| Hotline: 0983.970.780

Sửa chữa, nâng cấp hồ An Vang:

Tiền mất, "tật" mang

Thứ Sáu 21/03/2014 , 11:05 (GMT+7)

Được đầu tư tới 5 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp, ai ngờ hồ An Vang khi đưa vào sử dụng thì lại không đủ nước đến tất cả các xứ đồng như trước.

Hồ thủy lợi An Vang, ở tổ 3, thôn An Lâm, xã Thăng Phước (Hiệp Đức, Quảng Nam) do hàng trăm hộ dân tự đào đất, đá xây dựng để lấy nước tưới cho những cánh đồng lúa của mình. Tháng 7/2012, hồ An Vang được Nhà nước đầu tư sửa chữa nâng cấp, với số vốn 5 tỷ đồng. Ai ngờ khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì lại không đủ nước đến tất cả các xứ đồng như trước...

RUỘNG ĐỒNG BỎ HOANG

Theo phản ánh của người dân tổ 3, thôn An Lâm, xã Thăng Phước, vào năm 1987, người dân xã Thăng Phước tự đào đất, phá đá đắp đập; họ bỏ tiền mua vật liệu xây dựng hồ chứa nước An Vang. Hồ này cung cấp nước cho 4 cánh đồng gồm: Bà Đẳng, Nà Nha, Cây Cau, Gò Nà đều thuộc thôn An Lâm với tổng diện tích 28 ha canh tác lúa nước 2 vụ. Sau nhiều năm sử dụng, hồ An Vang có phần xuống cấp, nhưng vẫn cung cấp đủ nước cho cả 4 xứ đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2012, UBND huyện Hiệp Đức quyết định đầu tư nâng cấp, sửa chữa, nạo vét hồ, nhằm bảo đảm chủ động cung cấp nước tưới cho các cánh đồng, với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Điều đáng nói là ngay sau khi đưa vào sử dụng, 3 ha đất trồng lúa thuộc cánh đồng Cây Cau của bà con lại không có nước, dẫn tới hơn một nửa diện tích bị bỏ hoang, số còn lại chuyển sang trồng lạc, đậu, ngô. Song do thiếu nước tưới nên năng suất cây màu rất bấp bênh.

Theo người dân tổ 3, thôn An Lâm, từ ngày xây dựng đập họ đã tính toán thiết kế cống đập nối liền với một ống sắt dài 6,5m đặt ngay miệng cống từ thân đập chảy ra để dẫn nước. Từ đường ống dẫn, họ đào một con mương dài 600m dẫn nước đến cánh đồng Cây Cau. Cũng tại miệng cống được thông với một con mương dẫn nước cung cấp cho 3 cánh đồng còn lại.

Thế nhưng, khi thi công, đơn vị trúng thầu lại phá bỏ đường ống và lấp con mương chảy về cánh đồng Cây Cau. Đơn vị thi công chỉ làm con mương dẫn nước ra 3 cánh đồng: Bà Đẳng, Nà Nha, Gò Nà. Ngoài ra, họ còn đào sâu cống đập thấp hơn so với thiết kế ban đầu của người dân làm 1,5m. Đường ống, mương dẫn bị lấp đã đành, nay cống đập lại nằm ở cốt thấp hơn cánh đồng Cây Cau nên bà con muốn đào mương, bắc ống dẫn nước về cánh đồng này cũng không được. 

Ông Phan Tấn Lục, tổ 3, thôn An Lâm phản ánh: Gia đình ông có 2 sào đất ở cánh đồng Cây Cau chuyên trồng lúa, từ ngày công trình được sửa chữa nâng cấp thì nước không về đến ruộng. Cũng từ đó, 2 sào đất ông phải chuyển sang trồng lạc, song năng suất không cao. Cũng tương tự như ông Lục, ông Phan Văn Cang, có 1 sào lúa ở cánh đồng này, vì không có nước SX lúa nên ông chuyển qua trồng ngô, nhưng mất mùa liên tục vị thiếu nước.

08-15-34_anh-4
Cống dẫn nước sau khi xây dựng thấp 1,5m so với thiết kế ban đầu khiến cho nước không đẩy lên được cánh đồng Câu Cau

Trước tình trạng trên, người dân tổ 3, thôn An Lâm đã nhiều lần phản ánh tại nhiều cuộc họp và làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều nơi, nhưng đến nay chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để khắc phục, sửa chữa.

SẼ TIẾN HÀNH SỬA SAI

“Ngoài ra, trong quá trình nâng cấp sửa chữa, nạo vét lòng hồ, đơn vị thi công múc đất không đổ ra xa mà để ngay xung quanh hồ, do đó mỗi đợt mưa thì đất, đá lại trôi xuống, khiến diện tích lòng hồ ngày càng bị thu lại”, một người dân
phản ánh.

Ông Thiều Quang Bốn, Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho biết: Khi đơn vị thi công xây cống áp lực ở cốt thấp hơn vị trí cũ, ông đã có ý kiến làm như vậy sẽ không đưa được nước về cánh đồng Cây Cau nên đề nghị đơn vị thi công sửa chữa. Tuy nhiên, đơn vị thi công nói do ông nhìn bằng mắt thường nên thấy vậy chứ họ đã tính rất kỹ rồi. Họ đảm bảo cống sẽ cao hơn ruộng không dưới 0,4m. Ai ngờ khi đưa vào vận hành thì thấp hơn ruộng, phần nữa cũng không làm kênh mương dẫn nước đến cánh đồng Cây Cau nên bà con không có nước SX.

“Sự việc được phát hiện, chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành khắc phục nhưng đến thời điểm này vẫn chưa động tĩnh gì. Được biết, hiện huyện đang có phương án khắc phục”, ông Bốn nói.

Trao đổi với ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức về vấn đề trên, ông Thuyên thừa nhận có việc này xảy ra, đích thân ông Thuyên đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thì đúng như những gì người dân phản ánh. “Nói rõ ra, việc lấp mương đất, tháo dỡ đường ống dẫn nước là không đúng, rồi cống áp lực xây sâu hơn mặt ruộng khiến nước không chảy về đồng Cây Cau là do đơn vị tư vấn thiết kế sai, dẫn đến nhà thầu thi công sai. Họ đã tính toán không kỹ lưỡng”, ông Thuyên thừa nhận.

“Hiện UBND huyện đang tìm các phương án khắc phục những thiết sót trên, chúng tôi chọn những phương án nào tiết kiệm tiền của nhất thì sẽ tiến hành sửa chữa. Chúng tôi mong muốn sớm hoàn thành để đưa nước đến đồng ruộng cho bà con SX. Song nguồn kinh phí của huyện hiện còn eo hẹp nên không thể một sớm, một chiều làm xong ngay”, ông Thuyên cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm