trường quản lý kém, làm ăn thua lỗ thì đã và đang được cổ phần hóa hoặc thực hiện công tư hợp doanh.

Trong ngành mía đường, còn có một hình thức tích tụ ruộng đất trồng mía của nông dân xung quanh nhà máy đường của Cty đường Bourbon (Buốc-bông) của Pháp đóng tại Tây Ninh và Gia Lai.

Còn hiện nay, đó phải là chính sách tích tụ ruộng đất để tạo ra các mô hình trang trại - công ty sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” (contract farming) và chính sách giáo dục - đào tạo, khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân có hiểu biết và học thức. Nông nghiệp ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Tuy là kết quả của tích tụ ruộng đất, nhưng trang trại chỉ là hình thức phát triển cao hơn của kinh tế nông hộ, nên không sợ phát sinh các tiêu cực như nêu ở trên. Do đó trang trại như là một “mô hình” mới trong nông nghiệp cần được Nhà nước ưu đãi, khuyến khích.

Nông nghiệp Việt Nam đang đòi hỏi và thực sự có nhu cầu về chính sách “tích tụ ruộng đất”. Đó sẽ là cả một cuộc cải cách lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam tính từ thời điểm ban hành chính sách Khoán 10 cách đây ba thập kỷ, khi mà cái nút thắt cứng đầu nhất và quan trọng nhất là vấn đề tích tụ đất đai cuối cùng cũng đã bắt đầu được cởi dần ra.

Bình luận mới nhất