| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/03/2014 , 09:42 (GMT+7)

09:42 - 11/03/2014

Tiếp khách và quà tặng

Từ năm 2010 đến quý I/2013, Cty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang “chi phí không đúng chế độ, chính sách” hơn 7,5 tỷ đồng, chủ yếu là “chi hỗ trợ” cấp trên tiếp khách.

Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã vào tỉnh Hậu Giang làm việc về “các sai phạm nghiêm trọng” ở Cty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố tháng 2/2014.

 Đáng chú ý nhất trong đó, từ năm 2010 đến quý I/2013, Cty “chi phí không đúng chế độ, chính sách” hơn 7,5 tỷ đồng, chủ yếu là “chi hỗ trợ” cấp trên tiếp khách. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: “Các khoản tiền chi sai trên gồm: Chi hỗ trợ các tổ chức như Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ, và một số cá nhân ngoài Cty dưới hình thức thanh toán các hóa đơn, chứng từ tiếp khách…”.

Để lo việc tiếp khách, một số cá nhân phải liên tục tạm ứng số tiền lớn. Ông Liêng Quang Tân là nhân viên Phòng Tổ chức Hành chính của Cty, ứng tiền tiếp khách tháng thấp nhất 50 triệu đồng, tháng cao nhất 686,5 triệu (tháng 6/2012). “Thậm chí cá nhân ông Phạm Tuấn Khanh, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang không phải là người của Cty cũng tạm ứng 600 triệu đồng để chi phí cho hoạt động của UBND tỉnh”, theo kết luận thanh tra.

Ký kết luận thanh tra là ông Nguyễn Chiến Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Những người liên quan tiền tiếp khách, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, đã bị kiểm điểm để xem xét kỷ luật và nay, đang phải làm việc với cơ quan điều tra.

 Cũng liên quan đến tiền tiếp khách mà ông Huỳnh Hiếu Bi, lúc đang làm Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang (Trà Vinh) đã phải ra tòa. Thời gian xem xét hành vi sai phạm của ông Bi là lúc ông làm Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, năm 2005, còn vụ án hình sự mở ra từ năm 2008.

Ông Bi bị xử tội “cố ý làm trái” và “tham ô”, do đã chỉ đạo sử dụng mấy chục triệu đồng công quỹ để tiếp khách và mua quà biếu. Án sơ thẩm năm 2008 phạt ông 3 năm tù treo, án phúc thẩm năm 2009 nâng lên 3 năm tù giam, chia đều cho mỗi hành vi “phạm tội” 1 năm 6 tháng.

Năm 2010 và 2011, Viện trưởng Viện KSNDTC kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm vì còn “phiến diện, chưa đầy đủ”. Nhưng mấy năm sau đó, phiên tòa giám đốc thẩm của TANDTC không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên án phúc thẩm. Quyết định của phiên tòa giám đốc thẩm đã khép lại vụ án gây nhiều tranh cãi này, tuy nhiên, đến nay ông Bi vẫn liên tục làm đơn “kêu oan”.

Ông Bi kêu oan vì: “Tiếp khách đối nội, đối ngoại là trách nhiệm của một Chủ tịch UBND huyện phải làm, mà tôi đâu phải là chủ tài khoản”. Đáng chú ý ở vụ án này là hành vi “tham ô” của ông Bi, bị xử 1 năm 6 tháng tù giam, vì chỉ đạo dùng 8 triệu đồng công quỹ mua điện thoại biếu cấp trên.

Các bản án nêu, ông Lâm Thanh Bình là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, GĐ Sở Thủy sản tỉnh Trà Vinh xin điện thoại di động. Ông Bi bảo nhân viên văn phòng UBND huyện mua một cái điện thoại Nokia đời mới để biếu.

Quyết định giám đốc thẩm cho rằng “không có tài liệu nào xác định trong năm 2005, UBND huyện Cầu Ngang có chủ trương mua điện thoại biếu ông Bình” nên ông Bi bị kết tội tham ô số tiền ấy. Ông Bi cay đắng: “Trải qua chiến tranh, hai người anh của tôi hy sinh, còn mình tôi sống sót nhưng hòa bình lại phải chết lãng nhách vì quà biếu cấp trên. Nếu sai thì cho tôi xuất tiền túi ra trả, vì cũng do cấp trên xin trước chứ có phải tôi chủ động biếu quà đâu”.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm