| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ hay... "đạo sĩ"?

Thứ Năm 25/02/2010 , 10:53 (GMT+7)

Khoảng 1 năm trở lại đây, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) được dư luận biết đến như là một địa chỉ quen thuộc của hiện tượng “đạo văn”...

Khoảng 1 năm trở lại đây, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) được dư luận biết đến như là một địa chỉ quen thuộc của hiện tượng “đạo văn”.

4 tiến sĩ cùng... đạo văn

Trong 3 tháng 6, 7 và 8/2009, NNVN đã phản ánh vụ TS Mai Hảo Yến “đạo” liền 3 công trình khoa học của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban, đề tên mình rồi bán cho học trò. Chưa hết tháng 11, 12/2009 và tháng 1/2010, báo chí lại đưa ra ánh sáng sự kiện chấn động làng giáo dục: Hiệu phó Lê Văn Trưởng và Chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội Hoàng Thanh Hải cùng “đạo văn” của  những nhà nghiên cứu nổi danh, tuổi đời đã vượt ngưỡng “cổ lai hi”. Đáng buồn thay, cơn lốc “đạo văn” ở ĐH Hồng Đức chưa có dấu hiệu tan khi một giảng viên khác của nhà trường - ông Trần Quang Dũng tiếp tục “thuổng” công trình khoa học của người khác.

Từ giữa quý 1/2009, đông đảo sinh viên ĐH Hồng Đức đã được cung cấp tập giáo trình “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX” (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2009, 256 trang, khổ 17x24) - tác giả là ông Trần Quang Dũng, TS Ngữ văn, cán bộ khoa Khoa học Xã hội với “lời nói đầu” đầy hào sảng: “Giáo trình này được biên soạn trên cơ sở kế thừa những bộ giáo trình đã có về văn học trung đại Việt Nam” và nó đã “bổ sung được một lượng kiến thức đáng kể, có tính cập nhật, những phát hiện mới về tư liệu văn học, những quan niệm mới về tiến trình, tính chất văn học Việt Nam thời trung đại” (tr 7). 

Giáo trình của ông Trần Quang Dũng (trái) lấy những nhận định, luận điểm của PGS Bùi Duy Tân (phải) vào công trình nghiên cứu mà không kèm theo bất kỳ một dòng chữ nào về nguồn gốc, xuất xứ tư liệu

Song “kế thừa” không đồng nghĩa với việc tự cho mình quyền lấy những nhận định, luận điểm của người khác vào công trình nghiên cứu mà không kèm theo bất kỳ một dòng chữ nào về nguồn gốc, xuất xứ tư liệu. Chính vì vậy, khá nhiều thầy cô giáo và sinh viên ĐH Hồng Đức đã định danh TS Trần Quang Dũng là “đạo sĩ” sau khi tiếp cận với “công trình” trên!

Như vậy chỉ từ tháng 6/2009 đến nay, có tới 4 tiến sĩ của ĐH Hồng Đức bị phát hiện “đạo văn”: Mai Hảo Yến, Lê Văn Trưởng, Hoàng Thanh Hải, Trần Quang Dũng.

Đạo văn mang danh khoa học

Có thể khẳng định ngay rằng, rất nhiều những luận điểm quan trọng trong chương 1 “Khái quát Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX” là sản phẩm “đạo văn” khi ông Trần Quang Dũng không ngần ngại bê nguyên xi, đôi chỗ chỉ thay, sửa một số câu chữ cho có vẻ không “copy 100%” từ bài “Khái quát về văn học trung đại Việt Nam” của cố PGS Bùi Duy Tân trong cuốn giáo trình “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII” - Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Huế (NXB Đà Nẵng, 2004 mà từ đây xin gọi tắt là giáo trình ĐH Huế).

Ví dụ trang 7, giáo trình ĐH Huế, PGS Bùi Duy Tân viết “Từ thế kỷ X trở đi, khi đất nước đã giành được độc lập thì nền văn hóa Việt có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Tận dụng những điều kiện mà mặt tích cực trong chính sách của các vương triều Lý, Trần, Lê sơ có thể tạo nên, người Việt đã phục hưng những giá trị văn hóa bị chìm đắm hoặc bị vùi lấp, mất mát trong thời Bắc thuộc”. Còn đây là “bút lực” của Trần Quang Dũng: “Từ thế kỷ X trở đi, văn hóa dân tộc phát triển mạnh mẽ trong điều kiện đất nước đã giành được độc lập. Tận dụng những điều kiện mà mặt tích cực trong chính sách của các triều Lý, Trần và triều Lê sơ có thể tạo nên, nhân dân ta đã phục hưng những giá trị văn hóa bị chìm đắm hoặc bị vùi lấp trong thời Bắc thuộc” (tr 11-12).

Cũng vẫn trang 8, giáo trình ĐH Huế, PGS Bùi Duy Tân viết: “Có thể nói, lịch sử văn hóa Việt trước hết là quá trình nâng lên bình diện dân tộc những thành tựu văn hóa vốn có tính địa phương, hay nói một cách khác thì đó là quá trình dân tộc hóa những thành tựu của văn hóa dân gian ở nhiều vùng khác nhau trong nước. Lịch sử văn hóa Việt là quá trình tiếp thu một cách chủ động những ảnh hưởng văn hóa nước ngoài và đồng hóa những thành tựu này vì những yêu cầu của đời sống dân tộc”.

“Đạo sĩ” Trần Quang Dũng nhanh chóng “thu lượm”, không cần nhớ đến xuất xứ: “Nhìn chung, lịch sử văn hóa dân tộc trước hết là quá trình nâng lên bình diện dân tộc những thành tựu của văn hóa dân gian vốn có màu sắc địa phương phong phú, hay nói một cách khác thì đó chính là quá trình dân tộc hóa những thành tựu của văn hóa dân gian. Lịch sử văn hóa dân tộc cũng chính là quá trình tiếp thu một cách chủ động những thành tựu văn hóa của nước ngoài và đồng hóa những thành tựu này vì những yêu cầu của đời sống dân tộc” (tr 12).

Rải rác trong chương 1 - tập giáo trình “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX”, độc giả còn có thể bắt gặp nhiều đoạn văn, câu chữ, ý tứ…vốn là tài sản tinh thần của PGS Bùi Duy Tân, bị “tước đoạt” trái phép (các trang 5-6-9, giáo trình ĐH Huế; trang 11-13, sách Trần Quang Dũng).

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tiền Giang lý giải việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

Tỉnh Tiền Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn tại huyện Tân Phú Đông.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỳ bí rừng Nam Xuân Lạc: [Bài 2] Chuyến đi xuyên 18km đường rừng

Bắc Kạn Nam Xuân Lạc trù phú với những cây gỗ quý mấy người ôm không xuể, hệ động thực vật phong phú như vừa thúc giục vừa níu giữ bước chân lữ khách phương xa.

Bình luận mới nhất