| Hotline: 0983.970.780

"Tiền bồm" lên phố

Thứ Sáu 18/11/2011 , 09:53 (GMT+7)

Vì sao có nhiều người ở quê dính bẫy nợ? Số tiền ấy chạy đi đâu? Làm thế nào để tránh được "cơn bão" đó?...

Những vụ vỡ nợ khắp nơi khiến làng quê chao đảo

Vì sao có nhiều người ở quê dính bẫy nợ? Số tiền ấy chạy đi đâu? Làm thế nào để tránh được "cơn bão" đó?... Bài viết này sẽ lý giải phần nào điều đó và cũng xin được khép lại loạt bài "Bẫy nợ bủa vây làng quê" tại đây.

>> Chao đảo vì hụi ảo
>> Bẫy nợ bủa vây làng quê

Cho vay bằng "chỉ số tín nhiệm"

Những thông tin về các vụ vỡ nợ ở tận Hải Dương, Thái Bình, Hà Tây (cũ)… gần đây liên tiếp dội về khiến ông Lê Văn Thành ở xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ăn không ngon, ngủ không yên. Đã thế, bà vợ và những đứa con ông suốt ngày cằn nhằn khiến ông càng thêm bức bối. Thông tin về khoản tiền hơn 50 triệu đồng cho một người bạn thân ở huyện Tân Yên vay với lãi suất hơn 2%/tháng vẫn bặt vô âm tín.

Chăn lợn chăn gà, tích góp đủ kiểu, từ củ khoai, cây sắn, ông Thành có trong tay lưng vốn hơn 60 triệu đồng. Cách đây 4 tháng, ông định bụng mang tiền đi gửi vào ngân hàng cho chắc ăn, mỗi tháng lãi vài trăm nghìn để lấy tiền trang trải cho bữa cơm gia đình thêm cọng rau, lạng thịt. Thế mà cuối cùng, lần lữa mãi, hết thu hoạch lúa, bán lứa lợn, rồi lại quay sang làm vụ đông, ông cũng chưa có lúc nào mà đi gửi tiền được. "Đành để lúc nào rảnh rang thì mang lên, còn thủ tục nọ kia này khác, chắc mất cả ngày, nên đành chờ vậy”, ông Thành tâm sự.

Thình lình một buổi sáng, cách đây gần 3 tháng, một người họ hàng của ông Thành từ Tân Yên sang chơi. Biết ông có số tiền trên, người này gạ gẫm ông cho anh ta vay, mỗi tháng trả lãi 2,2%, trả lãi trước 2 tháng. Ông Thành nhẩm tính, với lãi suất như vậy, mỗi tháng ông có hơn 1 triệu, cao gấp đôi so với gửi ngân hàng. Là chỗ họ hàng, chắc chả mất đâu mà sợ.

Nghĩ vậy nên ông đưa cả số tiền cho anh kia mà không cần có giấy tờ vay mượn. "Được 2 tháng đầu, ngay từ đầu tháng tôi đã nhận đủ lãi. Nhưng đến tháng này, đã gần hết tháng rồi mà chưa thấy tiền đâu. Điện cho anh kia thì không thấy nghe máy", ông Thành lo âu.

Ông Thành cũng kể, trong họ hàng nhà ông, nhiều người tiết kiệm bao năm, được mấy chục triệu đều dồn cả cho vay lãi. Đến nay, gay nhất là gia đình ông Biên ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) cho vay hơn 100 triệu. Đây là số tiền ông Biên tích góp bao nhiêu năm nay từ ruộng vườn, cộng với việc “cắm” sổ đỏ nhà đất vào ngân hàng, để lấy tiền cho vay hòng kiếm nhiều lãi.

Tuy nhiên, trước việc chậm trả lãi, cộng với thông tin dồn dập về việc vỡ nợ hàng loạt đường dây “tín dụng đen” ở các tỉnh, TP trên cả nước mà báo, đài liên tục đưa tin, những “chủ nợ” mà tôi gặp đều đang rất lo lắng. Chả ai bảo ai, những “người cùng khổ” này cam tâm chịu đựng nỗi đau, cho dù thực ra vẫn chưa hết hy vọng.

“Chẳng hy vọng gì nhiều nhưng giờ thì còn tâm trí nào mà đi đâu, làm gì ngoài việc ngồi cho đỡ… sốt suột. Vẫn biết chưa chắc đã đòi được tiền nhưng dù sao thì ở đây, được gặp gỡ, được than phiền với những người rơi vào thảm cảnh như mình thì cũng vơi bớt phần nào nỗi đau”, một chủ nợ tâm sự.

Có thể hy vọng của những người dân quê chưa hết. Nhưng, nếu đòi được, chắc họ sẽ chẳng bao giờ vấp lại thảm cảnh này lần thứ hai. Thực tế, chuyện vay mượn bằng “chỉ số tín nhiệm”, tức là lạm dụng lòng tin để vay tiền, đã và đang rất phổ biến ở những thôn làng bình yên. Chả thế mà khi vỡ lở những đường dây “tín dụng đen”, nhiều chủ nợ mới ngơ ngác nhìn nhau. "Hóa ra, thằng đấy trước nay nó tử tế thế, ai ngờ…".

Lên phố

Tiền của những nông dân không nhiều, mỗi gia đình cũng chỉ cỡ vài chục, người nhiều thì đôi ba trăm triệu. Nhưng cộng dồn lại của hàng chục, thậm chí hàng trăm gia đình, con số không hề nhỏ. Tôi nhẩm tính như thế. Vậy thì dấu hỏi đặt ra là tiền đó đi đâu?

Tôi còn nhớ, cách đây chừng nửa năm, trong một cuộc hội thảo về vốn cho DN, một người đàn ông trung niên, mà sau này tôi mới biết là giám đốc một Cty xây dựng ở Bắc Ninh, có phát biểu rằng, trong gần cả năm nay, trừ những DN có quan hệ mật thiết và đặc biệt với ngân hàng, có khả năng “chạy sân sau” để vay vốn, đảo nợ và tiếp tục được ngân hàng giải ngân cho một số dự án bất động sản, thì những DN không có được ưu thế đó, nhất là những DN đang có dự án dở dang cần hoàn thiện, phải có đến 80 - 90% là tìm đến với tín dụng đen.

Điều này lý giải tại sao những đường dây tín dụng đen lại nở rộ, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước “siết chặt” tín dụng đối với khu vực kinh tế này. Thế là hầu như toàn bộ hệ thống “thu gom vốn đa cấp” nở rộ và phát triển ồ ạt. Bạn tôi, lãnh đạo một ngân hàng cấp huyện ở Bắc Giang, khẳng định chắc chắn rằng, hầu hết tất cả các cửa hàng kinh doanh vàng và tiền tệ trên địa bàn huyện đều tham gia và đường dây tín dụng này.

Dưới họ là một hệ thống “chân rết” là các cò thu gom “tiền bồm” (ngôn ngữ của giới tín dụng đen là tiền thu gom từ nông thôn). Lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết và có uy tín, họ vay mượn của những người thân với lãi suất từ 2% đến dưới 3%/tháng, rồi cho các cửa hàng vàng vay lại với lãi suất lên đến 3,5, thậm chí 4%/tháng. Thế rồi cứ theo từng "nấc", lãi suất lại được đẩy lên…

 Theo một vị giám đốc DN, việc tìm đến các nguồn tín dụng đen tại các tỉnh lẻ không hề khó. Không tính đến các loại tín dụng đen “tẹp nhẹp” chỉ cho vay một, hai trăm triệu mà bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy ở các trang rao vặt trên mạng, hoặc thậm chí được chào mời bằng tờ rơi dúi tận tay chỗ đỗ xe chờ đèn đỏ, thì với các DN cần vốn từ 1-2 tỷ đồng, thậm chí lên tới 5-7 tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng, chỉ cần đánh tiếng tới một vài cá nhân môi giới mà dân bất động sản quen mặt, thuộc tên, là đã có nguồn cung chờ sẵn.

"Tín dụng đen luôn tồn tại, như tảng băng chìm, chỉ đôi khi bị bùng phát theo hiệu ứng đô-mi-nô thì mới gây sự chú ý xã hội. Nhưng giai đoạn hiện nay do các khó khăn bất ổn vĩ mô, ngân hàng thắt chặt tín dụng, các thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang đóng băng, tính thanh khoản thấp, nên càng thúc đẩy tín dụng đen phát triển và vỡ nợ lây lan. Theo tôi, một mặt, quản trị vĩ mô và các ngân hàng thời điểm này càng cần chặt chẽ, cảnh giác cao. Mặt khác, cơ quan hình sự cần vào cuộc mạnh để phối hợp điều tra, xử lý kịp thời", TS Hoàng Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, việc DN bất động sản vay tín dụng phi chính thức không phải là một hiện tượng mới. Vấn đề là khi khi bất động sản “ăn nên làm ra”, nóng sốt, DN hay nhà đầu tư rất dễ vay tín dụng ngân hàng, thậm chí có vay tín dụng đen thì cũng còn cơ hội để trả nợ. Nhưng khi thị trường đóng băng, sản phẩm làm ra không bán được, lãi mẹ đẻ lãi con, DN không chỉ có nguy cơ bị siết nợ mà còn dễ rơi vào phá sản, “thân bại danh liệt”.

Cùng với đó, ngay cả những “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản đứng ra cho vay nặng lãi, vốn liếng không hẳn đều là của họ. Ở cương vị chủ nợ huy động vốn, họ cho vay và lấy lãi được theo đúng thỏa thuận, có tiền trả lãi + vốn cho những người tham gia góp vốn vào đường dây thì không sao, nhưng chỉ cần một, hai DN vay nợ lớn hết sức cầm cự, mất khả năng trả vốn lẫn lãi, “bùng” nợ, thì các đại gia từ chủ nợ biến con nợ, cũng vỡ nợ theo.

Xin mượn hình ảnh sau để kết thúc bài viết: Trước ngã tư lớn của TP Bắc Ninh, hằng ngày người ta vẫn thấy người đàn ông già nua khắc khổ ngồi sửa xe đạp. Chỉ đến khi vụ vỡ nợ mang tên Nguyễn Thị Minh Tâm vỡ lở mọi người mới ngạc nhiên bởi người đàn ông sửa xe kia lại là bố đẻ của “đại gia” Tâm. Hàng ngày Tâm vẫn đi làm bằng ô tô láng coóng, tiêu tiền không tiếc tay. Con “thành đạt” là vậy nhưng bố thì vẫn phải kỳ cạch kiếm từng đồng tiền nhỏ nhất.

Phần lớn người dân sống ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh vẫn nói rằng bố mẹ Tâm là những người rất tử tế. Chẳng thế mà khi Tâm cần tiền “làm ăn”, bố mẹ đi hỏi vay hộ thì ai cũng sẵn lòng. Thế nhưng, giờ thì Tâm đã vỡ nợ, biến bố mẹ thành những người lừa đảo. Chẳng còn cách nào khác, ông bà đành muối mặt mà khất nợ, rồi ngày ngày lại ra ngã tư, kiếm tiền đấp đổi qua ngày…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.