| Hotline: 0983.970.780

Tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập

Thứ Ba 02/07/2013 , 10:19 (GMT+7)

Đất đập ở khu vực Bình Thuận có tỷ lệ sét ít, do đó độ kết dính kém dẫn đến tình trạng sụt lún, xói mòn cao.

Thời điểm này những năm trước, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện những cơn mưa lớn, các hồ thuỷ lợi dồi dào nước. Vậy mà năm nay, một số huyện thuộc phía Nam xảy ra tình trạng hạn hán, nhiều hồ trơ đáy.

Đói nước giữa mùa mưa

Theo Chi cục Thuỷ lợi Bình Thuận, từ đầu năm các huyện đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hạn hán. Tuy nhiên, do nguồn nước hạn chế nên một số nơi đã xảy ra thiệt hại. Huyện Tuy Phong vụ ĐX giảm 994 ha lúa, hoa màu. Huyện Hàm Thuận Nam, từ cuối tháng 3 đến 15/5 có 1.210 ha cây thanh long thiếu nước tưới. Đặc biệt, từ 10/3 đến nay có 2.248 hộ dân với 9.615 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt...

Huyện Hàm Tân từ cuối tháng 3 - 15/5 có 60 ha thanh long thiếu nước. Huyện Đức Linh có 550 ha lúa ĐX giảm năng suất. Thị xã La Gi thiếu nước sinh hoạt...

Để khắc phục tình hạn hán, nhất là nước sinh hoạt, Bình Thuận đã triển khai một số công việc cụ thể bằng giải pháp công trình như đầu tư xây dựng tuyến kênh chuyển nước hồ Sông Móng cho hồ Đu Đủ, Tân Lập, Tà Mon. Công trình này đã cấp nước phục vụ sinh hoạt cho 3.500 hộ dân, tưới chống hạn cho 1.210 ha thanh long tại các xã Hàm Minh, Tân Lập, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.


Mặt đập thuỷ lợi Đu Đủ sụt lún nghiêm trọng

Trong vụ HT 2013, trước tình hình khó khăn về nguồn nước, Bình Thuận ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước tưới cho thanh long. Do đó việc gieo sạ chỉ tập trung tại các huyện chủ động được nguồn nước thuỷ lợi, thuỷ điện như huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh. Vụ HT, toàn tỉnh gieo trồng được 27.529/31.960 ha, đạt 86,14% kế hoạch.

KHÁT VỐN

Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Bình Thuận cho biết: Toàn tỉnh có 16 hồ chứa đã đưa vào khai thác, sử dụng. Trong đó 5 hồ gồm Sông Quao, Tà Mon, Tân Lập, Đu Đủ, Trà Tân có tuổi thọ trên 10 năm nhưng chưa được nâng cấp sửa chữa, các hạng mục công trình đầu mối. Tràn xả lũ, cống lấy nước hư hỏng cục bộ, mặt đập bị lún sụt, xói lở…

Tại hồ Sông Quao, đập chính và các đập phụ trong thời gian từ tháng 7 - 8/2012 đã xảy ra hiện tượng mặt đập bị lún sụt tại 72 vị trí có đường kính từ 0,5 - 3,0 m, chiều sâu từ 0,5 - 1,5 m. Hồ Tà Mon mặt đập bị lún sụt, xuất hiện nhiều vị trí nứt dọc thân có chiều rộng từ 5 - 7 cm, dài 25 - 30 cm, sâu 60 cm.

Hồ Tân Lập xảy ra hiện tượng nước thấm qua thân đập tại vị trí tiếp giáp với tường cánh bên phía tả cống lấy nước đầu mối, mái hạ lưu xói lở. Hồ Đu Đủ mặt đập bị lún sụt, xuất hiện nhiều vị trí nứt dọc thân có chiều rộng từ 5 - 7 cm, dài 25 - 30 cm, sâu 60 cm. Hồ Trà Tân mặt đập bị lún sụt, nước thấm qua thân, mái thượng - hạ lưu bị xói lở; tràn xả lũ mái thượng và hạ lưu bị lún sụt.

Theo ông Anh, đây là những đập được xây dựng từ lâu, thân đắp bằng đất. Đất đập ở khu vực Bình Thuận có tỷ lệ sét ít, do đó độ kết dính kém dẫn đến tình trạng sụt lún, xói mòn cao. Chi cục Thuỷ lợi cũng đã khắc phục những hạng mục nào cần thiết thì tập trung làm trước, còn những cái nào có nguồn vốn lớn thì phải chờ kinh phí Chính phủ hỗ trợ. Sửa chữa chỉ chắp vá tạm thời, còn để sửa tổng thể thì không có vốn.

Để có nước phục vụ SX và sinh hoạt, đặc biệt là đảm bảo các hồ an toàn trong mùa mưa bão sắp đến, ông Anh kiến nghị: Bình Thuận mong muốn các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để đào thông tuyến kênh nối mạng hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập (25 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng).

Ngoài ra đề nghị hỗ trợ 47 tỷ đồng để nạo vét kênh mương phục vụ chống hạn vụ HT 2013. Đặc biệt hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa còn lại thuộc chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã phê duyệt 219,82 tỷ đồng...

Trong chuyến công chỉ đạo công tác khắc phục hạn hán tại khu vực Nam Trung bộ vừa qua, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi dẫn đầu đoàn đã đi kiểm tra một số hồ đập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Nói về các hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, ông Tỉnh cho biết: “Không chỉ ở Bình Thuận mà ở nước ta có gần 500 hồ (trữ lượng nước nhỏ) được xây dựng sau ngày giải phóng đã xuống cấp. Để sửa chữa các hồ này cần nguồn kinh phí lớn. Các địa phương đã báo cáo Bộ NN-PTNT và Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm