| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Tàu cá cũng ào ào...xuất ngoại

Thứ Năm 28/01/2010 , 10:42 (GMT+7)

Không riêng Cà Mau, việc đưa tàu ra nước ngoài khai thác thủy sản đang trở thành “trào lưu” của các tàu cá “đại gia” ở Tiền Giang. Ngư dân còn kháo nhau, đưa tàu ra nước ngoài đánh cá một năm có thể mua được nhà lầu.  

Mặc dù, so với các tỉnh khác ở ĐBSCL thì Tiền Giang có số lượng tàu cá không nhiều nhưng cơ cấu nghề nghề đánh bắt thủy sản ở đây khá đa dạng. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 1.449 chiếc tàu lớn nhỏ với tổng công suất máy 258.555 CV. Trong đó, số tàu hoạt động xa bờ là 823 chiếc.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số tàu cá có màu sơn mới với thân tàu vàng, xanh, có chiếc còn mang biển số quản lý khá lạ lùng. Anh Nguyễn Thanh Tùng là thuyền trưởng đi trên tàu “lạ” ấy (xã Bình Đông-TX Gò Công) cho biết: “Đó là tàu của ông chủ vừa đi hợp đồng đánh bắt ở Malaysia về, đang chờ các anh đăng kiểm trên tỉnh xuống để đăng kiểm lại”.

Cũng theo anh Tùng thì ông chủ này có 4 chiếc tàu (1 chiếc của ông, còn 3 chiếc kia của chị và em nhưng giao cho ông quản lý) vừa được sơn lại là để phù hợp với quy định mà phía bạn yêu cầu. Vì ở Malaysia, các tàu đánh bắt cá chỉ được khai thác tại một vùng biển nhất định và có đăng ký trước. Vùng biển được phép đánh bắt cá phải cách bờ ít nhất 30 hải lý đối với đất liền, 15 hải lý đối với đảo và trong vùng biển đó chỉ có một số lượng tàu nhất định (mỗi vùng biển tàu có một màu khác nhau). Malaysia quản lý các tàu khai thác thủy sản trên biển bằng chíp điện tử và khi có tàu nào vi phạm thì mức phạt đưa ra thường rất nặng.

Anh Tùng cho biết thêm, thủ tục để đưa tàu cá sang Malaysia không mấy phức tạp. Khi nhận được hồ sơ đăng ký, đăng kiểm từ nhà chức trách nước bạn, tàu cá từ Việt Nam có thể yên tâm sang Malaysia đánh bắt, tại một vùng biển cụ thể. Thường các chủ tàu giao toàn bộ công việc "chạy giấy" này cho một người môi giới lo, với chi phí từ 15.000- 18.000 USD mỗi tàu. Công việc còn lại của chủ tàu là sơn lại tàu cho phù hợp với quy định của Malaysia, giúp các thuyền viên làm hộ chiếu xuất cảnh.

Một chủ tàu tại phường 2, TP Mỹ Tho có tàu sang đánh bắt ở Malaysia cho biết, tuy hằng tháng phải đóng phí cho chính quyền sở tại số tiền khoảng 2.000 USD, nhưng do nguồn cá ở đây còn dồi dào, giá dầu lại rẻ nên sau khi trừ hết chi phí cho mỗi chuyến biển, ngư dân vẫn có lãi cao hơn 30% so với đánh bắt ở vùng biển trong nước. Hiện trên địa bàn Tiền Giang có khoảng 15 tàu khai thác thủy sản “hợp đồng” khai thác thủy sản với Malaysia tập trung ở xã Tân Phước (Gò Công Đông) và phường 2 (TP Mỹ Tho). Trong đó, chủ yếu các tàu xuất ngoại theo hình thức “hợp đồng” khai thác thủy sản trực tiếp với DN nước ngoài mà không thông qua nhà nước, chỉ có 2 tàu xuất ngoại theo chương trình hợp tác khai thác thủy sản giữa 2 nước.

Cách đưa tàu sang Malaysia thực ra là bán khống tàu cho một người nào đó mang quốc tịch Malaysia. Chính một chủ tàu ở xã Tân Phước (Gò Công Đông) cũng thừa nhận như vậy. Sau khi bán cho một đối tác Malaysia, tàu của ông sang đánh bắt ở vùng biển nước bạn được hai chuyến đều có lãi. Nếu trước đây ở trong nước, mỗi chuyến biển 20 ngày chiếc tàu hành nghề lưới quàng của ông với 12 thuyền viên bán được 300- 400 triệu đồng tiền cá. Sau khi trừ chi phí (7.000 - 10.000 lít dầu, 3.000 cây nước đá, chi phí cho thuyền viên...), thường là bị lỗ. Còn đưa tàu sang Malaysia, hai chuyến rồi ông đều bán được trên 500 triệu đồng tiền cá, trong khi tiền dầu lại giảm được một nửa. Mỗi chuyến biển 30 ngày ông lãi được trên 100 triệu đồng.

Việc hợp tác khai thác thủy sản với các nước bạn trong khu vực nhằm gia tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả kinh tế là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, việc đưa tàu ra nước ngoài khai thác thủy sản theo con đường bất hợp pháp là rất nhiều rủi ro, chủ tàu có thể “mất cả chì lẫn chài”, ảnh hưởng đến danh dự quốc gia và mối giao hảo giữa hai nước.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.