| Hotline: 0983.970.780

Tiền Hải - hành trình của cây lúa

Thứ Năm 16/06/2011 , 11:18 (GMT+7)

Là một trong 2 huyện biển của Thái Bình, được quan Doanh điền sứ - Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ lập ra ngót hai trăm năm trước, Tiền Hải hiện là một huyện giàu của tỉnh lúa với thế mạnh “lúa trên - cá dưới”.

 Với 12.000 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cấy lúa đạt gần 11.000 ha, nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, nên nhiều năm qua, năng suất lúa của Tiền Hải luôn đạt mức 13 tấn/ha/năm, trở thành một trong những huyện có năng suất lúa cao của tỉnh Thái Bình…

Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với những thành tích đó. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, tiếp tục nâng cao năng suất lúa và chất lượng sản phẩm lúa gạo của địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Tiền Hải, đang trở thành mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện. Để đạt được mục tiêu đó, thì một trong những yêu cầu cấp thiết là phải có được một bộ giống lúa phong phú, thích hợp với từng chân đất, từ đó chuyển đổi cơ cấu giống của địa phương theo hướng vừa ưu tiên phát triển những giống lúa chất lượng cao vừa đảm bảo được an ninh lương thực…

Được Thường trực Huyện ủy giao nhiệm vụ, UBND huyện Tiền Hải đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao (thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp) nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa. Và cho đến nay, đã đưa ra được một bộ cơ cấu giống lúa mới, hoàn toàn có thể thay thế dần những giống lúa cũ. Theo ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tiền Hải, thì bộ giống mới này bao gồm 2 loại lúa thuần và lúa lai.

Lúa thuần là những giống QR1; QR2; DT68; DT69 và J02. Đây chưa phải là sự lựa chọn cuối cùng nhưng rõ ràng qua khảo nghiệm, thấy những giống lúa trên có những ưu điểm nổi trội hơn hẳn các giống cũ như Khang Dân, Q5… nhờ ít nhiễm sâu bệnh, phát triển tốt. QR2 và DT68 là hai giống lúa chất lượng cao, đang được lựa chọn để thay thế cho Bắc thơm 7.

 Về lúa lai, hiện đã khảo nghiệm thành công 2 giống là Hương ưu 98 và C.ưu đa hệ số 1. Hương ưu 98 là loại lúa lai có chất lượng gạo rất thơm ngon, trong tương lai, nó cũng sẽ được lựa chọn để đưa vào bộ giống lúa chất lượng cao của huyện. Về năng suất và sự thích nghi với đồng đất Tiền Hải, đặc biệt phải kể đến C.ưu đa hệ số1. Đây là loại giống lúa lai ba dòng mới do Trung Quốc chọn tạo. C.ưu đa hệ số 1 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 130 ngày, vụ mùa 110 ngày ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, cây cứng, lá đòng dài, đẻ nhánh khá. Ông Trần Minh Tiến khẳng định:

- C.ưu đa hệ số 1 tuy gạo không thơm ngon bằng Hương ưu 98, nhưng bù lại, đây là loại lúa lai siêu năng suất. Về lý thuyết, lúa có thể đạt 16 tấn/ha/vụ. Vụ xuân năm 2011 này, chúng tôi đã cấy trên 70 ha tại cánh đồng làng Quan Cao thuộc xã Vân Trường, trong điều kiện chăm sóc chưa đạt so với yêu cầu mà lý thuyết đề ra (phân chuồng 10-13 tấn/ha; đạm ure 240-300 kg/ha; lân super 450 kg/ha…) nhưng năng suất cũng có thể đạt 9 tấn/ha…

Tại cánh đồng làng Quan Cao, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những cánh đồng lúa C.ưu đa hệ số 1, và thấy bông lúa dài hơn hẳn những bông lúa của các loại lúa khác, tỷ lệ hạt lép hầu như không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Bạch, cấy 5 sào Bắc bộ (mỗi sào 360 m2) giống C.ưu đa hệ số 1, cho biết:

- Vụ xuân năm nay có đợt rét hại, lúa chết nhiều. Sau đợt rét, chúng tôi phải san bớt từ những khóm không chết để dặm vào những chỗ chết, mỗi khóm lúa chỉ còn đúng 1 dảnh. Việc chăm sóc cũng chỉ bình thường như chăm sóc những giống lúa khác. Thế mà từ một dảnh ấy, nó đẻ thành những khóm lúa to hơn hẳn những khóm của giống khác. Nhìn lúa này, thấy đạt trên 3 tạ một sào là chắc rồi.

Cũng tại hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả sản xuất thử giống lúa lai 3 dòng C.ưu đa hệ số 1, do Công ty Giống cây trồng Tây Khoa Tứ Xuyên, Viện Di truyền NN, Sở NN- PTNT Thái Bình và UBND huyện Tiền Hải tổ chức ngày 14/6/2011 tại Tiền Hải, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đại diện hơn 10 Sở NN- PTNT và hàng chục công ty giống cây trồng của các tỉnh phía Bắc, nhiều ý kiến đã thống nhất về những ưu điểm nổi trội của giống lúa này, đó là chịu thâm canh; rất ít nhiễm bệnh; đẻ khỏe, cứng cây và đặc biệt là năng suất cao.

Nếu giống lúa này được đưa vào cơ cấu giống của các địa phương, và được cấy với một diện tích thích hợp, sẽ góp phần không nhỏ trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất