| Hotline: 0983.970.780

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ Năm 12/12/2013 , 11:01 (GMT+7)

Lợi nhuận từ con tôm tăng cao khiến không ít nông dân mạo hiểm thả nuôi tôm vụ nghịch, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang nóng hực hực từng ngày và liên tục lập kỷ lục mới, lợi nhuận từ con tôm tăng cao khiến không ít nông dân mạo hiểm thả nuôi tôm vụ nghịch, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo khung thời vụ của Sở NN-PTNT Kiên Giang thì vụ thả nuôi tôm - lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng và vùng ven sông Cái Lớn thuộc tây sông Hậu bắt đầu xuống giống (tôm sú) từ tháng 2 đến cuối tháng 3 hàng năm, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.

Kết thúc vụ nuôi, các hộ dân phải xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa lớp đất trên bề mặt cho hết mặn, chuẩn bị gieo sạ hoặc cấy lấp lại vụ lúa trong tháng 9 hoặc 10, thu hoạch lúa dứt điểm trong tháng 1 năm sau.


Sức hấp dẫn từ lợi nhuận mà con tôm mang lại đã khiến không ít hộ nông dân ở vùng U Minh Thượng chỉ sạ lúa cho có hoặc bỏ luôn không sạ lúa

Như vậy, theo khung thời vụ hiện đang là vụ lúa. Thế nhưng, đi về một số huyện vùng U Minh Thượng vào thời điểm này, không ít ruộng của các hộ dân vẫn còn “con tôm ôm gốc lúa”. Nhiều hộ dân vẫn có tôm thu hoạch đều đều tuy không nhiều (khoảng 3 - 4 kg/ngày). Do còn nuôi tôm nối vụ nên việc rửa mặn không được nông dân xử lý triệt để, dẫn đến lúa phát triển rất kém. Thậm chí nhiều hộ chỉ sạ cho có chứ không cần quan tâm đến vụ lúa.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Sáu T, một lão nông gắn bó với nghề nuôi tôm lúa hơn 10 năm nay ở xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang cho biết: “Do sức hấp dẫn từ lợi nhuận mà con tôm mang lại đang quá lớn.

Chỉ cần 3 - 4 kg tôm thôi với giá hiện nay đã bằng cả chục giạ lúa, tương đương thu nhập của một công ruộng trong suốt 3 tháng trời chăm sóc”. Với giá tôm nóng bỏng thì lý giải này hoàn toàn đúng. Bởi 1 kg tôm loại 30 con đang được thương lái thu mua với giá từ 280 - 290 ngàn đồng. Còn loại 20 con có giá 330 - 340 ngàn đồng.

Sốc nhất là loại tôm cỡ lớn (nông dân quen gọi là tôm cù - tôm còn sót lại từ vụ nuôi chính) có giá từ 390 - 400 ngàn đồng/kg cho loại 15 con và càng ít đầu con giá càng tăng. Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 10 năm kể từ khi con tôm bén duyên với vùng đất xưa kia vốn được biết đến là “vựa cá đồng” U Minh Thượng.

Trong khi người dân hớn hở với giá tôm thì ngành nông nghiệp lại lo ngay ngáy do việc nuôi nối vụ sẽ làm đất bị nhiễm mặn, nguy cơ dịch bệnh tăng cao do không được cắt vụ. Trong khi đó, vụ lúa đã được các nhà khoa học chứng minh là “bộ máy lọc” góp phần làm sạch các chất hữu cơ cặn bã còn sót lại từ quá trình nuôi tôm. Hơn nữa, sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ sẽ là môi trường lý tưởng cho các sinh vật phù du phát triển, tạo thức ăn cho tôm con khi mới thả.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, việc khuyến cáo người dân thu hoạch dứt điểm tôm nuôi để làm vụ lúa là rất khó, nhất là những năm tôm trúng giá. Nhất là với những hộ nghèo, không có điều kiện để đầu tư bài bản. Vào vụ lúa nhưng họ cứ thả đại vài thùng tôm giống loại giá rẻ (chỉ 20 - 30 đồng/con) để hy vọng đây sẽ là nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, chờ tới khi thu hoạch lúa. Vì vậy nên có khi cả vụ lúa và vụ tôm trong năm của họ đều thất bại, mãi luẩn quẩn trong cái nghèo.

Không chỉ thả nuôi tôm nối vụ, mà một số hộ còn lén lút thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) ngoài vùng quy hoạch. Qua khảo sát tình hình thả nuôi tôm nước lợ năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang đã phát hiện hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) tự ý xé rào mua giống tôm TCT về thả nuôi trên nền đất lúa tôm với tổng diện tích gần 50 ha.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ NN-PTNT, tôm TCT là vật nuôi có điều kiện, chỉ được phép thả nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp tại những vùng quy hoạch để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, cái khó mà cơ quan chuyên môn gặp phải là thiếu chế tài xử lý. Trước những vi phạm này, ngành nông nghiệp chỉ có thể tiến hành lập biên bản, đồng thời phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục và điều kiện nuôi tôm TCT cho các hộ dân biết để thực hiện.

Còn tại vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp thuộc Tứ giác Long Xuyên của Kiên Giang, các doanh nghiệp nuôi tôm lại gặp khó do thiếu nguồn nước mặn. Ông Nguyễn Danh Hiện, GĐ Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú - Kiên Giang cho biết: “Để nuôi tôm được vụ 2, các đơn vị ở đây phải tận dụng nguồn nước từ vụ trước xử lý lại, chứ không lấy được nước mặn mới từ biển. Vì vậy, dễ xảy ra rủi ro. Cả 2 vụ nuôi trong năm nay chúng tôi chỉ thả giống được 400 ao (200 ha) do thiếu nước mặn và lo ngại tình hình dịch bệnh chưa thể khống chế”. 

Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang thì ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo chứ không thể ngăn cấm người dân tuyệt đối không được nuôi tôm nối vụ trong ruộng. Biết là rủi ro nhưng một số hộ dân vẫn tự ý làm và ngành nông nghiệp cũng không có chế tài nào để phạt họ được.

 

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất