| Hotline: 0983.970.780

Tiền to, vẫn lo hiệu quả

Thứ Tư 03/02/2010 , 11:41 (GMT+7)

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá công tác nghiên cứu KHCN và môi trường, nhiều đại biểu khẳng định thời gian qua, nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN là không hề nhỏ. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của những đề tài này tới đâu thì vẫn còn là điều đáng bàn.

Sáng qua (2/2), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN) và môi trường năm 2009 ở 3 đầu cầu Hà Nội – TPHCM – Nha Trang do Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức. Tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định thời gian qua, nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN là không hề nhỏ. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của những đề tài này tới đâu thì vẫn còn là điều đáng bàn. 

Viện bảo chi ít, Vụ bảo quá nhiều

Xoay quanh vấn đề nguồn kinh phí chi cho các đề tài và công trình nghiên cứu KHCN, lãnh đạo nhiều Viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT đều than rằng kể từ khi thực hiện Nghị định 115/CP năm 2005 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập, nguồn kinh phí chi cho các hoạt động nghiên cứu KHCN gặp rất nhiều khó khăn khiến nhiều đề tài khoa học triển khai không đến đầu đến đuôi, ảnh hưởng đến hiệu quả của các công trình nghiên cứu. Nhiều đơn vị như Viện điều tra Quy hoạch rừng, Viện Chăn nuôi... phải tự chủ tới 65 – 90% kinh phí trả lương cho CBCNV.

Bác lại ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính cho rằng so với nguồn kinh phí chi cho các hoạt động khác thì kinh phí dành cho nghiên cứu KHCN trong thời gian qua là không hề nhỏ chút nào. Bà Nguyệt thẳng thắn nêu dẫn chứng năm 2008, nguồn thu ngân sách toàn ngành NN-PTNT chỉ chưa tới 380 tỉ đồng.

Trong khi đó kinh phí dành cho các đơn vị nghiên cứu KHCN và môi trường lên tới hơn 670 tỉ đồng, tức là đã gần gấp đôi nguồn thu toàn ngành. Chi nhiều như vậy nhưng cũng theo bà Nguyệt thì khả năng triển khai các công trình nghiên cứu cũng như công tác quản lí tài chính của chủ nhiệm đề tài khoa học khiến nhiều người phải nghi ngờ. Bằng chứng cụ thể là qua công tác kiểm toán năm 2008, trong số 27 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ NN-PTNT thì có tới 21 đơn vị có sai phạm, trong đó có 11 đơn vị nghiên cứu KHCN chi sai nguyên tắc, phải thu hồi ngược về ngân sách 11 tỉ đồng...

Bên cạnh việc lãng phí đề tài nghiên cứu do không được ứng dụng, nhiều đại biểu còn nêu thực trạng lãng phí do có quá nhiều đề tài trùng lặp nhau, người trước làm rồi, người sau không biết lại... dẫm vào. Các đại biểu giải thích do Vụ KHCN không có cơ sở dữ liệu để tra cứu nên mới xẩy ra việc trùng lặp như vậy.

Cũng theo bà Nguyệt tiết lộ thì trong tổng số hơn 500 tỉ đồng được giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu KHCN triển khai năm 2008 thì cuối năm còn tới hơn 33 tỉ đồng còn dư, phải chuyển sang năm 2009. Điều này cho thấy năng lực quản lí sử dụng tài chính của các đơn vị này là rất yếu kém. Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong việc xây dựng dự toán ngân sách cho các đề tài nghiên cứu ngay từ ban đầu là... có vấn đề! Về điều này, một số đại biểu nêu quan điểm cho rằng, cơ chế nghiệm thu nội dung để phân bổ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ngay từ ban đầu như hiện nay là đang làm khó các đơn vị. Bởi không một dự toán ngân sách nào ngay từ đầu có thể chính xác y như lúc triển khai. Đây cũng là điều khiến nhiều công trình rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì không có kinh phí.

Xoay quanh vấn đề phân bổ kinh phí, bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản III nêu thêm quan điểm ở một khía rằng: “Lâu nay chúng ta vẫn căn cứ vào hiệu quả ứng dụng của công trình nghiên cứu để phân kinh phí, như vậy là vô tình làm giảm đi số đề tài nghiên cứu KHCN cơ bản theo chiều sâu, bởi không phải đề tài nào nghiên cứu xong cũng có thể đem ra phát huy ứng dụng ngay mà có thể chỉ mang tính chất thăm dò. Thực tế có nhiều công trình chúng tôi làm thí nghiệm hết thời gian thực hiện đề tài mà chưa có sản phẩm thì không được quyết toán kinh phí nên đành phải bỏ dở. Cơ chế như thế thì chẳng chủ nhiệm đề tài nào lại dại dột mạo hiểm làm thí nghiệm khó cả...!” 

Vẫn nghiên cứu xong rồi... để đấy!

Đánh giá về hiệu quả ứng dụng thực tế của các đề tài KHCN trong thời gian qua, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nêu thực trạng vẫn còn chuyện các đơn vị đổ xô chạy theo việc lấy đề tài và các công trình mang nghiên cứu ứng dụng giản đơn mà chưa chú trọng đến nghiên cứu cơ bản.

Năm 2009, hàng trăm tiến bộ KHCN đã được công nhận mới. Tuy nhiên hiệu quả ứng dụng tới đâu vẫn chưa có đánh giá, đo đếm (Ảnh minh họa)

Đặc biệt tình trạng công trình nghiên cứu dăm ba năm xong rồi bỏ đấy, chuyển sang nghiên cứu cái khác còn rất phổ biến. Điều này là cực kỳ tệ hại bởi công trình nghiên cứu ra thì nhiều vô kể nhưng hiệu quả ứng dụng thực tế thì chẳng thấy đâu. Ông Võ Đại Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng quy định thời gian thực hiện một đề tài quá ngắn (3 năm) như hiện nay là nguyên nhân chính khiến việc ứng dụng công trình nghiên cứu bị bỏ rơi.

Ông Võ Đại Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam:

“Nghiên cứu về rừng cần nhiều đất thực nghiệm. Tuy nhiên các trung tâm thực nghiệm của Viện hiện đang ngày càng bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó tình hình đang ngày càng gay go do địa phương nào cũng nhăm nhăm muốn lấy đất thực nghiệm của Viện.”

Ông Hải nêu thực tế đa số các công trình nghiên cứu về rừng thường phải kéo dài từ 5 năm trở lên mới có thể phát huy ứng dụng. Với 3 năm như hiện nay thì đề tài kết thúc đều bỏ bê.

Vì vậy, ông Hải nêu kiến nghị nên chăng khi kết thúc một đề tài nên cho gia hạn thêm thời gian, hoặc triển khai tiếp một đề tài có nội dung thừa kế đề tài cũ để lại để tránh gây lãng phí tiền của của nhà nước. Để kiểm soát vấn đề này, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng cần có cơ chế kiểm tra theo dõi việc ứng dụng các đề tài KHCN sau khi nghiệm thu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu thì cho rằng, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các đề tài cần phải chặt chẽ hơn nữa. “Đơn cử như với giống mới. Tôi thấy mỗi năm ra hàng trăm giống nhưng các giống đều có tiêu chuẩn na ná nhau. Cần phải có tiêu chuẩn xác định thế nào thì mới gọi là giống mới...” – bà Thu nêu ý kiến. Cũng theo ý kiến bà Thu thì Vụ KHCN cần phải có dữ liệu kiểm soát xem đề tài đó đã được đăng trên bao nhiêu tờ báo, tạp chí chuyên ngành để xem xét chấm điểm. Đồng thời các đề tài nên đi theo hướng kết hợp với các doanh nghiệp lớn để vừa tận dụng được cơ sở vật chất của DN, vừa có thể ứng dụng ngay sau khi hoàn thành đề tài.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có cơ chế mở rộng thời gian thực hiện các đề tài, chi đủ tiền cho các đơn vị nghiên cứu đến lúc có thể ứng dụng có hiệu quả.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm