| Hotline: 0983.970.780

Tiền bồi thường hàng vạn m2 đất đi đâu?

Thứ Ba 14/02/2012 , 12:50 (GMT+7)

Khi tiến hành GPMB, triển khai việc bồi thường cho dân, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã không tổ chức họp dân, không công khai, dẫn đến việc người dân bức xúc...

Bà Nguyễn Thị Sâm đứng đơn tố cáo

Theo bà Nguyễn Thị Sâm, một công dân của xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), người được nhân dân trong xã bầu vào Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) để đại diện cho dân trong khi thực hiện GPMB tại xã lấy đất giao cho chủ đầu tư là Cty địa ốc SenCo5, và một số công dân khác, thì khi tiến hành GPMB, triển khai việc bồi thường cho dân, xã đã không tổ chức họp dân, không công khai, dẫn đến việc người dân bức xúc, không nắm được quyền lợi của mình khi bị thu hồi đất, và nghiêm trọng hơn là việc có dấu hiệu gian dối để tham ô, bớt xén một lượng tiền rất lớn của dân.

Bà Sâm dẫn chứng: Chỉ nói riêng việc GPMB ở đội 4 (còn gọi là thôn Thượng) xã Cự Khê thôi, cũng đủ thấy dấu hiệu của sự gian dối, tham nhũng khủng khiếp đến mức nào rồi. Tổng diện tích đất (ngoài thổ cư) của đội 4 là 1.117.800 m2 (111,78 ha), gồm các loại đất canh tác quỹ 1 (giao lâu dài cho dân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ), đất do bà con san lấp thùng vũng, bờ, đất san lấp kênh mương không sử dụng… Khi tiến hành GPMB, xã có thành lập ban kiểm tra của dân, và dù bà Sâm được dân bầu vào Ban GPMB nhưng sau đó bà bị tìm mọi cách để vô hiệu, số còn lại thì toàn là “người nhà” của cán bộ thôn và xã.

Theo báo cáo của Ban kiểm tra trên, thì hiện đội 4 đã bị thu hồi 916.200 m2 (tương đương 91,62 ha), và đã giải ngân toàn bộ số tiền bồi thường diện tích trên cho dân. Thế nhưng theo sự tổng hợp, thống kê của bà Sâm, thì số tiền bồi thường đến tay dân mới chỉ tương đương với diện tích 802.272 m2 (80,227 ha), số còn lại 113.928 m2, tức là xấp xỉ 11,4 ha đất, không biết tiền nằm ở đâu. Nếu nhân con số trên với giá tiền bồi thường mỗi m2 đất theo quy định tại Quyết định 108 của UBND TP Hà Nội, thì đó là một số tiền khổng lồ. Hiện mới chỉ mới phát hiện ra là xã đã “đứng tên” hộ 20.160 m2 (2,016 ha) trong số diện tích đó, dù đó không phải là đất công ích (5%) do xã quản lý. Còn thì dân mù tịt.

Một số diện tích đất khác cũng có sự bất bình thường khi nhận tiền bồi thường GPMB khiến bà con bức xúc, trong tổng số 48.600 m2 đất (4,86ha) do bà con san lấp kênh mương không sử dụng, thùng vũng, rãnh… trở thành đất canh tác, và xưa nay họ vẫn canh tác trên đất đó, nhưng khi thu hồi, lãnh đạo đội 4 chỉ cho những hộ đó hưởng 20% tiền bồi thường, còn lại 80%, cán bộ hứa sẽ “chia đều cho dân trong đội”, nhưng cho đến nay người dân vẫn chẳng thấy tăm hơi một đồng nào.

Cũng như vậy, đội 4 xưa nay có 8 cái ao với tổng diện tích 12.600 m2 (1,26 ha), trước nay vẫn cho một số hộ thầu. Từ năm 2004 đến nay, người thầu là ông Lê Đức Phú. Khi diện tích trên bị thu hồi, đội đã cho một số hộ đứng tên chủ sử dụng ao đó (theo bà Sâm thì đó là những hộ có ao đã góp ao vào HTXNN từ năm 1963), và các hộ này cũng chỉ được nhận 20% giá trị tiền bồi thường, còn 80% không biết đi đâu?

Một vấn đề nữa cũng khiến người dân bức xúc không kém, là chuyện giá đền bù. Bà Nguyễn Thị Sâm cho biết: Năm 2009, UBND TP Hà Nội quy định giá đền bù đất nuôi trồng thủy sản là 126.000 đồng/m2, thế nhưng với đất nông nghiệp bị thu hồi, chúng tôi cũng chỉ được đền bù 126.000 đồng/m2, trong khi giá đền bù đất nông nghiệp, thành phố phê duyệt là 189.000 đồng/m2. Tính ra mỗi m2 đất nông nghiệp, chúng tôi thiệt hại 63.000 đồng. Nếu nhân với gần một triệu m2 đất nông nghiệp bị thu hồi chỉ của một đội 4 chúng tôi thôi, thì con số đó là bao nhiêu. Không chỉ cái lớn, mà cả từ cái rất nhỏ nhặt họ cũng gian dối. Cả đội có 10 ngôi mộ cần phải chuyển đi, họ đắp thành 23 nấm. Dân hỏi, cán bộ bảo “đắp sẵn như vậy để… đề phòng sau có người cần chuyển”.

Do những bức xúc như vậy, nên tại đội 4 (tức thôn Thượng) xã Cự Khê vẫn còn 20 hộ dân không nhận tiền đền bù trên tổng diện tích 50.400 m2 đất bị thu hồi. Và họ cho biết, chỉ khi nào những dấu hiệu khuất tất trên được làm sáng tỏ bởi một đoàn thanh tra nghiêm túc, công tâm, có kết luận rõ ràng, thì họ mới nhận tiền và giao đất cho chủ đầu tư. Nếu không, họ sẽ quyết đi đến cùng để tìm sự thật.

Thiết nghĩ, nguyện vọng trên của những người dân đó là chính đáng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất