| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vùng cao 135:

Tiền đổ như nước mà nước không có

Thứ Tư 25/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Công trình nước sạch cho vùng nông thôn là điều cấp thiết nhưng cũng là thứ dễ bị phung phí nhất hiện nay.

Càng ở vùng sâu vùng xa, càng xa “ánh mặt trời”, thiếu giám sát thì sự phung phí này càng lớn.

Nước qua bể lọc vẫn thấy... cá

Trong một chiều đội mưa, tôi cùng ông trưởng xóm Bò (Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình) đi khảo sát hàng loạt các bể nước trong xóm. Nghịch lý là trên trời mưa giăng trắng còn trong bể thì chẳng có một giọt nước nào, khô rang như ruộng hạn.

Người ta đã rất kỳ công khi thiết kế một đường ống dẫn nước từ nguồn của xã Phú Cường về xóm Bò trị giá cả trăm triệu nhưng sau mấy năm giờ chỉ còn hoạt động khoảng 20% thiết kế.

Bể lọc không lọc được nước. Bể chứa không có gì để chứa bên trong. Hệ thống trụ đỡ đường ống xưa đắp bằng xi măng trộn đá lổn nhổn cẩu thả giờ nát vỡ gần hết. Ống dẫn đoạn còn, đoạn vỡ, đoạn mất, người dân vá víu, nối thêm bằng cả những đoạn thân tre.

Một số bể của xóm còn lấy được nước thì bà con cũng chỉ dám dùng để giặt giũ chứ không dám tắm táp càng không dám dùng để ăn.

Trưởng xóm Đinh Công Hay kể: “Chẳng hiểu tại sao nước đã qua bể lọc về mà mở vòi ra còn thấy cả cá suối bơi lội trong đó. Giờ đây bể lọc không còn tác dụng nữa người ta sợ không dám dùng nước để sinh hoạt”.

Một điển hình cho sự lãng phí là công trình nước sạch ở xóm Ưng và Kè (Phú Vinh). Anh Đinh Công Phước, Trưởng xóm Ưng, chỉ cho tôi mó nước Khanh của xóm và giải thích, khi trước nước ở đây đùn lên dân xung quanh chỉ việc đem thùng ra gánh về.

Thương người dân gánh nước vất vả, cách đây vài năm trên cho một dự án nước sạch chung của hai xóm Ưng và Kè. Người ta đem xây tường bao quanh mó nước Khanh để rồi bơm lên chiếc bể lớn đặt tít trên đồi Khụ Đét từ đó phân về các bể công cộng của hai xóm cho hơn 200 hộ dân sử dụng.

14-06-18_dsc_7444
Đường lên bể chứa cây mọc như rừng

Buổi thi công, tiếng máy móc ầm ì vang vào vách đá khiến núi rừng nhộn nhịp hơn cả ngày mùa. Dân các xóm túa ra. Từ già đến trẻ ai nấy đều hởi lòng, hởi dạ. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Công trình xây đắp tốn kém ấy giờ hoàn toàn đắp chiếu, chẳng có tác dụng.

Tôi theo chân trưởng xóm lên đồi Khụ Đét xem rõ nguồn cơn. Dễ đến mấy năm không ai lên đây, dây leo, cây bụi chắn lối kín mít như rừng. Chúng tôi vừa đi vừa cầm dao phát quang mới có chỗ đủ để đặt một bàn chân mà luồn lách, mà nhích dần lên từng bước một…

Hai chiếc bể lớn sừng sững giữa trời đất. Cái bể lọc cây mọc ngập đầu người không ai chặt. Cái bể chứa rỗng không, bên trong toàn lá mục.

Anh Phước giải thích cho tôi nguyên do của mọi vấn đề là không khảo sát kỹ, không họp dân để bàn nên mới có chuyện xây dựng ở chỗ nguồn cung nước không đủ. Nhân lũ về, nước thượng nguồn đổ xuống, dịp may hiếm hoi đó khiến người ta hối hả nghiệm thu luôn công trình.


Công trình nước sạch ở xóm Ưng

Tiếng vỗ tay chưa kịp tan dư âm rộn ràng trong tai người thì nước nguồn đã cạn. Những chiếc đồng hồ đo nước gắn ở các cột chưa bao giờ được làm nhiệm vụ chính của mình là quay số mà chỉ như một vật trang trí không hơn, không kém.

Dân bản Ưng phải đợi đêm đến mới đóng cầu dao, chạy máy để mong vét được chút ít nước hiếm hoi. Một thời gian sau khi cái máy bơm bị hỏng người ta cũng lãng quên luôn công trình trị giá tiền tỉ này.

Phú Vinh là một vựa mía bao la, hệ lụy kéo theo nó mỗi năm là một lượng thuốc BVTV khổng lồ được tưới đẫm xuống, cực kỳ ô nhiễm. Địa chất ở đây lại là vỉa đá ngầm chỉ cách mặt đất chừng hai ba mét, hầu như không thể đào được giếng. Người dân không còn sự lựa chọn nào khác phải dùng thứ nước mặt đã bị đầu độc ấy làm nước ăn, nước sinh hoạt quanh năm suốt tháng.

Sang một xã khác ở Tân Lạc là Phú Cường, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. 17/19 xóm trong xã có công trình nước sạch với tổng giá trị đầu tư khoảng 5 - 6 tỉ đồng nhưng chỉ 5 xóm là còn sử dụng tàm tạm.

14-06-18_dsc_7498
Công trình nước sạch ở xóm Bưởi giờ thành vô dụng

Làm lấy được

Anh Quách Công Trọng, Phó Chủ tịch Phú Cường, đã chỉ ra hàng loạt những cái lỗi nghiêm trọng như: Không cho họp dân tham gia góp ý kiến. Không khảo sát kỹ, quy hoạch ngay ở vùng không sinh thủy vào mùa khô. Không huy động theo cách Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng đóng góp mà cho không công trình nên dễ nảy sinh tư tưởng “cha chung không ai khóc".

Ý thức bảo vệ của người dân chưa cao. Chất lượng xây dựng có vấn đề nhưng chủ đầu tư là cấp trên nên xã, thôn không có quyền giám sát.

Xóm Bưởi có 60 hộ được bố trí xây một nguồn nước chung dẫn về năm cái bể chứa. Ông Bùi Văn Ngay, Bí thư của xóm bảo lúc nhóm thợ đang xây dựng ở mó Bưởi, ông và nhân dân đã có ý kiến ngay là phải dừng thi công vì làm quá ẩu.

“Họ đắp bờ xi măng vây quanh mó để giữ nước nhưng không hề làm móng thì nước sẽ bị lọt hết qua kẽ đá là điều chắc chắn. Thế mà nói mãi họ cũng không nghe. Càng bảo dừng thì họ lại càng làm nhanh, làm gấp kiểu như cho xong chuyện”, ông Ngay kể tội.

Hậu quả là giờ đây 5 chiếc bể của xóm chưa bao giờ hứng được một giọt nước sạch. Ống dẫn nước chỗ đã tụt ra, chỗ vẫn còn nhưng thứ trong ống chỉ là không khí. Nước nôi bí bách khiến cho các hộ dân trong xóm Bưởi phải tự làm ống ti ô dòng về nhà hệt như thủa nào. Công trình nước sạch trở thành một cái gai nhức nhối trong mắt bà con.

Mới khảo sát 2 xã mà đã có tiền tỉ bị lãng phí thử hỏi trên phạm vi cả huyện, cả tỉnh, cả nước này con số ấy là bao nhiêu? Hằng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mồ hôi, nước mắt từ thuế đóng của nhân dân đã bị lãng phí cho những công trình tiền đổ ra như nước mà nước thì nhất định là không có.

LÀM ĐƯỜNG KỲ LẠ

Hết chuyện nước lại đến chuyện đường. Đường liên xóm ở Phú Vinh thay vì sử dụng đầm dùi, đầm bàn bằng máy người ta dùng một ống nhựa đập bì bõm xuống mặt bê tông ướt hệt như nông dân đập mặt ruộng mạ.

Đường liên xã Trung Hòa, Phú Vinh, Phú Cường hôm khởi công có lãnh đạo tỉnh đến người ta mới thấy một chiếc xe lu xịt khói đen xì chạy một lượt. Lãnh đạo đi, cái xe lu cũng mất dấu.

Vật liệu làm đường là loại đá mạt trắng rất mềm và dĩ nhiên giá của nó cũng mềm hơn nhiều so với đá tiêu chuẩn. Đáng phải trộn bê tông bằng máy chuyên dụng người ta lại sáng tạo ra cách làm mới: Một cái máng khổng lồ to như cái thuyền được đem tới. Xi măng, cát sỏi, nước cứ thế chế vào rồi dùng gàu của máy xúc mà trộn nháo trộn nhào.

Thấy kiểu làm ăn đó, nhiều xã phản ánh lên trên nhưng chỉ nghe trả lời rằng: “Xã chỉ lo giải phóng mặt bằng còn giám sát kỹ thuật thì để huyện đảm trách”. Rằng: “Động chạm tới công ty thi công là động chạm tới lãnh đạo cấp trên, cẩn thận đấy!”.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm