| Hotline: 0983.970.780

Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát: Lời trần tình của cựu lâm tặc

Thứ Năm 25/04/2013 , 10:50 (GMT+7)

Gã nổi tiếng không chỉ thâm niên trong nghề lâm tặc, mà còn tính lỳ lợm không ai sánh bằng. Và, rất... chịu chơi.

Ở vùng Đức Trọng, Di Linh, nhắc đến cái tên V.T.Tr (Tr.trọc), giới lâm tặc chẳng ai là không biết, mặc dù gã đã “giải nghệ”. Gã nổi tiếng không chỉ thâm niên trong nghề lâm tặc, mà còn tính lỳ lợm không ai sánh bằng. Và, rất... chịu chơi.

>> Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát: Thảm sát rừng thông
>> Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát: Rừng... vô chủ?
>> Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát

TỪ DÂN LÀNH THÀNH LÂM TẶC

Để tiếp cận được với “cựu lâm tặc” Tr.trọc, chúng tôi phải nhờ mấy ông bạn địa phương rủ bằng được nhóm “bạn rừng” đi ăn nhậu để dò tìm thông tin. Cuối cùng chúng tôi cũng có được số “phôn” và biết được nhà của Tr.trọc nằm bên bìa rừng thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Gã chấp nhận cuộc hẹn của chúng tôi sau vài lần “alô” muốn tìm hiểu về một số loài rễ cây rừng chữa “bách bệnh” mà chỉ có kinh nghiệm “đi rừng” lâu năm gã mới biết được. Sau khi rót mời chúng tôi cùng uống hết nửa chai rượu ngâm đủ “món” thảo mộc từ rừng, Tr.trọc bắt đầu kể lại cuộc đời đầy thăng trầm của mình.

20 tuổi, từ vùng quê Nam Định, gã theo gia đình vào miền rừng núi Di Linh lập nghiệp. Ở vùng đất mới chỉ toàn rừng núi, ngoài việc khai khẩn đất hoang trồng cà phê phát triển kinh tế, gã còn đi làm thợ đục đẽo chạm trổ thuê cho một xưởng gỗ của Đài Loan để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, cuộc sống nơi xứ người chẳng mấy khấm khá, điều này khiến gã rất trăn trở. Hơn nữa, bản thân gã là lao động chính, gánh vác lo toan cuộc sống cho gia đình. Thế rồi, trong một bữa đi kiếm củi thấy nhiều người đốn gỗ rừng mang về bán, thu nhập cao gấp trăm lần so với cái “nghiệp đục đẽo” kia, khiến gã quyết chí phải vào rừng một chuyến. Chẳng bao lâu gã nhanh chóng kiếm được bộn tiền từ việc chặt hạ cây rừng, ngay sau chuyến đầu tiên ấy. Vậy là gã bỏ hẳn nghề đục đẽo chạm trổ. Hàng ngày, gã lầm lũi mang vác đồ nghề vào rừng đốn hạ, xẻ gỗ mang đi bán. Đi riết thành quen, khi có nhiều tiền càng ham, hôm nào không vào rừng, gã cảm thấy ngày đó như bị cùm chân.

Sau khi tích cóp được ít vốn, gã bắt đầu nghĩ đến việc phải thuê người làm, còn mình chỉ cần điều tiết công việc. Từ đấy gã trở thành ông trùm, chỉ huy cả đội quân lâm tặc hùng hậu chuyên đi khai thác và vận chuyển gỗ lậu từ khắp các cánh rừng. Có thời điểm đội quân của gã trấn giữ cả một vùng rừng rộng lớn khắp mấy tỉnh Tây Nguyên. “Ngày ấy rừng bạt ngàn, các loại gỗ quý nhiều vô kể chứ không hiếm như bây giờ. Khi đã có số má trong giới rồi, tao trấn giữ địa bàn, ra vào rừng khai thác như chốn không người. Tao cho tụi đàn em vào đánh dấu địa bàn trên cây bằng ký hiệu riêng, tụi khác vào nhìn thấy là biết mảnh rừng này đã có chủ, không dám đụng tới nữa”, Tr.trọc nói.


Phóng viên đang nghe lời trần tình của lâm tặc

KINH NGHIỆM TỪ “NGHIỆP RỪNG”

Cho đến nay Tr.trọc vẫn tự vỗ ngực khoe về kinh nghiệm đi rừng rú của gã chẳng ai sánh bằng, chỉ cần liếc nhìn những tàn lá đã có thể biết đó là cây gì. Theo gã, chỉ có kinh nghiệm đi rừng nhìn cây mới chuẩn xác. Tùy từng loại cây, từng mùa để có thể nhận ra gỗ quý. Có khi gã chỉ cần đứng từ đồi bên này nhìn sang đồi bên kia cũng biết được ngay đó là cây gỗ gì.

Kinh nghiệm của gã, nếu gặp những cây gỗ lớn phải nhìn tàn lá để tính hướng đổ trước, nếu không cây sẽ bị gãy toác rất nguy hiểm cho người cưa. Do vậy, cũng tùy theo cây mà xem nên cắt lưng hay cắt bụng trước, hoặc phải cắt nhát trên nhát dưới hay cắt bằng nhau, điều này rất quan trọng. Tr.trọc dẫn chứng, thực tế có trường hợp trời đánh không chết mà cây đánh lại chết, như con nhà ông H ở cùng xóm với gã, có lần thấy mưa bão chạy ra đóng cửa bị sét đánh toác cả tay, may không chết. Ấy vậy mà, vào rừng lại bị cây “đánh” chết. “Lúc đang cắt, nghe tiếng rắc rắc, thấy cây đang đổ về phía mình, hắn vội vứt cưa chạy sang phía đối diện, ai ngờ, cây chưa đứt hết nên một nửa thân cây toác ra, bật lên. Hắn bị búng lên cao mấy chục mét, rơi xuống nằm vắt ngang thân cây chết nhũn như con giun!”, gã rùng mình nhớ lại.

Vậy nhưng, chính gã cũng có lần gặp nạn khi săn loại cây rừng thiêng khiến gã bị ám ảnh đến tận bây giờ. Cách đây khoảng 17 năm, gã cùng đàn em mò sang tận rừng Campuchia để săn gỗ quý, tình cờ tìm được một cây gỗ hương (hơn 2 trăm năm tuổi). Mừng quá, tính sáng mai sẽ ra cưa, nhưng tối hôm đó về trại gã nghe có tiếng người phụ nữ khóc van xin đừng đụng vào cây. Gã từng chơi bùa ngải nên bỏ ngoài tai, chẳng sợ. Hôm sau, khi gã vừa đụng lưỡi cưa vào cây thì gã bị lên cơn co giật, đàn em phải đưa gã về trại gấp. Vài bữa sau khỏe gã lại cố tình ra cưa tiếp thì bị cây đổ chắn ngang đường như “nhốt” mọi người bên trong rừng không có lối ra. Thấy cây rừng thiêng nên cả nhóm sợ quá đành “bỏ của chạy lấy người”, chẳng dám quay lại nữa.

Trong cái se lạnh đêm Tây Nguyên, những câu chuyện về một thời sống chết cùng rừng xanh gã kể càng rùng rợn. Tôi cảm nhận được trong con người gã vẫn chưa hết “say” với núi rừng mặc dù đã giải nghệ từ nhiều năm.


Sau khi khai thác bán gỗ, gốc cây được đem về nhà

TRẢ NGHĨA RỪNG XANH

Nghĩ lại quá khứ một thời đã băm nát biết bao cánh rừng khiến gã sực tỉnh và muốn làm lại cuộc đời để trả nghĩa với rừng xanh. Tr.trọc bắt đầu công cuộc tái thiết rừng xanh bằng việc nhận hạt giống về ươm mầm để trồng rừng tái canh. Với gã, đây thực sự là những ngày thử thách tính kiên trì sau những năm tháng tung hoành khắp núi rừng.

Cả gia đình gã kéo nhau ra dựng lán ở tạm ngay vườn rẫy của cha mẹ cho bên bìa rừng, gã động viên vợ con quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc cải tạo đất trồng cà phê và trồng rừng. Một năm sau, vườn rẫy của gã đã bắt đầu xanh tốt. Thấy vậy, các hộ dân cũng tìm đến đặt mua cây giống của gã để nhận trồng phát triển rừng. Ngoài việc “trả nợ rừng”, gã còn vận động người dân trồng mới hàng trăm ha rừng thông tái canh để phủ xanh đồi trọc.

Đêm về khuya, bên bình rượu gần cạn, Tr.trọc bộc bạch: “Chỉ vì miếng cơm manh áo mà bản thân mình đêm đêm phải xuyên rừng, triệt hạ hết những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Vậy nhưng, nơi rừng thiêng nước độc có đầy sự may rủi với số phận mình…!”. Ngồi nghe gã “trút bầu tâm sự” về những câu chuyện mới đây, có người phải bỏ mạng vì bị cây đè chết khi đang đốn hạ cây để lại người vợ và những đứa con thơ dại. Sau ngày chồng chết, đêm đêm, người vợ thường bồng con ra bìa rừng ngồi gào thét, khiến tôi lạnh người. Chợt nghĩ, nếu một ngày các khu rừng nguyên sinh bị tuyệt chủng rồi môi trường sống con người sẽ phải gánh chịu hậu quả ghê gớm như thế nào? Mấy chục năm trời sống trong rừng thiêng nước độc, Tr.trọc tự thấy cái “nghiệp rừng” của gã cũng vô cùng bạc bẽo…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.